Xứ Nghệ “sống mòn”

20/02/2009 12:13 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Không tưởng tượng được một địa phương từng đi đầu cả nước về bóng đá (và phong trào bóng đá), lại đang phải thở dồn ở môn chơi này. Chúng tôi đang nói đến Nghệ An, cái nôi đào tạo, xứ sở từng được xem là niềm tự hào của “mô hình điểm” của BĐVN!

Sống bằng niềm tin

Lương khởi điểm cho một cầu thủ trẻ mới được đôn lên đội 1 = 2 triệu đồng/tháng. Tiền thưởng cho một trận thắng tại V-League = 40 triệu đồng. Cái khung thưởng phạt tưởng như vốn chỉ tồn tại ở bóng đá phong trào, nhưng nó lại đang được thực thi ở Nghệ An.

Nếu đem so sánh con số 40 triệu đồng (1 trận thắng) cho trên dưới 30 con người ở đội 1 SLNA, nó chỉ bằng (hoặc nhỉnh hơn chút đỉnh) so với số tiền thưởng của một cầu thủ của T&T.HN, XM.HP hay Thể Công nhận được từ 1 trận thắng. Năm ngoái, ngay khi còn chơi ở giải hạng Nhất, một cầu thủ đá chính của T&T.HN sau trận thắng trước TĐCS.Đồng Tháp cũng bỏ túi hơn 30 triệu đồng.

Ở SLNA, BHL và trợ lý cũng chỉ nhận mức lương theo dạng biên chế, chừng 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu đội bóng đạt chỉ tiêu, sẽ có thêm 6.5 triệu đồng nữa của nhà tài trợ (tức chừng 9 triệu cho trợ lý và 13 triệu cho HLV trưởng). Mùa giải 2008, sau khi không lọt vào tốp 5 (như giao ước của bản hợp đồng với Công ty TCDK), BHL SLNA bị cắt gần như toàn bộ số tiền thưởng.
 
SLNA (trái) đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn về kinh phí.

Làm bóng đá hay chơi bóng ở Nghệ An lúc này, bạn phải biết sống bằng niềm tin. Nói lý tưởng cũng được, tức là phải biết vì màu cờ sắc áo mà cống hiến. Đừng nghĩ rằng sẽ làm giàu, hay thậm chí sống được với nghề ở xứ sở này.

Nghe có vẻ hơi phũ, nhưng nó đang là tồn tại của bóng đá Nghệ An. Rất nhiều cầu thủ ở đội 1 SLNA bây giờ chỉ xác định đá cho vui, hoặc cầm hơi, chứ chẳng dám ba hoa hay ra oai gì với chúng bạn. Có chăng, đó là khi họ đã rời Nghệ An, như kiểu của Thế Anh trước đây, hay Minh Đức, Công Vinh sau này. Bản thân hợp đồng 2 năm ký với Văn Quyến (chừng 800 triệu), hiện cũng chỉ nằm trên giấy, bởi Quyến “béo” cũng chưa nhận được một xu nào để… cải thiện đời sống.

Rõ ràng, con đường mà bóng đá xứ Nghệ đã và đang chọn đang rất lạc hậu so với các đội bóng khác ở VN. Đó là phần cơ bản trong những lý do khiến các nhà tài trợ rất dè dặt khi bắt tay với bóng đá xứ Nghệ. Hoặc khi quyết định hợp tác, đó cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ.
 


Chờ đến bao giờ?

Ở khía cạnh đội bóng, SLNA đã và đang làm tất cả để lôi kéo nhà tài trợ. Đó là bản hợp đồng với Văn Quyến, Xuân Thắng…, hòng đảm bảo cho sức sống của đội bóng (ít nhất là lực lượng). Nhưng về mặt kinh doanh, cần phải cho LILAMA (hay bất cứ nhà tài trợ nào khác) nhìn thấy tiền đề phát triển tại Nghệ An.
 
GĐĐH Hồ Văn Chiêm không phải không có lý khi cho rằng: “Khó thể thuyết phục một nhà tài trợ ở TP.HCM hay Hà Nội đứng ra bảo trợ đội bóng. Cần cho họ thấy những cơ hội làm ăn ngay tại xứ Nghệ này. Nó phải đồng thuận với chiến lược hợp tác lâu dài”.

Hoàng Anh hay Gạch Đồng Tâm sau khi hợp tác với bóng đá các địa phương như Gia Lai, rồi Long An, đều đã phát triển rất mạnh mẽ những cơ sở tại chỗ. Becamex Bình Dương thì khỏi phải nói, khi ngoài những nguồn lực kinh tế được khai thác triệt để ở Đông Nam Bộ, họ có quota xây dựng và toàn quyền khai thác quảng cáo trên trục đường Quốc lộ 13.

Mới đây nhất, để thuyết phục SHB (Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội) bảo trợ đội bóng, Đà Nẵng đã phải hy sinh rất nhiều nguồn nguyên liệu tại chỗ như đất đai hay cơ sở hạ tầng…

Trong kinh doanh, cũng như hợp tác kinh tế, không ai cho không ai cái gì. Nghệ An cần một cơ chế thoáng, để thu hút nhà tài trợ. Đó là nhiệm vụ cấp bách, chứ chẳng thể nói chơi được!

“Tất cả còn phải chờ cái gật đầu của UBND tỉnh. Thiết nghĩ, trong chừng mực cho phép, chúng ta phải biết hy sinh. Nhà tài trợ (Tập đoàn xây lắp LILAMA) có cái lý của họ, khi đưa những điều kiện trong việc hợp tác và gắn bó lâu dài với bóng đá Nghệ An. Không thể tồn tại trong làng bóng đá chuyên nghiệp bằng “bầu sữa” của ngân sách tỉnh được (chưa đến 10 tỷ đồng/năm). Nhưng hiện tại, chúng tôi vẫn đang phải chờ”, GĐĐH SLNA Hồ Văn Chiêm trả lời TH&VH khi mới trở về từ Hà Nội vào sáng qua.

Nghe bảo, ngày 28/2 tới đây, SLNA sẽ đạt được những điều khoản hợp đồng với LILAMA. Khi đó, mọi vấn đề về tiền bạc, xây dựng cơ sở hạ tầng hay việc cải tạo sân bãi (vốn đang xuống cấm trầm trọng)…, sẽ được giải quyết. Chờ đợi, cụm từ quen thuộc như thể một món ăn tinh thần với bóng đá xứ Nghệ từ nhiều năm nay!

TRẦN HẢI

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm