Đại hội thường niên LĐBĐ TP.HCM (HFF) khóa IV: Làm lại từ đầu

23/05/2009 09:35 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Bóng đá TP.HCM từng có một quá khứ oai hùng, đến giai đoạn tịnh tiến lùi (và có nguy cơ trở thành… vùng trắng), giờ người ta mới tính chuyện làm lại. Hơi buồn cho môn thể thao vua của thành phố lớn nhất nước, xong phải biết chấp nhận thực tế, để tìm hướng ra, trước khi quá muộn…

1. Cứ xâu chuỗi vấn đề thế này: Thời hưng thịnh, Hải Quan, Công An TP.HCM và Cảng Sài Gòn từng xưng hùng, xưng bá trên khắp các sân cỏ Việt Nam. Nhưng lần lượt, từng cái tên một bị xóa sổ, vì nhiều lý do. Và giờ, khả năng CLB TP.HCM – đại diện duy nhất phải xuống hạng là rất dễ xảy ra. Với chỉ một đại diện bé hạt tiêu, đội bóng vừa mới “nhập hộ khẩu” thành phố từ Nghệ An là Sài Gòn United ở giải hạng Nhất cộng với vài ba cái tên khác ở hạng Nhì, có thể không nếu bóng đá TP.HCM sạch bóng ở sân chơi V-League vào năm sau?!

Nói TP.HCM sẽ trở thành vùng trắng cho bóng đá chuyên nghiệp, có điều gì sai?! Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng phản đối lập luận này, bởi ông cho rằng nhận định như thế là sai quan điểm và không mang tính xây dựng. Ông Dũng từng hơn một lần mạn phép “phi lộ” như thế, trong buổi Đại hội thường niên chiều qua (22.5), và câu mở đầu muôn thuở là “làm bóng đá khó lắm, chứ chẳng chơi”. Ông Chủ tịch HFF, người mang trọng trách lớn lao kiếm tiền cho tổ chức xã hội này, nói rất nhiều và rất thẳng, trong hầu hết các vấn đề.

Một trong những chi tiết được đề cập nhiều nhất trong gần 3 tiếng đồng hồ Đại hội chiều qua là Chương trình tầm nhìn Việt Nam – Dự án TP.HCM. Theo đó, thành công lớn nhất của HFF là lôi kéo được sự chú ý – giúp đỡ của AFC, để hy vọng vực dậy nền bóng đá già cỗi TP.HCM. Theo Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng, thì đó là một kế hoạch dài hạn (10 – 15 năm), mà trọng tâm là bóng đá trẻ, bóng đá học đường. Không tiện nói ra, song lãnh đạo HFF phải chấp nhận thực tế rằng, bóng đá đỉnh cao của địa phương này đang sống mòn, thậm chí là cầm hơi thực sự. Biểu hiện rõ nhất là CLB TP.HCM đang ngụp lặn ở tốp cuối bảng xếp hạng, sau giai đoạn lượt đi.
 
 Đại hội chưa hé ra ánh sáng cuối đường hầm cho bóng đá Thành phố - Ảnh: N.V

2. Sau lứa những Quang Thanh, Công Minh, Thái Dương, Đinh Cường…, cái nôi đào tạo trẻ số 1 - Trường Năng khiếu nghiệp vụ (NKNV) TP.HCM, gần như không cung ứng thêm bất cứ một cầu thủ (chứ đừng nói cả thế hệ) nào nữa có thể chơi bóng đá chuyên nghiệp. Lý do được đưa ra là suốt mấy năm qua, Trường NKNV bận tập trung tạo nguồn lực cho… Hội khỏe Phù Đổng, mà quên bẵng khâu tuyển chọn, đào tạo cho sân chơi đỉnh cao, mà cụ thể cầu thủ bóng đá.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu làm chặt chẽ các tuyến trẻ từ năm nay, để cung ứng cho các đội bóng trực thuộc HFF” – Trưởng bộ môn bóng đá trực thuộc Sở, kiêm Phó TTK HFF, Trần Đình Huấn gãi đầu gãi tai. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề chảy máu nhân tài, rằng số ít ỏi các cầu thủ giỏi mà Trường NKNV đào tạo được, lại tìm đến đội bóng khác ký hợp đồng chuyên nghiệp, thì nhận được lời giải thích rất hài hước. “Cầu thủ mà các anh nói (Dương Mạnh Toàn – PV) cũng thường thôi, không có điểm gì đặc biệt, nên phải ngồi dự bị suốt. Việc để anh ấy đi (Thể Công), cũng nên được thông cảm, vì Toàn quê ở ngoài… Bắc”, ông Huấn nói.

Toàn về Thể Công, với giá 350 triệu (số tiền rất khủng với một cầu thủ trẻ) và trở thành một hiện tượng tại giải U19 toàn quốc ở Gia Lai mới đây (ghi 3 bàn). Khen người Thể Công hay khi cho Toàn được dịp tỏa sáng thì khác nào tự trách mình, phải không? Rõ, người làm bóng đá TP.HCM, mà cụ thể là HLV của Mạnh Toàn – ông Nguyễn Văn Long, đã bỏ qua người tài. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Người của HFF hay Bộ môn bóng đá trực thuộc Sở thường nhắc lại cái quá khứ oai hùng của môn thể thao vua TP.HCM và rằng sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống. Nhưng tất cả chỉ là kế hoạch và kế hoạch. Có cảm giác như sau này, khi 2/3 các cái tên lớn nhất của bóng đá TP.HCM bị giải thể, Cảng Sài Gòn (TMN.CSG và TP.HCM sau này) thì gần như tự cung tự cấp, người ta cho rằng không cần đào tạo trẻ nữa?! Kinh phí thì của nhà nước, mà đầu ra lại không thấy đâu. Hệ thống của lò đào tạo Trường NKNV đóng băng, phần vì tâm lý ấy. Và thế, nên Đại hội bàn luận nhiều đến Chương trình Tầm nhìn Việt Nam (của AFC) – Dự án TP.HCM, cũng như các kế hoạch hợp tác đào tạo với Học viện bóng đá thuộc Tập đoàn Scavi Rocheteau.

Trong một chừng mực nào đó, có thể hiểu, HFF đang sẵn sàng các phương án làm lại từ đầu, thậm chí từ con số không.
 
Thảo Nguyên
 

Dù chỉ là Đại hội thường niên, nhưng bản “báo cáo tổng kết” sau năm đầu tiên hoạt động của HFF khóa 4 cũng dài đến… 16 trang A4. Thêm 5 trang gọi là “phụ lục báo cáo tổng kết” nữa, vị chi là 21 trang. Phần lớn nội dung toàn đề cập đến những cái làm được, tức điểm mạnh của khóa 4, chỉ một dung lượng rất nhỏ liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm. Vấn đề thời sự nhất là “trục vớt” chiến hạm CLB TP.HCM khỏi bị đánh đẵm, thì chỉ có vài dòng. Rất may về cuối buổi Đại hội, ông Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng đã kịp thời đưa đề tài “nóng” này ra… hội nghị.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm