Người Đức và triết lý bóng đá tấn công

07/06/2011 13:18 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Falko Goetz là HLV người Đức thứ 4 gắn bó với bóng đá Việt Nam. Nếu Karl Heinz Weigang từng được biết đến từ những năm 1960 khi dẫn dắt ĐT miền Nam đoạt Cúp Merdeka 1966 rồi sau này đoạt HCB SEA Games 18 năm 1995, thì Klaus Effbighausen và Rainer Willfeld lại là 2 HLV được Ủy ban Olympic Đức hỗ trợ cho bóng đá Việt Nam toàn phần.

Thời ông Weigang dẫn dắt các tuyển thủ miền Nam là khi Đông Nam Á rất nể bóng đá Việt Nam vì lối chơi tấn công hào hoa mà ông Weigang kết hợp một thế hệ cầu thủ rất nghệ sĩ. Thời mà Thủ tướng Malaysia phải đích thân mời cho bằng được Đỗ Thới Vinh thi đấu trận giao hữu, chỉ vì dân Malaysia mê Vinh “sói” rất nhỏ con nhưng có những cú đi bóng thật lắt léo. Thời đấy người Malaysia ngồi trên khán đài hay hô vang từ “Bô-tóc, bô-tóc” (tiếng Malaysia là đầu sói, đầu sói) vì ái mộ Vinh. Thậm chí có lần Vinh bị “máy chém” Malaysia chơi xấu nằm lăn lộn, nhưng khán giả Malaysia lại đứng dậy lên án cầu thủ nhà và đòi đuổi cầu thủ ấy khỏi sân vì đá đau Vinh “sói”.

Thế nhưng, trong lần trở lại Việt Nam năm 1995-1997 thì ông Weigang lại hướng các học trò chơi thứ bóng đá thể lực, giàu sức mạnh. Ông nói các cầu thủ Việt Nam thiếu cọ xát và bài huấn luyện đơn giản nhất của ông là xua quân đi đá tập huấn ở châu Âu thật nhiều để tăng tính cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.

Giữa thời Weigang là HLV Klaus Effbighausen được cử sang trợ giúp, nhưng ông chuyên gia này lại bị “nhốt” ở Long An để huấn luyện những lứa cầu thủ trẻ của đồng bằng sông Cửu Long. Lứa cầu thủ của Klaus Effbighausen khi ấy nay chỉ còn mỗi Trịnh Duy Quang đã thuộc hàng lão tướng và dấu ấn ông thầy đấy rất mờ nhạt với bóng đá Việt Nam.

HLV Goetz chụp ảnh cùng các cộng sự người Việt Nam

Được nhiều HLV thích nhất là chuyên gia Rainer Willfeld. Ông là một HLV rất giàu kiến thức và là nơi mà các HLV Việt Nam hay tìm đến để học hỏi lẫn chia sẻ xem ông như một người thầy tận tụy. Tuy nhiên, vốn quý từ Rainer Willfeld mà bóng đá Việt Nam không phải trả lương lại rất ít khi được những nhà làm bóng đá Việt Nam tận dụng chất xám một cách triệt để. Đấy là lý do có những lúc ông thầy này cần mẫn làm cái việc của một quan sát viên giúp ông Calisto (Tiger Cup 2002) quay phim, nghiên cứu đối thủ hay xách nước tưới cái sân khô cằn cho mềm để cầu thủ tập khỏi chấn thương.

Sau này khi ông Rainer Willfeld được Ủy ban Olympic Đức rút về thì nhiều người mới tiếc, vì lâu nay có một tài sản quý, có một nhà sư phạm rất giỏi thế mà lại bỏ phí.

Chiều qua thì bóng đá Việt Nam chính thức có một người bạn Đức thứ 4 là Falko Goetz.

Falko Goetz đến từ Đức, nhưng lại rất mềm mỏng trong trao đổi và tiếp xúc với báo giới. Ông hoàn toàn khác hẳn với hình ảnh một Falko Goetz từng thắng kiện các CLB và từng bụp thẳng cầu thủ. Và điều mà HLV này làm nhiều người bất ngờ nhất là ông tuyên bố triết lý của mình là thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, dựa trên kỷ luật, thể lực và tinh thần đồng đội.

Điều ông bộc bạch ngay trong lễ ký hợp đồng chiều qua khiến nhiều người ngạc nhiên về bóng đá Đức mà lâu nay người hâm mộ vốn quen với thứ bóng đá thực dụng, khô cứng nhưng rất chắc chắn như những rô-bốt đá bóng. Những điều Falko Goetz tuyên bố có vẻ rất phù hợp với thể trạng của con người Việt Nam và đặc biệt là nó rất gần với người tiền nhiệm Henrique Calisto.

Nghe ông tuyên bố, những người đa nghi lại đặt ra vấn đề rằng hình như ông thầy này đã được “mớm” để đề cập đúng vào những vấn đề mà giới chuyên môn đang lo ngại. Nó giống như sự giải tỏa cần thiết đúng vào thời điểm của ngày lộc - lộc (6/6).

Nếu đúng như thế thì thật may mắn cho bóng đá Việt Nam và cho những người yêu bóng đá tấn công.

Triết lý bóng đá tấn công của một người Đức đã tạo ra sự phấn khởi đi ngược với nỗi lo về trường phái bóng đá Đức nặng nề và khô cằn.

7 đời HLV trước khúc dạo đầu nào cũng xuôi và chỉ có khúc đuôi là trục trặc. Hy vọng lần này thì đầu cũng xuôi mà đuôi cũng lọt sau khi được nghe rất nhiều từ buổi ký kết hợp đồng.

NGUYỄN NGUYÊN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm