Công Vinh & cuộc sống mới: Khác không chỉ từ màu áo

17/02/2009 13:57 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Trong màu áo đội bóng mới, Công Vinh trận nào cũng kiến tạo cơ hội cho đồng đội ghi bàn, rồi cuối tuần qua, tự mình ghi bàn thắng duy nhất trong trận đấu T&T HN với SHB.ĐN. Trên hết, thái độ của Công Vinh chơi bóng cho người viết cảm giác anh còn chơi hay hơn cả khi khoác áo ĐTVN chứ không chỉ là so với thời ở Sông Lam. Điều gì đã tạo nên sự thay đổi ấy?

Hiệu ứng AFF Cup

Có thể là Vinh đã trưởng thành hơn qua AFF Cup, vì sau một giải đấu đỉnh cao với đầy đủ các trạng thái, từ thất vọng đến hạnh phúc, từ khó khăn đến chiến thắng, từ bị chỉ trích đến được ca tụng, nên bản lĩnh thực sự được tôi luyện. Hay đã chơi những trận đấu khó khăn nhất với những sức ép lớn nhất, trước những đối thủ mạnh nhất của khu vực, Vinh giờ biết cách chơi bóng thông minh hơn và hiệu quả hơn.

Cũng có thể là Vinh giờ đây tự tin hơn so với trước rất nhiều nhờ chiếc cúp AFF và nhờ 2 bàn thắng ghi được vào lưới Thái Lan sau 2 lượt trận chung kết, để thực hiện những động tác khó, xử lý kỹ thuật đẳng cấp. Vinh từng nói với người viết, rằng khi anh đã đạt được một cái gì đó, anh tất sẽ tự tin hơn trên con đường còn lại và đó là lý do tại sao Thái Lan lại luôn ưỡn ngực trong mỗi trận đấu với Việt Nam trong suốt nhiều năm ròng.

Xem ra, nếu nói về danh hiệu chuyên môn thì chức vô địch AFF Cup rõ ràng có ý nghĩa hơn rất nhiều cho Công Vinh khi so với cú hattrick Quả bóng Vàng Việt Nam từ 2005-2007. Bởi chúng ta chưa từng thấy Công Vinh lập tức trở nên khác biệt sau mỗi lần có danh hiệu cá nhân này hoặc chỉ thay đổi rất từ từ.

Hiệu ứng 7 tỉ

7 tỉ đồng cùng mức lương cao nhất (50 triệu/tháng) dành cho cầu thủ nội mà Vinh được hưởng ở T&T HN là áp lực, là thứ thôi thúc Vinh phải lao động, phải chạy nhanh, khỏe hơn nữa, thậm chí tiếp tục chạy ngay cả khi anh đã thở dốc.
 
 Công Vinh ăn mừng bàn thắng với phong cách của Totti
Hay nói cho dễ hiểu là Vinh phải chứng tỏ anh xứng đáng với những gì người ta đã trả cho anh. Cái giá 7 tỉ đồng thực ra còn là kết quả của cuộc cạnh tranh giữa nhiều đội bóng muốn có Vinh để rồi cuối cùng nó đã được đẩy lên trước khi thị trường chuyển nhượng khép lại. Và nếu như coi 5 tỉ đồng là giá trị thực, thì 2 tỉ còn lại chính là thứ đã tạo nên sự khác biệt trong ý thức chơi bóng, tạo nên một Công Vinh phiên bản mới.

Hiệu ứng thoát ly

Nhưng, hãy gạt qua chuyện tiền bạc, vì ở đời này có phải lúc nào người ta cũng nói với nhau bằng tiền đâu, thấy có một điều rất đáng bàn, rằng nếu như Vinh vẫn còn ở Sông Lam, liệu những thành quả thu được ở AFF Cup mới rồi có được đem ra để phát huy tại V-League hay không?

Ngày Vinh còn ở Sông Lam và ngày Sông Lam còn trong cao trào đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực (có cầu thủ đã từng cảm khái rằng, “các bác, các chú đánh nhau xong chưa để chúng cháu còn đá bóng”), Vinh chưa từng chơi bóng như những gì anh đang thể hiện, dù cho không thể phủ nhận một điều là Vinh vẫn là cầu thủ có đóng góp lớn nhất cho đội bóng xứ Nghệ.

Cũng không bất ngờ, vì bóng đá không chỉ là chuyện anh ra sân, thấy bóng hay cần có bóng là di chuyển rồi chuyền và sút. Nó còn có sự tác động từ rất nhiều yếu tố và từ nhiều phía. Tham vọng và động lực của CLB là thứ chúng ta hay nói tới. Thói quen, nếp nghĩ và cách làm của những người quản lý cũng là thứ rất quan trọng.

Trước đây, xã hội vẫn hay nói tới khái niệm thoát ly để chỉ những người tách khỏi gia đình, rời khỏi quê hương, lên đường tới những mảnh đất mới một cách tự lập. Bây giờ khái niệm thoát ly không còn được sử dụng nhiều, nhưng việc người từ các tỉnh khác lên Thủ đô hay vào Nam vẫn là một xu thế đại chúng, vì nó là một phương cách để người ta khẳng định khả năng và tìm kiếm những cơ hội mà ở quê hương không thể cung cấp. Một người thoát ly thành công chắc chắn sẽ có thêm nhiều người thoát ly nữa.

Nếu Vinh tiếp tục chơi như cách anh thể hiện kể từ ngày ra Thủ đô, cũng không loại trừ khả năng sẽ có những cầu thủ Sông Lam khác sẽ tiếp bước. Và nếu cả những cầu thủ như Quốc Vượng hay Minh Đức cũng làm được điều tương tự như Công Vinh, có thể hiệu ứng sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.

Hiệu ứng này có thể sẽ khiến bóng đá Sông Lam thêm khốn khó vì chảy máu tài năng, nhưng nếu họ dám chấp nhận thực tại đó để thay đổi, thì xu thế này cuối cùng lại là điều có lợi cho cả một địa phương từ lâu đã coi bóng đá như một thứ tôn giáo và có không ít người coi nó là cách để thoát nghèo.
 

Phong cách ngôi sao

Vinh là người học những cái mới rất nhanh và biết thích ứng với cuộc sống mới. Trả lời kênh truyền hình VCTV3 sau trận đấu với Thể Công, Vinh nói với chất giọng Hà Nội rất ngọt.

Gần đây, tất cả cũng thấy Vinh đã thay đổi cả phong cách chơi bóng trên sân. Vinh đứng trước quả phạt với dạng điệu của Cristiano Ronaldo, 2 chân 2 dạng ra như lấy tấn, nín thở, ngắm góc sút. Vinh vỗ tay khá giống với điệu bộ của Thiery Henry sau mỗi lần đồng đội chuyền bóng cho anh, dù chính xác hay chuyền sai. Vinh ăn mừng bàn thắng không còn như Vicenzo Montella với 2 cánh tay dang rộng như một tiểu phi cơ nữa, Vinh “mút” ngón cái và thường tiến đến cột cờ góc nơi có nhiều camera trực chờ, rất giống với Francesco Totti. Ở AFF Cup, Vinh còn đeo một chiếc băng ở cổ tay trái (một vật giống như cái chặn mồ hôi của VĐV tennis), như phong cách của các cầu thủ mặc trang phục Nike trên thế giới.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm