03/01/2009 10:24 GMT+7 | Các ĐTQG
Gặp HLV Ngô Lê Bằng đúng vào ngày cuối cùng của năm 2008 sau khi anh từ Hà Nội vào, mang theo niềm sung sướng và hạnh phúc mà vẫn còn rạng ngời trên nét mặt trong bữa ăn trưa. Giữa chúng tôi đã có những câu chuyện thật thú vị, về đội tuyển, về Calisto, và cả cái "bí quyết" mà anh không thể khám phá.
Một cuộc hội ngộ cảm xúc, bởi trước khi anh lên đường ra Hà Nội làm nhiệm vụ, chúng tôi cũng đã ngồi ở cái quán này, cũng tại cái bàn ấy. Chỉ biết chúc anh lên đường an toàn và cùng đội tuyển gặt thành công.
Chúc vậy nhưng không ai và ngay cả chính anh cũng thừa nhận, không thể mường tượng có một ngảy trở về gặp nhau trong niềm hân hoan như thế này. Trông anh như trẻ ra mấy tuổi.
Câu chuyện trong suốt buổi của chúng tôi vì thế chỉ xoay quanh trái bóng tròn, ở bất cứ góc độ nào thì rốt cuộc vẫn trở về với bóng đá, với đội tuyển, với HLV ngoại có tên Henrique Calisto và những kỷ niệm thật khó quên cho một hành trình vất vả nhưng đầy vinh quang của tuyển Việt Nam.
Câu chuyện thứ nhất: Không thể tìm ra "bí quyết" dùng người của Calisto
Anh thú nhận, dù đã cố công tìm hiểu đâu là "bí quyết" của nhà cầm quân này trong việc thay người - đều mang đến bước ngoặt hoặc lập công, ở mỗi trận đấu thì cho đến lúc Việt Nam đăng quang, anh vẫn chưa khám phá ra.
Tuy nhiên, Calisto tại AFF Cup 2008, thì trận nào tung người vào sân cũng tạo ra đột biến. Đó là Vũ Phong ở trận thắng Malaysia, Việt Thắng ở trận gặp Lào, rồi Tần Tài, Quang Hải trong trận lượt về với người Sing, rồi Minh Phương và pha sút phạt quyết định ở Mỹ Đình tối 28/12,..".
Người trợ lý rất được ông thầy người Bồ Đào Nha tin tưởng này nói thêm: "Phải nói là ông Calisto có khả năng nhìn nhận cục diện trên sân "độc" thật. Có nhìn ra thì việc dùng người mới hiệu quả. Tạo dựng được một đội tuyển đoàn kết, có được phong độ tốt và vào sân đầy khát khao để có được thành công vang dội, chắn chắn công đầu thuộc về ông ấy rồi".
Cái sự nhìn xa trông rộng của Calisto còn được thể hiện từ khi đội đá trận giao hữu lượt về với Singapore (hoà 2-2) vào ngày 26/11. Sau trận đấu này, trò chuyện với trợ lý của mình, thầy Tô nhận định về cuộc chiến thật sự ở AFF Cup: "Người Sing khả năng sẽ đứng đầu bảng A, Việt Nam xếp nhì B và 2 đội sẽ tranh vé vào chung kết.
Qua những gì người Sing thể hiện ở trận hoà 2-2 cùng việc không ít cầu thủ bị vọp vẻ cuối trận, chúng ta hoàn toàn có thể thắng họ. Còn việc chúng ta có vô địch hay không thì tôi chưa dám chắc vì Thái Lan rất mạnh...".
Theo HLV Ngô Lê Bằng, nhờ AFF Cup mà anh được dịp học hỏi Calisto rất là nhiều, không chỉ về chuyên môn và còn nhờ vị "thuyền trưởng" này mà vốn tiếng Anh của anh cũng tăng lên (do HLV Calisto nói tắt rất nhiều, nói nhanh và nói nhiều, trong đó có không ít vcâu chữ phức tạp cần sự diễn giải đa chiều). Anh nói vui: "Thường thì đi học mất tiền, tôi đây được học thầy giỏi mà thậm chí còn có tiền mang về!".
Câu chuyện thứ 2: Đội tuyển & cách tập... không giống ai
Trợ lý Ngô Lê Bằng thốt lên: "Đúng là ông trời giúp đội chứ nếu đợt này không rinh cúp thì chắc căng lắm".
Cái căng mà HLV này nhắc đến là và suốt quá trình chuẩn bị cũng như trong giải, đội chỉ có một bài tập duy nhất: chia đôi đội hình đá. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, quả nhiên chẳng có gì để nói. Thậm chí nhiều người chép miệng: suốt ngày thầy Tô có mỗi bài chia hai.
Tuy thế, có những người sẽ không biết rằng, cũng là chia đôi đội hình ra đá, nhưng mỗi buổi, đội tuyển tập một giáo án khác nhau. Hôm thì giải quyết vấn đề ở hàng thủ, lúc thì gia cố tuyến giữa và tất nhiên không thể thiếu cả bài tập phối hợp trên hàng công.
Theo vị trợ lý ngôn ngữ này thì cái ông nể ở Calisto nữa là những bài tập sát với thực tế. Chẳng hạn bài tập chống lại người Thái là những miếng đánh chéo sân, làm sao để không cho Dangda lui về lấy bóng,... Phước Tứ với nhiệm vụ kèm cầu thủ số 10 này đã được thầy Tô "dợt" cho đến nơi đến chốn. Và anh cũng đã "trả bài" rất tốt khi tái ngộ với đại diện số 1 ĐNÁ ở 2 hiệp đấu chung kết.
Với triết lý bóng đá của Calisto, các tuyển thủ VN sẽ phải bỏ những thói quen thiếu chuyên nghiệp của mình. Thay vào đó, họ chỉ cần đảm trách đúng vị trí của mình, chạy chỗ ra sao, di chuyển thế nào trong từng trận đấu khác nhau. Nếu không tuân thủ theo bài tập, chắc chắn sẽ bị loại.
Phùng Văn Nhiên là một ví dụ. Calisto không chê tài của anh, tuy nhiên, do không hiểu hết ý ông thầy ngoại, anh đã chơi theo bản năng & thói quen. Với việc phải ngồi nhà, chính cầu thủ này cũng rất lấy làm tiếc.
Sau bài tập... không giống ai thì trước mỗi trận đấu, các tuyển thủ VN còn có một "bài học" hết sức thú vị. Đó là bài học gì? Hay Calisto "ấn tượng" ai nhất? Chúng tôi sẽ đăng tải trong phần 2.
Theo VietNamNet
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất