ĐTVN: Vực thẳm ở giữa sân

17/03/2012 10:01 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Cuối tuần) - Trong bóng đá, vai trò của tiền vệ trung tâm được ví như lá phổi, giữ sức sống của cả một tập thể. Nếu lá phổi hoạt động tốt, cung cấp oxy đầy đủ cho các bộ phận, ắt cơ thể ấy sẽ khỏe mạnh. Không chỉ thiếu tiền đạo giỏi và thủ môn cừ (xem bài Kiếm cùn, khiên mỏng trên TT&VH Cuối tuần số 09 ra ngày 2/3/2012), bóng đá Việt Nam còn khủng hoảng cả “lá phổi”.

Có một thời như thế

Không vị trí nào trên sân gây ra sự ngột ngạt, bức bối như ở khu vực trung tuyến. Mảnh đất quanh vòng tròn trung tâm là nơi mà tất cả các đội bóng đều giành giật, muốn nắm quyền kiểm soát. Bóng đá hiện đại, tần suất tranh cướp bóng càng dữ dội, vai trò của “lá phổi”, hay nhạc trưởng, càng trở nên quan trọng. Khu trung tuyến bị bẻ gãy, người “nhạc trưởng” bị vô hiệu hóa, coi như đội bóng đó đánh mất linh hồn, thất bại là khó tránh khỏi.

Bóng đá Việt Nam trong vài năm qua đang thiếu thốn trầm trọng những nhạc trưởng đặc biệt, nhất là sau khi Minh Phương và Tài Em đã bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Chợt tiếc nuối khi một thời chưa quá xa, bóng đá Việt Nam từng có rất nhiều tiền vệ trung tâm sáng giá, như Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Thanh Tuấn, Liêm Thanh, Minh Hiếu, Hữu Đang...

Trong số ấy, Hồng Sơn thành danh, nổi tiếng hơn cả. Sơn “Công chúa” được trời phú nền tảng kỹ thuật tốt và sự lãng tử, hào hoa khi thi đấu. Đó là kỷ nguyên vàng bóng đá Việt Nam sản sinh không chỉ nhiều tiền vệ giỏi, mà đội hình đồng đều, có bản sắc nhất. Tiếc rằng, “thế hệ vàng” lại không một lần nâng cao chức vô địch trong sự nghiệp thi đấu.



Việc đưa Trọng Hoàng vào đá ở khu vực giữa sân chỉ là giải pháp tạm thời của các đội tuyển. Ảnh: VSI

Dù có lúc thăng trầm nhưng nhờ sở hữu nhiều “lá phổi” chất lượng, bóng đá Việt Nam thập niên 1990 vẫn luôn có mặt trong Top 3 của khu vực Đông Nam Á. Lúc đó, chúng ta chỉ xếp sau Thái Lan vốn sản sinh quá nhiều tiền vệ hàng đầu như Tawan Sripan, Surachai Jirasirichote, Chaiman, sau này là Datsakorn Thonglao, Sakda Joemdee.

Cái giá của sự ỷ lại vào “lá phổi” ngoại

Ai cũng rõ việc đào tạo một tiền vệ nội có tố chất thủ lĩnh, không phải chuyện một sớm một chiều. Khi bóng đá liên kết với doanh nghiệp, các ông bầu đòi hỏi thành tích ngay lập tức, họ xây dựng bộ khung ngoại theo trục dọc: Thủ môn - trung vệ - tiền vệ trung tâm - tiền đạo. Đa số đều sẵn sàng vung tiền mua “lá phổi” ngoại, để mong thu lại kết quả nhất thời, thay vì kiên nhẫn với hàng nội. Anienkan đã kinh qua nhiều đội bóng, đi đến đâu đều là “ông trùm”. Bầu Thụy không tiếc tiền để kéo bằng được Nguyễn Rogerio về Thống Nhất.

Vai trò của các “lá phổ” ngoại quá lớn, phủ bóng lên các đồng nghiệp nội. Bệnh thành tích, sính ngoại đang khiến những mẫu tiền vệ tài hoa nội biến mất dần theo nhiều cách. Họ không thể cạnh tranh với đồng nghiệp ngoại. Cỡ Phan Thanh Hưng cũng chẳng là gì, khi Nguyễn Rogerio còn ở Chi Lăng. Nguyên Sa vốn là tiền vệ bừng sáng ở sân chơi U21, vậy nhưng khi lên U23 hay đá tại đội 1 SHB Đà Nẵng, anh không có cơ hội phát triển.

Kết quả là lúc này, 14 đội bóng chuyên nghiệp tham dự V-League 2012, quá ít tiền vệ nội giữ đúng vai trò lá phổi ở đội bóng mình. Tấn Tài, Sỹ Cường chỉ là thiểu số. Minh Châu vẫn chưa thể đảm trách vai trò giữ huyết mạch trong lối chơi của Vicem Hải Phòng.

“Lá phổi” nội về đâu

Khi các CLB ở V-League đang sống dựa vào “lá phổi” ngoại, đội tuyển quốc gia lẫn đội tuyển U23 quốc gia cũng phải chịu hệ lụy là khó tránh khỏi. Nhạc trưởng Minh Phương giã từ sự nghiệp quốc tế, mọi gánh nặng đổ đồn lên vai Phan Văn Tài Em và các đàn em. Việc đội tuyển Việt Nam vẫn phải sử dụng Tài Em ở thời điểm vừa qua chỉ chứng tỏ lớp kế cận vẫn chưa đủ tầm để thay thế hoàn toàn đàn anh.

Phan Thanh Hưng từng nổi lên tại SEA Games 25 ở Lào nhờ khả năng công thủ toàn diện, nhãn quan sắc sảo và sự lém lỉnh. Tuy nhiên, để đạt tầm thủ lĩnh ở khu trung tuyến, “Cu vịt” vẫn còn mất nhiều thời gian mới “chín” và có được sự thừa nhận. Nhìn chung, đội tuyển quốc gia vẫn đang phải sử dụng những “lá phổi” cũ kỹ.

Còn số tiền vệ trung tâm U23 như Văn Bình, Thái Dương, Hoàng Thịnh, Văn Hiếu... lại quá thiên lối chơi cơ bắp, thiếu đi sự tư duy, khôn khéo, để trở nên hoàn thiện. Nghĩ thế, lại tiếc cho Phạm Nguyên Sa, từng thần đồng giải U21 quốc gia với lối chơi đầy tài hoa, sau đó lại không có bước đột phá cụ thể trong 3 năm qua.

Thiếu thốn những tài năng thay thế, dẫn đến SEA Games 26 vừa qua, đội tuyển U23 Việt Nam không có một thủ lĩnh thực sự ở khu trung tuyến. Việc từng đưa Thành Lương, Trọng Hoàng vào giữa sân cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Cuối cùng Hoàng, Lương vốn xuất thân từ đá cánh, đã không phát huy hết tiềm năng khi bố trí vai trò nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm như thế.

Ở tầm đội tuyển quốc gia, Tấn Tài, Vũ Phong, Việt Cường, Minh Châu từng được huấn luyện viên Henrique Calisto, Falko Goetz bố trí đá cùng Tài Em vào vòng tròn trung tâm. Song các phương án trên chỉ là biện pháp mang tính tình thế, chứ chưa phải giải pháp lâu dài, mang lại sự an tâm.

Cảnh giật gấu, vá vai đội hình ở khu vực giữa sân thời “hậu” Minh Phương diễn ra nhiều tháng qua, mới thấy chúng ta đang khủng hoảng trầm trọng “nhạc trưởng” cho cả hai đội tuyển quốc gia. Việc sử dụng các “nhạc trưởng” thiên vệ cơ bắp đã khiến cho lối chơi của các đội tuyển thiếu đi sắc thái cảm xúc. Bóng đá là trò chơi, phải đáp ứng được tính thẩm mĩ mới quyến rũ được khán giả. Các tiền vệ thế hệ 8X, chỉ mới Minh Phương là toàn diện và còn đủ sức đưa khán giả thăng hoa với nhiều pha bóng xuất thần. Người ta chờ đợi một Quốc Vượng, Như Thuật, Hữu Thắng, đến giờ phút này chỉ đổi lại thất vọng.

Đấy là điều tất yếu, khi các “lá phổi” nội vốn phải hít thở trong môi trường thiếu lành mạnh, nhất là họ phải làm cái bóng cho đồng nghiệp ngoại và thiếu ý chí vươn lên. Rõ ràng, hiện tại và cả trong thời gian tới, một hố sâu đang và sẽ tồn tại ở khu vực giữa sân của các đội tuyển khi các “nhạc trưởng” đều thiên về cơ bắp.

  Mộc Miên

Trong những năm 1990, bóng đá Việt Nam từng có rất nhiều tiền vệ trung tâm sáng giá, như Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Thanh Tuấn, Liêm Thanh, Minh Hiếu, Hữu Đang...


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm