Thế giới trong tuần: Để nuôi sống nghệ thuật

23/06/2012 06:45 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Trong khi ở Dubai tiền bạc đổ không tiếc tay vào những tác phẩm nghệ thuật, thì những nỗ lực bảo tồn một điệu nhảy truyền thống ở Haiti lại chỉ cần đam mê và sự cống hiến.

Hơn cả sống sót

Khi trận động đất khủng khiếp tàn phá thủ đô Haiti vào tháng 1/2010, nó cũng hủy hoại luôn những giấc mơ của nghệ sĩ múa Jeanguy Saintus. Trong nhiều năm trời, anh đã nỗ lực để xây dựng công ty nhiều tài năng nhưng thiếu tiền của mình, Ayikodans. Nhưng giờ trận động đất đã phá hongrkhu sàn tập duy nhất của họ. Hơn thế nữa, nhiều sinh viên ở trường múa của Saintus, được tài trợ một phần bởi công ty Ayikodans, bỏ hết sang Mỹ, Canada hoặc Pháp để tránh tình trạng lộn xộn, mất an ninh và có thể nguy hiểm tính mạng sau trận động đất. “Chúng tôi tưởng đó là ngày tàn của mình. Sau trận động đất, ai cũng nói về việc xây dựng lại Haiti, nhưng nghệ thuật rõ ràng không có trong danh sách của họ”, Saintus ngậm ngùi.

Nhưng hai năm rưỡi sau, Ayikodans đã sống dậy từ đống đổ nát, giờ họ đi lưu diễn ở Miami, Mỹ, và thu hút được sự chú ý mà Saintus đã rất khát khao trước kia. Tháng trước, công ty đã có hai sô bán hết vé ở Trung tâm nghệ thuật trình diễn Adrienne Arsht, Miami, với tác phẩm mới nhất, Danse de L'Araignee (Vũ điệu loài nhện), một kết hợp ấn tượng giữa các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống Haiti, múa đương đại, trống và nhạc soul.

Jeanguy Saintus và vũ đoàn của anh

Trung tâm Arsht lộng lẫy trị giá 500 triệu USD, mở cửa năm 2006, là một thế giới hoàn toàn khác so với sàn tập xập xệ ở Port-au-Prince. Câu chuyện về hành trình của Ayikadons rất điển hình cho sự can đảm và quyết tâm của Haiti. Saintus, 44 tuổi, thành lập công ty năm 1988 ngay sau những năm tháng đen tối của đất nước dưới chế độ độc tài Duvalier. Lớn lên trong gia đình một bà mẹ đơn thân qua đời khi anh mới 14 tuổi, Saintus đã dành cả đời khám phá và quảng bá văn hóa Haiti.

“Ayikodans đầu tiên chỉ là một nhu cầu đơn giản. Ở Haiti, ai cũng muốn nhảy múa”, anh nói. Saintus từng theo học ballet cổ điển, nhưng anh tìm thấy tiếng gọi ở sự kết hợp giữa vẻ tinh tế của ballet châu Âu và những cội rễ Phi-Mỹ ở Haiti. “Ayikodans rất đặc biệt, sự kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn của tổ tiên chúng tôi, và múa đương đại. Chúng tôi là thế”, Youri Mevs, một nữ doanh nhân Haiti giàu có là nhà tài trợ chính cho nhóm, nói.

“Tôi muốn nói với thế giới rằng Haiti không chỉ là những khu ổ chuột, những cuộc đảo chính và tham nhũng chính trị, mà còn là mảnh đất của văn hóa và nghệ thuật”, Saintus cho biết. Nhưng ở một đất nước không có nhà hát và sân khấu, rất khó thuyết phục những người giàu cũng như chính quyền bỏ tiền cho nghệ thuật. Saintus cho biết anh chưa bao giờ nghe một lời nào từ Bộ văn hóa, ngay cả sau khi anh đã nhận giải Hoàng thân Claus 2008 do chính phủ Hà Lan trao tặng cho các thành tựu văn hóa. “Như tôi biết, họ không tồn tại, chỉ có cái tên”, Saintus nói. Không tiền bạc, một ngân sách tối thiểu cho trang phục, ánh sáng và âm thanh, Saintus đã phải chật vật mới dựng xây nên Ayikodans như hiện giờ.

Hầu hết 25 vũ công làm việc toàn thời gian đến từ trường dạy múa của Saintus, Danspyenu (Vũ điệu chân trần). “Tôi đã huấn luyện các vũ công này. Họ là những đứa con của tôi”, Saintus tự hào nói. Một trong những sinh viên tốt nghiệp từ đó, Vitolio Jeune, là trẻ mồ côi và từng vào chung kết chương trình truyền hình thực tế về khiêu vũ nổi tiếng So You Think You Can Dance. Hiện Jeune đang trình diễn cho công ty trứ danh Garth Fagan ở New York.

Những người như Jeune cùng các nhà hảo tâm khác đã quyên góp số tiền 117.000 USD giúp công ty tiếp tục sống sót sau động đất. Tom Murphy, giám đốc công ty xây dựng Coastal ở Miami, nơi có nhiều người Haiti sinh sống, đã rơi lệ khi chứng kiến các vũ công của Ayikodans: “Riêng việc sống sót đã là một kỳ tích, vậy mà họ còn có thể trình diễn như thế. Cầu chúa phù hộ cho họ”. Ông nhanh tay viết một tấm sức 50.000 USD. Nhờ Murphy và nhiều chủ doanh nghiệp giàu có biết yêu văn hóa khác ở Mỹ, hai buổi trình diễn trong tháng 5 của Ayikodans đã bán sạch vé ba tuần trước khi ra rạp. “Chúng tôi hy vọng có thể ổn định hơn”, Saintus nói. “Chúng tôi còn muốn cả thế giới thấy và nghe những gì chúng tôi có thể làm được”.

Trong một quầy của triển lãm Dubai Art

Dubai: Dân chơi nghệ thuật

Sau một thập kỷ thành công nhờ những đồng đô-la dầu mỏ, Dubai giờ đã là một trung tâm tài chính, thương mại, du lịch và bán lẻ của cả vùng Vịnh. Giờ thì tiểu vương quốc này sắp bước vào một cuộc chơi mới: tác phẩm nghệ thuật.

Sự khát khao của các tỉ phú dầu mỏ muốn thể hiện đẳng cấp văn hóa có thể nói không ngoa rằng đã biến Dubai thành một thị trường nghệ thuật quốc tế chỉ sau một đêm. “Có rất nhiều người giàu ở Dubai và điều đó đương nhiên khiến tiểu vương quốc này trở thành một thị trường mới nổi của nghệ thuật trong vùng”, Matthew Girling, giám đốc điều hành khu vực châu Âu và Anh của Bonhams, một trong những nhà đấu giá các tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế giới, nói. “Có cả một mạng lưới các tay săn tác phẩm nghệ thuật ở những bảo tác tại London và New York để đưa về đây”. Nhà Christie’s, một đại gia về bán đấu giá, đã tổ chức phiên thứ 12 tại Dubai vào tháng 4 vừa qua. Điều khiến các chuyên gia lẫn giới làm ăn đặc biệt chú ý là sự gia tăng vững chắc về số lượng và ảnh hưởng của những nhà sưu tập trẻ tại vương quốc Trung Đông này.

“Một nửa thời gian tôi ở đây, một nửa ở London”, một nhà sưu tập chưa tới 30 tuổi giấu tên tham gia cuộc đấu giá của Christie’s nói ở Dubai. “Tôi ngày càng thấy nhiều người trẻ tham gia, mua những tác phẩm trong tầm của họ trước, rồi dần dần học nghề và leo cao. Tôi thấy rất phấn khích”. Một phiên đấu giá ở phòng khánh tiết của tòa tháp nổi tiếng Jumeriah Emirates, trung tâm Dubai vào tháng 4 vừa rồi có mặt các tác phẩm được đại của những nghệ sĩ trẻ A-rập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã thanh công vang dội.

Michael Jeha, giám đốc khu vực Trung Đông của Christie’s, nói sự tham gia của người trẻ đảm bảo sự phát triển bền vững cho kinh doanh tác phẩm nghệ thuật. Sheibani, 34 tuổi, đã tham gia ngành này được 4-5 năm, thì nói về một thế hệ sinh ra ở Dubai giàu có, đi nước ngoài du học, trở về với tư duy toàn cầu và quyết tâm thay đổi so với những thế hệ trước, đầu tiên là về văn hóa và cảm thụ văn hóa.

Điều đó giải thích sự nổi tiếng của Art Dubai, một cuộc triển lãm tề tựu các tác phẩm từ Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Trong phiên thứ sáu tổ chức năm nay, 75 gallery từ 32 nước đã tham dự với số khách thăm tăng gấp bốn lần so với lần đầu tổ chức năm 2007, lên mức hơn 22.000 người. Giám đốc triển lãm, Antonia Carver, dự báo một tương lai tươi sáng chờ đợi thị trường nghệ thuật Dubai: “Sự thừa nhận các nghệ sĩ A-rập và Iran trên thị trường toàn cầu là điều chưa có trước đây. Chúng tôi không cần sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng những gì chúng ta chứng kiến thật bền vững và đáng khích lệ”.

Hải Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm