Thể Công: Cần một cuộc cách mạng

14/02/2009 12:22 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Bây giờ chưa phải là lúc để nói về việc Thể Công có vô địch hay không, cũng như không còn là thời điểm để ta thán về chính sách chuyển nhượng định mua rất nhiều và đã mua tương đối nhưng không sử dụng được bao nhiêu ở đội bóng này. Nhưng đúng là Thể Công cần phải có những thay đổi, ít ra thì đó cũng là ý muốn của HLV Vương Tiến Dũng.

Tạo dáng mới

Trận đấu với T&T HN, hàng thủ của Thể Công gần như bất lực trước việc phong tỏa Công Vinh. Người ta gọi đấy là cuộc chơi của “3 vs 1”. Thể Công có hậu vệ là tuyển thủ hoặc trình độ tương đương với các tuyển thủ, là Phước Tứ, Xuân Hợp và Anh Tuấn. Nhưng Thể Công vẫn thủng lưới, khi Công Vinh kiến tạo cho một cầu thủ lạ hoắc Vy Đức Anh ghi bàn san bằng tỉ số cho T&T HN.

Nguyên nhân không phải vì năng lực cá nhân của họ. Mà vì chưa kịp thích ứng với cách sắp xếp mới đòi hỏi sự linh hoạt rất cao. Hôm ấy, bảo Thể Công đá hàng thủ bốn người cũng đúng và nói họ đá ba trung vệ cũng chẳng sai. Xuân Hợp đá lệch sang cánh trái, khi đối phương tấn công ở cánh đó, anh là một hậu cánh thực thụ, còn bình thường, anh chơi như một trung vệ.
 
HLV Vương Tiến Dũng hiểu công cuộc “cải cách” Thể Công
không phải chỉ một sớm một chiều

HLV Vương Tiến Dũng có cơ sở để tính như thế, vì Hợp thuận chân trái, anh không cần lên cao tấn công vì đó là nhiệm vụ được khoán trắng cho tiền vệ Ngọc Duy. Sức công phá của Duy cộng với khả năng phòng ngự (trên lý thuyết) của Hợp như vậy là sẽ ổn, cân bằng. Có điều, từ lý thuyết tới thực tế lại khá xa nhau. Hợp chơi phòng ngự cá nhân không thật ổn vì chưa từng quen đá gần đường biên dọc, lại quá quen với việc bóng cứ đến chân là “phang” thật lực lên phía trên.

Trong khi ấy, cánh phải của Thể Công, Quốc Long đá khá cao so với thường lệ, đẩy Bảo Khanh lên rất gần với các tiền đạo. Thể Công đá vừa như với hai mũi công, vừa thấp thoáng thêm mũi công thứ ba.

Cách bố trí này có một nhược điểm nhỏ: Quốc Long phải hoạt động với cung đường khá dài, khoảng 60m, tính từ vị trí đứng phòng ngự ở sân nhà cho tới vị trí lên tấn công ở phần sân đối phương; hậu quả là Long quá tải, bị đau sau một tình huống cố gắng ở nửa cuối hiệp hai, phải rời sân. Bù lại, nó có thể là một đội hình siêu tấn công.

Tẩy não

Nhưng Thể Công chỉ gần đạt tới ngưỡng siêu tấn công trong khoảng 20 phút đầu của hiệp một, rồi sau đấy, mọi thứ đã diễn ra không còn như ý của HLV Vương Tiến Dũng: chùng xuống và không còn đảm bảo triết lý lấy tấn công làm phòng ngự.

Thay đổi một thói quen rất khó. Huống chi thói quen “Thể Công chỉ thắng 1-0” đã là một thực tế trong suốt chặng đường dài. Đội bóng Quân đội mùa 2008 cũng có những trận thắng với các tỉ số khác nhau, nhưng về cơ bản, cách chơi của họ dưới thời HLV Galhidi cho người ta thấy, họ thường chỉ làm mọi cách để thắng 1-0, ghi bàn xong rồi co về phòng ngự, hoặc đá phòng ngự rồi trông chờ bàn thắng phản công. Thể Công có thời điểm thành công với triết lý này, nên có vẻ hợp lý, nhưng cũng có nhiều thời điểm, họ hoàn toàn nhờ may mắn.

Nhưng không thể không thay đổi. Sẽ là bất khả thi nếu như đòi hỏi các cầu thủ Thể Công phải thực hiện nó bằng phương cách tích cực tranh chấp ngay từ tuyến đầu, đá pressing theo khu vực. Vì phần lớn các cầu thủ Thể Công không phải là những người giỏi tranh chấp, kể cả các cầu thủ ngoại họ mới tậu như tiền vệ Raphael Oliveira, Robert Nita hay tiền đạo Nyom Nyom và Diego, bên cạnh một Francois Endene vốn cũng chơi theo phong cách của các cầu thủ nội. Thể Công chỉ có thể thay đổi thông qua chất kỹ thuật, đạt lấy sự chủ động và ngăn chặn đối phương chơi theo cách của họ nhờ nâng cao khả năng kiểm soát bóng với những đường phối hợp nhóm.

Có thể đội bóng Quân đội sẽ phải cần thêm một thời gian nữa, mới thực sự chơi theo cách mà HLV Vương Tiến Dũng muốn và đạt được kết quả như ông cần. Nhưng nên nhớ, cuộc đua vô địch sẽ không ngừng lại để chờ đợi Thể Công quá lâu đâu.
 
Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm