HLV Chatchai: Bóng đá VN vẫn kém Thái Lan ở cái nền

25/03/2009 13:15 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Trở lại Việt Nam sau một thời gian vắng bóng, HLV Chatchai nhận xét bóng đá VN vẫn thua Thái Lan ở cái nền. Đấy là một trong những nguyên nhân khiến V-League dù được đánh giá cao nhất nhì khu vực, nhưng ĐTVN cũng như CLB VN lại chưa có được vị thế tương xứng.
 

* Sau 2 năm trở lại Việt Nam, ông thấy V-League có những thay đổi gì?

- Dĩ nhiên là có nhiều thứ đã thay đổi sau 2 năm tôi trở lại Việt Nam. Trước đây, V-League rất ít đội chịu đầu tư mạnh mẽ về tiền bạc. Nhưng bây giờ, tôi được biết có nhiều đội rất mạnh về tài chính. Điều đó chứng tỏ V-League đang trở thành một thương hiệu thu hút vốn đầu tư lớn Tôi nghĩ đấy là điều nên làm bởi bóng đá chuyên nghiệp cần một khoản chi phí rất lớn để xây dựng một đội bóng mạnh. Nhiều đội bóng ở Thái Lan không có được sự đầu tư lớn như thế. Các CLB dường như nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả hơn. Tôi cảm nhận điều đó qua cách thể hiện của CĐV đến xem đội chúng tôi đá.

* Tuy V-League chất lượng được đánh giá cao, hấp dẫn là thế, nhưng trình độ của các đội bóng Thái cũng như ĐT Thái vẫn ở một mức cao hơn so với Việt Nam. Đấy là thực tế, dù chúng tôi vừa đoạt AFF Suzuki Cup. Ông nghĩ sao về điều này?

- Dù chất lượng của Thai-League thấp nhưng không có nghĩa LĐBĐ Thái không có sự đầu tư ở vĩ mô để nâng tầm bóng đá Thái. Mỗi năm, LĐBĐ Thái Lan bỏ ra rất nhiều tiền để đưa các nhà chuyên môn, quản lý bóng đá đi tu nghiệp ở nước ngoài. Đấy là hình thức để nền bóng đá quốc gia luôn cập nhật kinh nghiệm quản lý, đào tạo từ các nền BĐ tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng hệ thống đào tạo trẻ, trong đó có cả bóng đá học đường. Dù ở cấp bậc nào thì các HLV đều phải có năng lực thực sự, có tâm huyết với nghề. Ngoài các trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu tại Thái Lan là Sungkulap và Latchdomeon luôn luôn giữ truyền thống về chất lượng, thời gian vừa qua bóng đá Thái Lan còn có thêm các học viện đào tạo do các CLB trong và ngoài nước thu hút được nhiều tài năng trẻ như Chonburi hay Arsenal JMG. Ngay tại các giải đấu dành cho đội Olympic tại các trường Đại học cũng tới con số 3, được tổ chức liên tục với tính cạnh tranh rất cao. ĐTQG Thái luôn đứng đầu khu vực cũng nhờ sự đầu tư có trọng điểm như vậy. Nói chung, chúng tôi vẫn hơn các bạn ở cái nền.
 
Ảnh: HLV Chatchai (phải).

* Trình độ của các cầu thủ Thái luôn tỏ ra vượt trội so các cầu thủ trong khu vực. Ví dụ Thonglao, luôn đươc coi là tiền vệ kiến thiết số 1 ĐNA. Những cú sút phạt của anh ta tạo nên sự khác biệt. Theo ông, tại sao các cầu thủ VN chưa có được điều đó?

- Đó là một hành trình dài để bóng đá Thái có được những sản phẩm tốt như vậy. Các tài năng trẻ tại Thái được phát hiện và chỉnh sửa rất nhiều từ các động tác căn bản nhất. Kiatisak, Thonglao đã phải trải qua hàng nghìn giờ luyện tập khắc nghiệt mới có được những pha bóng đẳng cấp trên sân. Bạn nên nhớ rằng, người HLV chỉ tạo nên 60 % thành công sau này của một cầu thủ, 40% còn lại phụ thuộc vào nỗ lực trên sân tập của cầu thủ mới mong thành tài.

Trong đào tạo, chúng tôi thường khuyến khích các cầu thủ tự chọn phong cách, lối chơi riêng phù hợp thể lực. Đó là yếu tố cộng hưởng để tạo nên một cầu thủ toàn diện và có cá tính. Thonglao đã phải vượt qua những giáo án rất nặng để có được một cái cổ chân rất dẻo, cũng như khả năng đọc tình huống hết sức nhạy cảm.

* Muốn thành công, BĐVN cần phải làm những điều gì để thay đổi mình?

- 15 năm gắn bó với bóng đá đỉnh cao Thái Lan, tôi thấy ngoài các bài bổ trợ thể lực hay những giờ học chiến thuật, các cầu thủ Thái Lan cũng chú trọng về kiến thức văn hoá. Dusit đã có bằng Đại học TDTT. Kiatisak, Nirut có bằng đại học Kinh tế. Ngay như Thonglao vừa thi đấu vừa lo chuẩn bị kỳ thi giữa kỳ một trường ĐH bên Thái Lan. Trong khi các cầu thủ VN lại tỏ ra thiếu sự cầu tiến ngay trên sân cỏ và học vấn. Mặt khác, cầu thủ các bạn tập trung cho các trận đấu không tốt, đặc biệt về thể lực. Họ hay lạm dụng các chất kích thích làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, trạng thái tinh thần. Ngay cả cầu thủ HA.GL thể lực cũng còn rất hạn chế.

Các đội bóng cần phải thay đổi cách thức quản lý để V-League ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đã hoạt động như một doanh nghiệp bóng đá thì theo tôi, các đội phải xây dựng hình ảnh thật tốt. Đấy là nền tảng để tiến tới ý thức nuôi sống bản thân, thông qua tiền bán vé và quảng cáo.

Bóng đá VN cần phải phát triển từ gốc. Có nghĩa, cần đầu tư tốt hơn nữa vào bóng đá trẻ, mà mô hình kết hợp giữa HAGL và Arsenal là một hướng đi rất tốt. Với cách thức này, sẽ tạo ra những cầu thủ giỏi trên sân và một công dân tốt cho xã hội. Các HLV tại V-League cần được đi học ở nước ngoài để tiếp hoàn thiện tốt hơn. Cái đáng bàn hơn nữa là thay đổi tư duy trong các cầu thủ. Họ dành quá ít thời gian để trau dồi năng lực, tính chuyên nghiệp. Trong thời gian nghỉ ngơi sau một mùa giải hay trong chấn thương, vẫn phải giữ nhịp độ luyện tập để duy trì thể lực và cảm giác với bóng.

* Còn HA.GL, họ có thay đổi gì sau 2 năm thưa ông ? Nếu còn hạn chế, với ông đấy là gì? Ông có thấy áp lực khi Dusit đã gây dựng được hình ảnh một HA.GL đã cứng cáp hơn?

- Năm 2007, đội bóng của tôi không thể thành công do mất 2 cầu thủ ngoại tốt. Lực lượng nội không đồng đều bởi những cầu thủ trụ cột đã lớn tuổi, cầu thủ trẻ lại chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện khả quan hơn rất nhiều. Tôi nghĩ cơ hội vô địch với đội năm nay là rất lớn. Nhưng với điều kiện, các cầu thủ ra sân hãy vì cái chung mà dẹp bớt tính cá nhân, đừng chơi bóng theo ý thích của mình. Họ không nên lấn át nhau vì coi mình là cầu thủ lớn trong đội. Thể lực và kỷ luật phải được tôn trọng. Phải chơi quyết liệt hơn. Với tôi, yêu cầu trước mắt chỉ thế thôi. Còn nếu không có khả năng, có lẽ bầu Đức đã không ký hợp đồng tôi dẫn dắt HA.GL. Tôi sẵn sàng đối đầu với thử thách.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nhã Nam (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm