Ưu tiên hàng Việt – cầu thủ Việt

10/10/2009 07:48 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH cuối tuần) – Tin không vui từ giải Tiền Sea Games: Đội tuyển U19 QG đứng chót, không thắng trận nào và đều thua đậm U19 Malaysia, U19 Thái Lan. Với không ít người, đó chẳng còn là cái tin sốc, bởi có những ý nghĩ len lỏi rằng: vài ba năm nữa, đội tuyển này sẽ “thay chất” với sự có mặt của những cầu thủ ngoại nhập tịch. Đó là một tâm lý ỷ lại rất nguy hiểm.

* Hàng nội- một ưu tiên… trách nhiệm

Cho đến giờ, cánh cửa vào đội tuyển coi như đã đóng sập với những cầu thủ ngoại nhập tịch. Tất nhiên, điều này nằm ngoài mong muốn của Calisto- ông thầy luôn có xu hướng tuyển dụng ngoại binh nhập tịch vào đội tuyển. Với một thầy ngoại như Calisto, thành tích là ưu tiên số 1 và làm thế nào để có một đội tuyển Việt Nam mạnh nhất mới là điều đáng quan tâm.

Bóng đá, ở nhiều góc cạnh thể hiện gương mặt và thực trạng xã hội. Đội tuyển QG không chỉ là đỉnh cao mà còn là lát cắt của cả nền bóng đá. Cho đến giờ này, dường như câu hỏi “Tại sao những cầu thủ ngoại không được gọi vào đội tuyển Việt Nam” đã có câu trả lời. Bóng đá phải có trách nhiệm với xã hội thông qua hoạt động và hình ảnh của nó. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang trở thành một làn sóng trong xã hội. Mục đích của cuộc vận động này rất rõ: Nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 
Cánh cửa vào đội tuyển coi như đã đóng sập với những cầu thủ
ngoại nhập tịch như Huỳnh Kesley (giữa)
 
Bóng đá không thể đứng ngoài và làm trái với mục tiêu của toàn xã hội. Những cầu thủ ngoại nhập tịch, chỉ là thay đổi quốc tịch để kiếm miếng cơm manh áo, về bản chất họ chưa (và có thể là không bao giờ) trở thành người Việt Nam thực sự. Sự xuất hiện của họ có thể mang lại sức mạnh cho đội tuyển, thành công trước mắt ở một số giải đấu nhưng về lâu dài, tác hại là rất khó lường. Tác hại lớn nhất chính là tâm lý ỷ lại vào sức mạnh ngoại từ lãnh đạo ngành TDTT, VFF, HLV cho đến chính các cầu thủ. Điều ấy sẽ là căn nguyên cho việc kìm hãm nội lực, phát huy bản sắc.

Đúng như tinh thần và định hướng của xã hội, ĐTVN hiện tại phải là nơi “ưu tiên” cho những cầu thủ nội, sinh ra, được đào tạo và trưởng thành tại Việt Nam. Ưu tiên không có nghĩa là bài ngoại, là bảo hộ cầu thủ nội nhưng ở thời điểm này ĐTVN chưa cần xuất hiện những nhân tố ngoại.

* Ý thức thúc đẩy nội lực

Câu chuyện Lê Công Vinh được đá chính trong màu áo Leixoes trong 90 phút đã được gắn hai từ “lịch sử” cho dù ít người dám chấp nhận suy nghĩ rằng đó là một điều hết sức bình thường, Công Vinh với khả năng của mình xứng đáng với điều ấy và một thực tế “Công Vinh được bỏ tiền để đi đá bóng chứ không phải đi đá bóng để kiếm tiền”.

Nhưng ở góc cạnh nào, sự kiện của Lê Công Vinh cũng đáng được hoan nghênh. Một “hàng Việt Nam” đã có cơ hội chứng tỏ khả năng, được giới thiệu và bày trên “kệ hàng” có tính cạnh tranh khốc liệt tại trời Âu. Vinh hiểu rất rõ trách nhiệm của mình và cũng đang cố gắng thể hiện trách nhiệm ấy.

Vấn đề đặt ra là đến bao giờ, bóng đá Việt Nam sẽ có không chỉ là một mà là hàng chục Lê Công Vinh thi đấu rải rác ở những giải VĐQG châu Âu? Để mỗi cầu thủ đều trở thành một mặt “hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.

Nó phụ thuộc vào ý thức của cả hệ thống bóng đá, trong đó ý thức cầu thủ phải được coi trọng.

Chuyện nhiều cầu thủ U23 VN “bỗng nhiên” luyện tập trễ nải và mất tập trung khi vắng mặt HLV Calisto cho thấy ý thức về nghề nghiệp về sự tự phát huy nội lực ở chính những cầu thủ tầm đội tuyển chưa cao. Và hệ quả là sẽ không thể sản sinh ra được những mặt hàng chất lượng cao.

Xem ra việc những cái tên mới như Sỹ Mạnh hay Tuấn Vũ được triệu tập lên tuyển đáng được chờ đợi hơn việc mở cửa cho những ngoại binh. Tài nguyên không được lãng phí, đặc biệt là tài nguyên con người.

Nhưng chọn ai vào đội tuyển lại phụ thuộc vào một nhân tố ngoại: HLV Calisto!

Tiểu Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm