16/10/2008 16:17 GMT+7 | Thế giới
Thủ tướng Anh Gordon Brown (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Alistar Darling |
Có thể nói, tới thời điểm này, các biện pháp đối phó khủng hoảng của Anh đang được thế giới coi là biện pháp tối ưu nhất có thể.
Bằng chứng là sau khi Chính phủ của Thủ tướng Gordon Brown tuyên bố kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng ở xứ sở sương mù, các quốc gia khác trên thế giới đã nhanh chóng học theo.
Giải pháp “made in England”
Ngày 8/10, kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng của Anh được công bố. Trong đó bao gồm khoản tiền 50 tỷ Bảng (tương đương 87 tỷ USD) để mua lại cổ phần trong các ngân hàng lớn, 200 tỷ Bảng để tái cấp vốn cho các ngân hàng và 250 tỷ Bảng để bảo lãnh nợ cho các ngân hàng.
Nói ngắn gọn, hai đặc trưng trong biện pháp đối phó lần khủng hoảng này của người Anh bao gồm hai điểm chính: (1) tạm thời quốc hữu hóa một phần các ngân hàng thông qua việc bơm vốn vào các ngân hàng này để đổi lấy cổ phần, và (2) đảm bảo cho các khoản vay giữa các ngân hàng với nhau. Cần phải nói thêm, việc bơm vốn để đổi lấy cổ phần này không giống như việc các ngân hàng trung ương vẫn thường bơm vốn vào thị trường tài chính với tư cách là hoạt động tái cấp vốn ngắn hạn cho các ngân hàng.
Gần như ngay lập tức, giải pháp “made in England” này được nhân rộng trên phạm vi toàn cầu.
Đang ở thế tưởng như bế tắc trong việc đi tới một kế hoạch giải cứu chung, tới ngày 12/10, 15 nước thuộc khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã bất ngờ đạt được một kế hoạch hành động tập thể để giải quyết khủng hoảng. Kế hoạch trị giá 1.300 tỷ Euro, tương đương 1.800 tỷ USD, của Eurozone gần như là một bản sao kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng của Anh vì cũng bao gồm các biện pháp bảo lãnh cho các khoản vay liên ngân hàng và cho phép các chính phủ mua lại cổ phần trong các ngân hàng có vai trò quan trọng trong trường hợp cần thiết.
Tại Mỹ - “quê hương” của khủng hoảng, đồng thời cũng là quốc gia đi đầu trong các nỗ lực chống khủng hoảng - Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson cũng bắt đầu có những điều chỉnh “nho nhỏ” trong kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỷ USD dành cho ngành tài chính được Quốc hội thông qua cách đây chưa lâu.
Theo đó, thay vì chỉ mua vào các tài sản xấu trong các tổ chức tài chính và ngân hàng như dự kiến ban đầu, một nửa của số tiền 250 tỷ USD trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch sẽ được sử dụng cho việc mua lại cổ phần trong 9 ngân hàng lớn của Mỹ, bao gồm Citigroup, Goldman Sachs, Wells Fargo, JPMorgan Chase, Bank of America, Merrill Lynch, Morgan Stanley, State Street và Bank of New York Mellon.
Theo bài viết trên chuyên mục bình luận Op-Ed thuộc tờ New York Times (Mỹ) của Giáo sư Paul Krugman, người vừa được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải thưởng Nobel Kinh tế 2008, ban đầu, chính Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Bernanke đã rất có thiện cảm với biện pháp này. Tuy nhiên, biện pháp này đã bị Bộ trưởng Bộ Tài chính Paulson từ chối và cho rằng: “Đó là việc nên làm khi chúng ta gặp thất bại ở các biện pháp khác”.
Mặc dù vậy, sau khi cả châu Âu học theo cách làm của Anh, ông Paulson đành phải điều chỉnh kế hoạch giải cứu của nước Mỹ.
Giới quan sát ca ngợi
Giáo sư Paul Krugman cho rằng, Thủ tướng Brown và Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Alistar Darling đã có “cách nghĩ thấu đáo và đã nhanh chóng đi tới giải pháp”. Ông cho rằng: “Kế hoạch của nước Anh không phải là một kế hoạch hoàn hảo, nhưng lại là ví dụ tốt nhất để áp dụng trên diện rộng”.
Bản chất của cuộc khủng hoảng này là gì? Theo Giáo sư Krugman, hiểu một cách đơn giản, cuộc khủng hoảng đang diễn ra bắt nguồn từ sự sụt giảm mạnh của giá địa ốc, dẫn tới những khoản thua lỗ lớn cho các ngân hàng cho vay địa ốc và những ai nắm giữ các loại chứng khoán phát hành dựa trên nợ địa ốc. Những khoản lỗ này khiến các tập đoàn tài chính mắc nợ lớn và không có đủ vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Các tổ chức tài chính cố gắng trả nợ và tăng vốn bằng cách bán ra tài sản, nhưng việc này khiến giá tài sản càng sụt mạnh hơn, và vốn của họ càng giảm.
Để giải quyết khủng hoảng, các chính phủ đã nghĩ tới nhiều cách. Tuy nhiên, trong đó, giải pháp nhằm vào bản chất của vấn đề là giải pháp có thể giải quyết sự thiếu vốn của các tổ chức tài chính. Và để làm điều này, chính phủ các nước chỉ có cách là bơm vốn vào các tổ chức này để đổi lấy cổ phần. Như vậy, Thủ tướng Brown và Chính phủ của ông đã có cách giải quyết khủng hoảng đi đúng hướng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích khác, thành công ở mức độ hiện tại trong kế hoạch của ông Brown không phải là kết quả từ khả năng nhìn xa trông rộng của ông, mà thay vào đó, nhờ vào sự kết hợp những yếu tố khác bao gồm thời điểm hợp lý, hệ thống chính trị kiểu Anh và sự suy yếu của các thể chế chung của châu Âu.
Thứ nhất, ông Brown đã “đứng nhìn” nước Mỹ hành động trước và nhờ đó, đã học được một số bài học quan trọng về sự thất bại trong các bước tiến giải cứu ban đầu của ông Paulson.
Thứ hai, hệ thống chính trị ở Anh cho phép thủ tướng được hành động nhanh chóng mà không cần tới sự thông qua của quốc hội. Trên thực tế, ông Brown không bao giờ phải cần tới sự đồng thuận của thủ lĩnh đảng Bảo thủ đối lập David Cameron trong việc đưa ra các quyết sách, vì hội đồng kinh tế quốc gia của ông chỉ toàn bao gồm các bộ trưởng thuộc đảng Lao động cầm quyền.
Thứ ba, ông Brown cũng được lợi từ việc các nước thành viên của Eurozone không đủ nhanh chóng để nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình, hoặc cũng có thể họ cũng có quan điểm giống như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là muốn nước Anh đi đầu trong cuộc chiến chống khủng hoảng này.
Ngược lại với thành công bước đầu của ông Brown, danh tiếng của Chính phủ Đức đã bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng hoảng này. Có một thời gian dài, Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrück đã có thái độ cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính chỉ là “cơn bệnh” của nước Mỹ. Về phần mình, Thủ tướng Angela Merkel dường như có lập trường không vững, ban đầu bà phê phán việc Ireland đơn phương ra quyết định bảo hiểm tiền gửi cho người dân, nhưng sau đó, chính bà cũng áp dụng giải pháp này cho nước Đức.
Cũng trong bài bình luận đăng trên tờ New York Times, Giáo sư Krugman cho rằng, việc các nước giàu trên thế giới “chạy theo” cách giải quyết khủng hoảng là một điều khá bất ngờ, vì xét cho cùng, nước Anh không phải là một “gương mặt” lớn trong các vấn đề kinh tế thế giới. Không ai có thể phủ nhận việc nước Anh là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, nhưng nền kinh tế Anh nhỏ hơn nhiều so với kinh tế Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) không có nhiều ảnh hưởng như FED hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống khủng hoảng này, nước Anh có được sự kết hợp giữa cách suy nghĩa thấu đáo và tính quyết đoán mà không một chính phủ khác nào trên thế giới có được. Giáo sư Krugman cũng hết lời ca ngợi cách giải quyết khủng hoảng của Thủ tướng Brown khi cho rằng: “Có thể nước Anh đang chỉ cho chúng ta con đường để vượt qua cuộc khủng hoảng này”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất