12/09/2008 14:42 GMT+7 | Thế giới
Cổ phiếu lớn nhỏ lại đồng loạt giảm giá mạnh, VN-Index có phiên mất điểm nhiều nhất kể từ ngày nới biên độ.
Chỉ còn lại vẻn vẹn 10 mã tránh được phiên điều chỉnh hôm nay, trong đó có 7 mã tăng và 3 mã trụ ở giá tham chiếu. Sự xuống dốc của thị trường bỏ qua bước thăm dò, thể hiện mạnh ngay từ đầu phiên.
19,65 là số điểm VN-Index bị mất ngay trong đợt 1. Chỉ số này đang rời xa hơn mốc 500 điểm. Đây có thể là một kết quả bất ngờ với dự tính đầu tuần của nhiều nhà đầu tư.
Kết thúc phiên, đà giảm của VN-Index gần như không còn sức níu kéo, khi tất cả các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đều giảm giá, khoảng 90% mã giảm sàn; chung cuộc giảm tới 21,01 điểm, còn 476 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày nới biên độ giao dịch (18/8), vượt trội so với thời biên độ hẹp từ +/-1% đến +/-3%.
Đây cũng là đỉnh điểm tạm thời của một đợt suy giảm mới, hé mở từ hai phiên cuối tháng 8 trước đó. Và nếu so với đỉnh 561,85 điểm đã tạo được trong ngày 27/8, VN-Index đã mất tới trên 85 điểm. Một sự đi xuống khá “cân xứng” với sự phục hồi ấn tượng trong tháng 8 đang thể hiện.
Điểm đáng chú ý là sự sụt giảm lần này diễn ra trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư khá ổn định, kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến, và gần đây một số doanh nghiệp niêm yết lớn cập nhật kết quả kinh doanh khá khả quan…
Nhưng, đi cùng với giá chứng khoán lên cũng là lo ngại lực lượng bán ra tranh thủ giá cao, có từ sự thúc đẩy của những mục tiêu lợi nhuận, hoặc áp lực hồi vốn trả nợ.
Riêng trong phiên hôm nay, thông tin bên lề được chú ý là quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tài chính. Dù việc tăng thuế đã được dự báo, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng giá bán xăng dầu được giảm theo diễn biến giá thế giới.
Thực tế, giá dầu thế giới từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 này tiếp tục giảm, đã có thời điểm xuống dưới 100 USD/thùng. Tuy nhiên, với quyết định tăng thuế nhập khẩu lên 5%, khả năng điều chỉnh giá trong nước đang bị thu hẹp. Trước mắt, yếu tố hỗ trợ thị trường từ giảm giá xăng dầu khó xẩy ra.
Trong phiên hôm nay, quyết định bán ra tiếp tục được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Nhưng điểm hẹn cung – cầu không mở rộng như những phiên đầu tuần, nhà đầu tư đang thận trọng mua vào. Dư mua tiếp tục trống trên bảng điện tử, trong khi dư bán khối lượng lớn có ở nhiều mã.
Kết thúc phiên, khối lượng toàn thị trường tiếp tục sụt giảm xuống còn gần 15,3 triệu đơn vị, chỉ bằng gần phân nửa so với những phiên thanh khoản tiêu biểu đầu tuần; giá trị giao dịch chỉ đạt 580 tỷ đồng.
Trong số 15,3 triệu đơn vị nói trên, riêng STB đã chiếm tới 4,75 triệu cổ phiếu, dẫn đầu thị trường về lượng trong giao dịch khớp lệnh. Kế đến là HPG và DPM, lần lượt có 1,39 triệu và 1,23 triệu cổ phiếu giao dịch.
Sự suy giảm về khối lượng cũng thể hiện rõ trên sàn Hà Nội, chỉ còn hơn 6,3 triệu cổ phiếu và chưa bằng một phần ba của kỷ lục trên 22 triệu đơn vị được xác lập trong tuần này; giá trị đạt 267 tỷ đồng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất