ĐTVN và một năm đầy chông gai: Ngã ngựa trong cuộc xa luân chiến

02/02/2011 07:29 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Sau khi ĐTVN đã thua 0 - 2 tại Bukit Jalil của Malaysia trong một thế trận bế tắc, người ta hiểu rằng, hành trình bảo vệ ngôi vương với thầy trò HLV Calisto xem như đã chấm dứt. ĐTVN bị biến thành cựu vương ở Mỹ Đình, nhưng ngay cả cụm từ “thuyền chìm tại bến” cũng chỉ đúng với nghĩa đen, bởi trên thực tế, thầy trò HLV Calisto đã cảm nhận được thất bại, trong chuyến bay từ Kuala Lumpur về Hà Nội trước đó rồi. Có thể thấy, 90 phút ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình, chỉ như “cú giãy chết cuối cùng của con thiên nga”.

1. Không kể trận đấu điên rồ với Myanmar ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2010 và cuộc chiến không cân sức gặp Lào ở giải đấu này 2 năm trước, ĐTVN dưới triều đại Henrique Calisto từ hơn 2 năm qua, chưa một lần thắng cách biệt nhiều hơn 1 bàn trước các đối thủ ngang cơ. Ở đây là nhóm “tứ đại gia”, bao gồm: Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia. Rất ít người tin rằng, thầy trò ông Calisto có thể ghi 3 bàn thắng vào lưới Mã, đồng thời không để lọt lưới thêm trong trận lượt về. Thực tế đã diễn ra rất đúng với tiên liệu.

Cần lưu ý, ĐTVN trong lần đánh chiếm thành công để lên ngôi số 1 khu vực 2 năm trước đó, cũng chỉ luôn trung thành với tư duy chiến thuật phòng ngự - phản công. Trước khi làm rung mành lưới đối thủ (bằng cách tận dụng triệt để sai lầm và sự xuất thần của các cá nhân), một trong những nhiệm vụ đầu tiên quan trọng nhất, phải là việc đảm bảo một hệ số đủ an toàn ở khâu chốt chặn. HLV Calisto đã luôn chủ động chọn xuất phát điểm thấp nhất, tức là chấp nhận phận “kèo dưới”. Đó có thể là lý do giải thích, tỷ lệ các bàn thắng của ĐTVN luôn khá nghèo nàn, mặc cho đội bóng của Calisto có là những người thắng trận.

Khi còn chưa nguôi ngoai những tổn thương ghê gớm, sau trận thua Malaysia 0 - 1 ở chung kết SEA Games 25, sân chơi dành cho lứa U23, chúng ta đã quá nôn nóng để trả nợ. Thế nên, không phải chờ đến khi đối thủ (ĐTVN) xuất chiêu, người Mã mới nắm được nhược điểm. Có thể khẳng định, trước cuộc tái đấu Calisto -Rajagobal, cũng như ĐTVN - Malaysia, lợi thế, thật oái oăm, đã lại nghiêng về phía Malaysia (chứ không đơn giản như tỷ số hòa 1 - 1 trong 2 lần đối đầu trước đó, như con số thống kê).

Chúng ta không thể hạ gục được Malaysia, dù có 90 phút kiểm soát trận đấu tại Mỹ Đình. Đã có ý kiến của người trong cuộc trước, rằng HLV Calisto như phải vía đồng nghiệp Rajagobal. Nó không phải cái nhìn mang hơi hướng tâm linh, mà là “gã đầu bạc” Rajagobal thực sự đã bắt được “giò” của phù thủy Calisto, trong những cuộc chiến phân tài cao thấp. Một hình ảnh hẳn vẫn còn ám ảnh với những người được tận mắt chứng kiến trận đấu ở Bukit Jalil, khi HLV Calisto khoanh tay với cái nhìn chua chát nhằm vào phía đồng nghiệp Rajagobal đang hoa chân múa tay, chỉ đạo các cầu thủ Malaysia. Đó là ánh mắt của sự bất lực.

2. Ở những trận bóng mang tính quyết định, vẫn được ví là cuộc chiến một mất một còn, sẽ không có cơ hội sửa chữa sai lầm. HLV Calisto đã sai với những toan tính về chiến thuật trong cuộc đối đầu với Malaysia ở Bukit Jalil, trận đấu mà tất cả đều tin rằng, nếu chúng ta đạt được một kết quả hòa, một nửa tấm vé dự chung kết có thể đã được “book” sẵn cho thầy trò HLV Calisto. Trong hoàn cảnh đội bóng thiếu trước hụt sau, lại toàn là những mắt xích quan trọng như Tài Em, Quang Thanh, Việt Cường, HLV Calisto lại chủ trương chơi tấn công trên đất Mã. Ông thầy người Bồ muốn lấy công bù thủ, vì không tin tưởng lắm vào khả năng phòng ngự của tuyến dưới, hay, ông đã ảo tưởng về sức mạnh của ĐTVN?


Sau thành công may mắn và bất ngờ của năm 2008, HLV Calisto đã không thể cùng ĐTVN lặp lại điều kỳ diệu ở năm 2010. Ảnh: Quốc Khánh.

Ông Calisto đã luôn ra sức bảo vệ học trò của mình, ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, nên không thể nói ông không tin; hơn 2 năm cầm ĐTVN, hẳn ông phải biết rõ điểm mạnh - yếu của đội bóng, cũng như từng cầu thủ và có thể khẳng định, ông không ảo tưởng. Thế thì vì cái gì mà Calisto lại tự đưa mình vào thế khó như vậy?

Chắc không ai quên, sau trận thua tức tưởi trước Philippines ở vòng bảng, HLV Calisto đã chê trách đối thủ như thế nào. Ông cho rằng, chỉ có một đội chơi bóng ở Mỹ Đình (ở đây là ĐTVN của ông), trong khi đối thủ cứ lăm lăm chiếc xe buýt 2 tầng trước khu vực cấm địa?! Có thể ông Calisto không có ý đánh giá thấp lối chơi phòng ngự đổ bê tông của Philippines, lối đá từng đưa ĐTVN của ông lên ngôi vô địch Đông Nam Á 2 năm trước, mà trong một phút cay cú ăn thua, dường như phù thủy người Bồ đã không còn giữ được cái đầu lạnh. Ông Calisto thậm chí còn từ chối cái bắt tay với đồng nghiệp Simon McMenemy, vì cho rằng, HLV trưởng Philippines đã không tôn trọng học trò của mình. Đó là hành động không đẹp của HLV trưởng ĐTVN.

Nhà vô địch ph ải chơi tấn công và thắng đẹp mắt. Với những người yêu bóng đá đẹp và thích hô hào, một trận thắng 4 - 3 không bao giờ giống với cách biệt 1 - 0 cả, dù bản chất vẫn chỉ là 3 điểm. Trên thực tế, chúng ta có quyền toan tính khi được đá trận bán kết lượt về trên sân nhà, với luật bàn thắng trên sân đối phương lần đầu tiên được đưa vào áp dụng ở AFF Suzuki Cup 2010. Nhưng, có lẽ HLV Calisto đã không nghĩ thế hoặc ông cho rằng, không cần thiết phải thế.

Nói lời phải giữ lấy lời, sẽ không bao giờ có chuyện ĐTVN đặt chiếc xe buýt 2 tầng hay cả toa tàu lửa trước cầu môn. HLV Calisto quyết định chơi canh bạc “được ăn cả, ngã về không”, trong chuyến làm khách trên đất Mã, hay ít nhất cũng là một trận thắng dằn mặt đối thủ “dưới cơ”. Thế nhưng, ĐTVN đã ngã, thậm chí là ngã đau, bởi những con tính sai lầm về chiến thuật bóng đá. Đối thủ Malaysia đã đọc vị được bài vở của HLV Calisto (như những phân tích ở trên), và chiến thắng, dù người Mã vẫn không phải là đội bóng chơi hay hơn (nếu xét về tính cống hiến), trong cả 2 trận bán kết.

3. Nếu còn có một lời giải thích nữa cho nguyên nhân thất bại của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2010, đó phải là những tổn thất về lực lượng và chúng ta đã không có “thần may mắn” phù hộ, như hành trình lên ngôi giải đấu này 2 năm trước đó.

Nói thế, hẳn bước ngoặt của hành trình bảo vệ ngai vàng, bắt đầu từ nút thắt Philippines?! Cũng có thể. Bởi sau trận thua rất khó tin ấy (trận đấu mà ĐTVN đã cứ nhao lên như những con thiêu thân và ở tuyến phòng ngự, chúng ta mắc phải những sai lầm cực kỳ ngớ ngẩn), thầy trò HLV Calisto bị dồn vào thế chân tường và buộc phải dồn toàn lực cho trận cầu sinh tử với Singapore. Một trận đấu căng cứng như thế, việc ĐTVN mất cả 3 trụ cột Tài Em, Quang Thanh và Việt Cường, để đổi lấy chiến thắng 1 - 0 vô cùng quan trọng, đã được xem là quá hời.

Tình huống này làm chúng ta liên tưởng đến cơ sự của U23 VN (dưới thời người tiền nhiệm Alfred Riedl), tại SEA Games 24 ở Nakhon Ratchasima. Sau khi đã thua Singapore và thắng Lào, U23 VN bất ngờ giành ngôi đầu bảng, để “chỉ phải gặp” Myanmar (thay vì chủ nhà và là ứng viên số 1 Thái Lan) ở bán kết. U23 VN bị Myanmar hạ đo ván, HLV Alfred Riedl mất ghế, bỏ dở cuộc chiến trên đất Thái để hồi hương, và đội bóng tiếp tục trượt dài khi thúc thủ với tỷ số 0 – 5 trước Singapore, trong trận đấu tranh HCĐ. Điều lệ AFF Suzuki Cup 2010 không có trận tranh HCĐ, chứ nếu gặp lại Philippines, chưa biết chừng chúng ta sẽ lại tiếp tục ngậm trái đắng!

Thiếu các phương án 2 khả thi, HLV Calisto khó thể đảm bảo các tiêu chí về chiến thuật. Những tổn thất lực lượng trong quá trình diễn ra giải (với ĐTVN và HLV Calisto) có khác gì với những mất mát có chuẩn bị ở thời điểm trước khi AFF Suzuki Cup 2010 khai cuộc (Malaysia của Rajagobal đã mất đến gần chục trụ cột, cũng vì lý do chấn thương)?! Có, thậm chí là khác rất nhiều. Nhưng khi HLV Calisto vẫn còn nhắc lại đến việc 7 trụ cột (bao gồm cả Văn Quyến, Công Vinh, đến… Việt Thắng) phải chia tay trước thềm AFF Suzuki Cup 2010 trong buổi họp báo sau trận đấu trên đất Mã, thì hẳn đó phải là sự bao biện rồi.

Khi liên tiếp các cú dứt điểm hoặc không đi trúng đích, hoặc bị thủ thành đối phương khước từ, vẻ như đội bóng của ông Calisto không may mắn; khi ĐTVN tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng, chúng ta dính đòn hồi mã thương. Nhưng cũng có lập luận cho rằng, khi ĐTVN đã giành chức vô địch năm 2008, bằng cách đảm bảo được lợi dẫn tối thiểu, đó đích thị là đẳng cấp?! Giải thích kiểu gì cũng có lý, nhưng chỉ thất bại cay đắng của ĐTVN (và của cả nền bóng đá) là điều rất khó nuốt trôi.

Vĩ thanh

Sẽ không có cảm giác bị tổn thương, bị đánh lừa, không cay đắng hay uất hận, với thất bại của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2010, nếu trước đó 2 năm, chúng ta chưa là nhà vô địch Đông Nam Á. Nó cũng tựa như nỗi uất ức mà nền bóng đá chúng ta đã phải trải qua, sau trận chung kết SEA Games 25 trên đất Lào. Khi sự kỳ vọng được đẩy lên quá cao, bằng những cơ sở dù vẫn còn khá mông lung, thất vọng cũng sẽ nhiều hơn. “Thất bại là mẹ thành công”, nhưng với điệp khúc thất bại (từ SEA Games 2009, đến vòng loại Asian Cup 2011, Asian Games 2010 và gần đây nhất là AFF Suzuki Cup 2010), cảm giác như BĐVN với Henrique Calisto (với duy nhất giải đấu thành công là AFF Suzuki Cup 2008) đang phải nhận quá nhiều “mẹ của thành công” mà chưa thấy thành công thực sự.

Nếu việc thay tướng (ở đây là tìm người thế chỗ Henrique Calisto) và thay cả hệ tư tưởng về chiến thuật bóng đá chưa được tính tới, thì chúng ta phải hoạch định lại các chiến lược bóng đá, sao cho hợp thời và hợp với mình hơn. Chiêm nghiệm lại bản chất của nền bóng đá, để không ảo tưởng về năng lực, và có thể nhìn qua Malaysia láng giềng với hy vọng có thể học hỏi được điều gì đó về tính khiêm tốn. Bài học vỡ lòng chưa thuộc, cũng đừng mong bơi ra biển lớn.

CCKM

ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2010

- Thắng Myanmar bằng tỷ số không tưởng 7 - 1, với 2 cú đúp của Anh Đức và Trọng Hoàng, cùng hàng loạt những cái tên khác trên hàng công đã nhả đạn khiến năng lực chinh phục của ĐTVN ngay lập tức bị thổi phồng.

- Thua Philippines 0 - 2, ĐTVN rơi phịch xuống mặt đất và đây chính là trận cầu tai tiếng nhất của đội bóng dưới triều đại Henrique Calisto “tập 2”.

- Vượt qua Singapore với tỷ số tối thiểu 1 - 0, ĐTVN lách qua khe cửa hẹp để lọt vào bán kết.

- Thua 0 - 2 chung cuộc trước Mã, chúng ta đã trở thành cựu vương sau vòng “knock-out” đầu tiên. Rất nhiều ánh mắt hồ nghi nhằm vào ĐTVN, trong đó có cả những đồn thổi về một số trụ cột của đội bóng có dấu hiệu bất thường.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm