Thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh: “Tôi là người khao khát chiếm cứ đỉnh cao”

20/07/2011 14:02 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Chỉ sau 10 trận vỏn vẹn bắt bóng ở V-League, Tuấn Mạnh được trao cơ hội bắt chính tại ĐT Olympic Việt Nam và một tháng sau là một trong 3 thủ môn của ĐT Việt Nam. Tương lai xán lạn đang mở ra với Tuấn Mạnh nếu thủ môn này biết nắm lấy thời cơ.

* Nghe nói gia đình Mạnh là dân bóng chuyền chuyên nghiệp. Sao Mạnh không theo nghiệp bố, mà lại trở thành thủ môn của HA.GL?

- Gia đình tôi ngoài tận Thanh Hóa nhưng vào Gia Lai từ năm 1999. Ba tôi là VĐV Nguyễn Trọng Chữ vốn là cây chuyền hai có tiếng ở xứ Thanh và được lãnh đạo Sở TDTT Gia Lai (cũ) mời về xây dựng bóng chuyền tỉnh nhà.

Ông vào trước rồi mẹ và 4 anh trai tôi vào đây lập nghiệp sau đó một năm. Ngày mới vào, cuộc sống còn tạm bợ và khó khăn lắm. Mọi người đều nói tôi có tư chất thể thao từ bé, tôi được bố cho đi theo tập luyện bóng chuyền y như một VĐV chuyên nghiệp.

Mới 15 tuổi, tôi sở hữu chiều cao 1m75 và được dân trong nghề để ý. Lãnh đạo QK5 muốn đưa tôi về Đà Nẵng tập luyện bóng chuyền đàng hoàng. Bố tôi chấp thuận, nhưng hồi đó còn nhỏ nên tôi chưa muốn rời gia đình. Chơi bóng chuyền được gần 3 năm, các thầy bên đội U15 Gia Lai để ý nêu gọi về tập. Thế là tôi trở thành người đi theo ăn tập cùng đội U15 bên Sở TDTT của tỉnh. Nhưng chỉ là tập ké thôi chứ chế độ ăn uống, lương thưởng đều chẳng có.


Được đăng ký thi đấu ở V-League từ năm 2009, nhưng đến mùa giải năm nay Tuấn Mạnh mới được bắt chính thường xuyên. Ảnh: T.H

* Nghe kể thế tức là gia đình ủng hộ Mạnh trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp?

- Không dễ vậy đâu anh. 3 anh trai của tôi cũng đều có năng khiếu thể thao cả. Như anh Nguyễn Trọng Hoàng có tư chất để trở thành cầu thủ giỏi. Vậy mà bố cấm tiệt chuyện đá bóng và bắt anh ấy theo con đường ăn học. Tôi may mắn hơn các anh trai vì đam mê với bóng đá quá và con út nên bố phải chiều. Tôi lận đận, đầu tiên là đội trẻ Gia Lai tan rã, tôi cũng liên tục phải thi đấu cho trẻ An Giang, Thành Long, TP.HCM rồi mới giành được vị trí thủ môn số một tại đội trẻ HA.GL. Bây giờ nghĩ lại tôi thầm cảm ơn 3 năm đi theo dạng biệt phái đầy vất vả đó.

* Từng chơi bóng chuyền và có những phẩm chất của một VĐV bóng chuyền, vậy mà lại bén duyên nghiệp thủ môn…

- Cũng do hoàn cảnh thôi. Tôi đá hậu vệ phải và thi đấu khá tốt nhưng trong một giải đấu, U15 Gia Lai thiếu thủ môn nên thầy Hoàng bảo tôi về thử gác khung thành xem. Nhờ sải tay dài và những ngày tháng ăn tập bóng chuyền, tôi bắt tốt và được tin nhiệm làm thủ thành luôn từ đó, lúc tôi 16 tuổi. Giờ phút này, tôi thầm cả ơn thầy Hoàng và cái lần bắt gôn định mệnh đó.

* Tính tới thời điểm này, Tuấn Mạnh đã có bao nhiêu kinh nghiệm trận mạc tại V-League? Những kỷ niệm vui - buồn nào mà Mạnh cảm thấy nhớ nhất cho tới lúc này?

- Tôi được đôn lên đội một từ V-League 2009 nhưng chỉ có cơ hội ra sân một trận duy nhất. Đấy là trận HA.GL thua đậm (1-4) trước SHB.ĐN tại Chi Lăng. Lúc ấy, đội nhà thua trước 3 trái, anh Công Vương chấn thương rời sân. Tôi đứng chưa ấm chỗ ở giữa 2 cột gôn thì nhận thêm bàn thua thứ 4. Chiều ấy buồn nhưng tôi vẫn được an ủi vì cuối cùng mình đã được trải nghiệm V-League. Mùa 2010, tôi bắt thêm được 2 trận. Nhưng tới V-League 2011, cơ hội tới tay khi 2 đàn anh Công Vương, Thanh Tú đều bị đau. Tôi ra sân rồi lên tay dần qua từng trận đấu và nhận được sự tin tưởng của các thầy kể từ thời điểm đó.

Kỷ niệm vui nhất chính là được bắt chính trận gặp Olympic Saudi Arabia trên sân họ lượt đi. Dù thua 0-2, tôi vẫn có vô số pha cản phá khi đối mặt với các chân sút đội khách. Đó có thể coi là màn thể hiện tốt nhất của tôi trong lần đầu tiên đá ở một giải đấu quốc tế lớn. Các bạn trong đội cũng khen tôi. Tất nhiên, việc để thua bàn ngớ ngẩn ở phút cuối trận gặp SLNA khiến tôi khó tiêu hóa. Lúc đó, tôi va chạm cầu thủ SLNA nên bị chấn thương nặng vùng mũi. Máu chảy liên tục khiến tôi sốc và choáng nặng. Nhưng các thầy bảo cố gắng bắt bóng vì đội hết quyền thay người. Một bàn thua khiến tôi day dứt và xin lỗi từng đồng đội lúc tan trận.

* Trận lượt về với Saudi Arabia, anh cũng chưa bắt tốt pha đánh đầu Saud Hamoud lẫn cú sút phạt đền của Ibrahim Jashan?

- Tôi không phủ nhận điều đó. Một phần vì tôi còn thiếu kinh nghiệm và choáng ngợp khi sân Mỹ Đình chật ních khán giả. Thú thực, lần đầu tiên lên tuyển, chơi bóng trong bốn bề áp lực như thế tôi chơi thế là cố gắng lắm rồi. Tôi biết, nếu không cố gắng thì sẽ khó đáp ứng, vì khi vào đá SEA Games còn căng thẳng hơn nhiều.

Ở bàn thua đầu, tôi vội di chuyển sớm nên bị lỡ đà sau cú đánh đầu lái bóng ngược góc xa của chân sút đội bạn. Còn ở tình huống phạt đền, tôi thú thực là không thể lường trước quỹ đạo và tốc độ của quả bóng Nike. Cách đó vài ngày, toàn đội Olympic mới tập với quả bóng mới của BTC. Dù các cầu thủ sút nhẹ nhưng bóng thường đi xiết và rất nhanh. Dù đổ người từ sớm, nhưng tôi không thể biết được là bóng lại đi nhanh hơn sự dự đoán. Đó là những kinh nghiệm để đời mà tôi phải chỉnh sửa để có được phán đoán tốt hơn trong những trận đấu sắp tới.

* Thủ môn tất nhiên khó tránh khỏi sai sót, nhưng ở ĐTQG thì khó được chấp nhận những sai lầm nghiêm trọng. Bóng đá Việt Nam từng có nhiều thủ thành tài năng như nhưng sớm lụi tàn sự nghiệp tại ĐTQG, sau những sai lầm cá nhân?

- Bản thân tôi có những kỷ niệm rất buồn như việc đội trẻ HA.GL không gặp may trong những trận đấu tại giải U19 rồi U21 QG gần đây. Tôi cũng có những trận đấu bắt dưới sức và làm ảnh hưởng kết quả đội nhà. Tôi còn trẻ và chưa thể làm chủ hoàn toàn khả năng của mình.


Chỉ trong vòng một tháng, niềm vui đã dồn dập đến với Tuấn Mạnh, khi là thủ môn số một của ĐT Olympic rồi được gọi vào ĐT Việt Nam

* Mạnh có thể ngắn gọn điểm mạnh và hạn chế của mình?

- Điểm mạnh là tôi có khả năng bật nhảy và đoán được điểm rơi bóng bổng một cách chính xác. Đó là nhờ những kỷ năng chuyền hai trong bóng chuyền nên tôi thường hứng bóng chính xác và không bị trôi bóng khỏi tay. Ngoài ra, kỹ năng đón chặn và ngăn cản đối thủ ghi bàn ở thế đối mặt cũng được tôi hoàn thiện dần.

Về hạn chế, thú thực tôi còn ít kinh nghiệm ở sân chơi V-League, nên còn hơi run và chưa quen với áp lực. Ngay khả năng phản xạ và sức rướn cũng chưa thật ổn, mà nếu tôi chú ý và có được khả năng phá đoán tốt hơn, tôi có thể dễ dàng di chuyển và bắt bóng. Đó là nhược điểm mà các thầy ở ĐT đang chỉnh sửa giúp tôi hoàn thiện. Tôi tin một thời gian nữa, tôi sẽ hoàn thiện mọi kỹ năng để tự tin đứng trong cầu môn đội nhà.

* Là một cầu thủ gốc Thanh, Tuấn Mạnh nhìn nhận thế nào về đội bóng Thanh Hóa hiện tại? Liệu Mạnh có muốn trở về khoác áo đội bóng quê nhà vào thời gian tới?

- Bóng đá xứ Thanh không thiếu tài năng, nhưng vì hoàn cảnh, các VĐV đều tứ tán cả. Nhưng 2 năm nay, bóng đá Thanh Hóa đang có sư đầu tư tốt về lương, thưởng. Tôi tin đội bóng quê nhà sẽ trụ hạng và có bước đi vững chắc để trở thành một CLB chuyên nghiệp thật sự. Riêng tôi bây giờ là người Gia Lai và cống hiến hết mình cho đội nhà. Tôi còn 4 trận đấu còn lại tại V-League để khẳng định mình và có vị trí tham dự SEA Games 26 sắp tới.

Vào cuối mùa giải này, tôi sẽ kết thúc hợp đồng với HA.GL. Tôi phải khẳng định đươc tài năng và chỗ đứng trước khi nghĩ tới chuyện đi hay ở. Còn cá nhân tôi, khẳng định tôi sẽ cống hiến hết mình cho CLB và chờ đợi thử thách tiếp tục đến với mình. Tôi là người khao khát chiếm cứ những đỉnh cao mà mình chưa có được.

* Vậy ngoài bóng đá Tuấn Mạnh còn thích làm gì? Hiện tại Mạnh còn ước mơ gì hay không?

- Nếu có thời gian rảnh ngoài bóng đá, tôi muốn mở một tiệm kinh doanh để thể hiện khả năng đầu tư của mình. Ngay cả chuyện tình cảm, tôi cũng đã chia tay bạn gái (vốn là VĐV bóng chuyền nữ chuyên nghiệp- PV) từ 2 năm trước. Hiện tại, tôi chỉ tập trung hết mình vào nghiệp bắt bóng hơn là quan tâm tới những thứ khác. Tôi luôn nhìn vào thần tượng Buffon để cố gắng rèn luyện và vượt qua sự yếu kém của chính mình. Tôi hy vọng sẽ có được kỹ năng làm chủ vòng cấm, vận động ít tốn sức nhưng vẫn bảo vệ mành lưới đội nhà tốt nhất. Đó là mong ước lớn nhất của tôi lúc này.

* Cảm ơn Tuấn Mạnh và chúc anh thành công ở chặng đường phía trước.

MỘC MIÊN (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm