Trước trận CK Cúp QG Thể Công – SHB.ĐN: Vương miện thiếu viên kim cương

28/08/2009 12:23 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Thể Công giàu truyền thống. Quá khứ của Thể  Công đẹp như huyền thoại. Từng có thời Thể Công chỉ biết sống bằng quá khứ và nói chuyện truyền thống, bù đắp cho hiện tại ít vẻ vang. Thế mà giờ đây, khi Thể Công chỉ cần rướn lên một chút là truyền thống của đội bóng 55 tuổi sẽ trở nên hoàn hảo, họ lại ngập ngừng và có dấu hiệu buông xuôi. 

5 chiếc Cúp vô địch quốc gia. 13 danh hiệu hạng A miền Bắc. 1 chiếc cúp môn bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc. 1 Siêu Cúp QG. 1 chức vô địch giải hạng Nhất. 1 cúp vàng Quân đội ASEAN. Nếu đếm cả các giải trẻ, nhiều không kể xiết.

Song, Thể Công lại chưa từng có một danh hiệu nào ở Cúp QG. Ở cuộc chơi ấy, họ chỉ có 2 lần góp mặt trong trận chung kết, năm 1992 và 2004. 

Người ta vẫn bảo, Cúp QG là sân chơi phụ, là thảm họa của những đội bóng lỡ vô địch nhưng không có tiền trang trải đi đá giải châu lục và không có người chơi bóng để chống đỡ cuộc đua kéo dài trên nhiều mặt trận mùa sau. Tựu trung lại, Cúp QG không phải là nơi để luận anh hùng. 

Thực ra, với bất cứ danh hiệu nào, giá trị và ánh hào quang của nó còn lệ thuộc vào thái độ của chính chủ nhân của nó. Nếu họ nhìn nhận nghiêm túc, dốc sức ra tranh đua và khát vọng vươn tới, thì danh hiệu đó là có ý nghĩa. Và ngược lại. Ngôi VĐQG của Cảng Sài Gòn năm 2002 dù là thành tích “tối cao”, nhưng hầu như người ta không tôn vinh thành tích ấy, vì nó là món quà từ trên Trời rơi xuống. 

Vậy thì  tại sao không ai nói tới một mục tiêu là Thể Công cần phải giành lấy chiếc Cúp QG, để hoàn tất bộ  sưu tập các danh hiệu sẽ trở thành độc nhất vô nhị của họ? Tại sao sự chuẩn bị ở Nhổn cho trận chung kết Cúp QG với SHB.ĐN vào chiều mai của đội lại giống như đội Thanh Hóa đã xuống hạng chuẩn bị cho trận thủ tục?


Thể Công (phải) có “dám thắng” SHB.ĐN lần nữa để đoạt Cúp QG?

Con đường tiến vào trận chung kết Cúp QG của Thể Công có đầy mồ hôi và máu, chứ không phải họ tự nhiên  được ai kéo tay vào. Trận thắng Sông Lam ở bán kết, Bảo Khanh chấn thương khá nặng, thủ môn Mạnh Dũng cũng suýt phải chia tay tới hết mùa giải. Trận thắng HN.ACB ở tứ kết, Thể Công mất cầu thủ chạy cánh Ngọc Duy 6 tháng vì chấn thương dây chằng đầu gối, giấc mơ SEA Games 2009 của cầu thủ có cái chân trái ma thuật này cũng tắt lịm từ đó. Lẽ nào, những tổn thất ấy Thể Công đã quên? Chừng 350 triệu cho mỗi trận thắng ở Cúp QG (ngang với V-League) không thể là sự bù đắp tương xứng. 

Quá muộn để “cấp cứu”?

HLV Lê  Thụy Hải sẽ ra đi. Đứng trước cả đội, ông đã tuyên bố dõng dạc như vậy cách nay 1 tuần khi Thể Công gần như đã trụ hạng. “Sẽ không có gì níu giữ được tôi ở lại, các bạn ạ. Tôi sẽ nghỉ”. Nói như thế, nghĩa là ông Hải ở lại Nhổn cùng với hơn 2 chục cầu thủ Thể Công cho tới hết hợp đồng và chờ cho xong trận chung kết Cúp QG là chia tay.

Nhưng Thể  Công đâu phải của ông Hải. Và Thể Công chơi bóng đâu phải vì bất cứ cá nhân nào. Nếu truyền thống của Thể Công có bóng dáng của vị HLV này thì chỉ có thể là trong vai trò của người đã từng cùng Đường sắt Việt Nam bị Thể Công đánh bại cả chục lần trong quá khứ. 

Thể Công bây giờ đang xuống cấp, nhưng tương lai của họ cần được gây dựng ngay từ bây giờ. Trong bóng đá cũng như cuộc sống, với người lính là chiến trường, không được phép tặc lưỡi cho qua một trận đánh, nhất là khi đã biết nếu thua trận này sẽ là chuyện an nguy của ngày mai.

Tâm trạng và hành động mang tính an bài, buông súng và phó mặc của những người còn lại ở Thể Công trong những ngày này rõ ràng là một sự ngạc nhiên pha lẫn sự hổ thẹn, không mang bản chất của một đội bóng áo lính.  

Hay là vì nếu Thể Công mà siết chặt và nắm tay nhau để mang về phòng truyền thống của họ chiếc Cúp duy nhất còn thiếu, sẽ đồng nghĩa với một cuộc lật kèo sau khi SHB.ĐN đã thua trận “lượt đi” ở vòng 26 V-League?

Phạm Tấn

Hôm qua, một cựu danh thủ của Thể Công đã nói với người viết rằng nếu ông là Giám đốc Thể Công, ông sẽ cảm ơn HLV Lê Thụy Hải với nố lực giúp đội trụ hạng và tạo điều kiện để HLV này thỏa ước nguyện rời Thể Công ngay lập tức, và đưa một ai đó ở Thể Công hiện thời nắm đội trong trận chung kết. Tôn chỉ của Thể Công xưa nay vẫn là: Giữ người thiết tha, chứ không thiết tha giữ người đã chán nản!  


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm