Đà Nẵng chưa "nóng" như đồn đại

28/04/2012 10:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Cậu em báo Đà Nẵng trở gió, nghĩ là lạnh, tôi mang theo áo khoác cùng một ít quần áo gọn gàng rồi lên đường. Mục đích của chuyến đi này thì nhiều nhưng chẳng biết rồi sẽ thực hiện được bao nhiêu. Thôi thì cứ phải đến đã.

>> Chuyên đề: Du lịch khắp thế giới


6h15 sáng: Tàu SE7 khởi hành từ ga Hà Nội. Có vẻ như cơn sốt vào Đà Nẵng không "cao" như người ta rì rầm trên mạng thời gian qua. Tàu vẫn dư vài chỗ, đa số là khách Việt, thi thoảng lắm mới thấy vài vị khách nước ngoài ngồi đâu đó. Phòng giường nằm của tôi 6 người thì 3 người xuống Đà Nẵng, 2 người xuống Huế hôm sau mới vào Đà Nẵng và người còn lại vào Bình Thuận. Mỗi người đến từ một tỉnh nên cũng nhiều chuyện để kể. Nhưng thú thực, tôi vẫn thích ngồi khoang ghế mềm hơn là chỉ bó chặt trong khoang ngủ, nơi bạn chỉ có thể tiếp xúc với vài người, ngắm khung cảnh bên ngoài hạn chế và cựa mình khó khăn trong cái ô ngủ nho nhỏ của mình.

Không biết có phải bởi vậy nên khách tây đi du lịch thường chọn mua ghế ngồi. Hoặc nếu có nằm giường thì họ cũng rời phòng ra căng tin ngồi ngắm cảnh, chụp ảnh và giao lưu với hành khách khác. Họ thực sự thưởng thức chuyến đi từ đầu tới cuối.

7h: Tàu thoát ra khỏi Hà Nội. QL1 chạy song song với đường ray xe lửa lúc sáp lại gần, lúc uốn lượn ra xa, đôi khi lại biến mất đi đâu đó. Có đi đường sắt mới có nhiều cơ hội nhìn ngắm con đường huyết mạch chạy dọc theo đất nước. Nó vẫn vậy, nhỏ, đông đúc và "thương tích" đầy mình (đoạn từ Cầu Giẽ đến Thanh Hóa). Nhiều lúc tôi tự hỏi, vì sao đường Hồ Chí Minh đẹp vậy mà sao xe không chạy hướng đó? Giờ dọc theo tuyến này cũng đâu còn hoang vu, thiếu dịch vụ. Dường như cả tuyến đường cực đẹp đó chỉ phục vụ chính cho dân phượt Bắc - Nam. Với tôi, tôi luôn chọn cung đường đó cho các chuyến đi về Thanh Hóa, Nghệ An.

Điều đáng tiếc nhất về tuyến đường Hồ Chí Minh với tôi là chưa tổ chức được cho anh em trong hội "Những người thích đi du lịch" được 1 chuyến đi nào theo hướng này dù đã vẽ ra được một tour nhỏ nhỏ đủ cho anh em chưa có cơ hội đi nhiều trải nghiệm cảm giác lướt xe máy đi đâu đó xa xa. Chắc chắn 1 ngày nào đó sẽ có 1 chuyến đi như vậy.

10h30: Tàu vào ga Thanh Hóa. Cái loa phát thanh tậm tịt bất ngờ vang lên điệu "Dzô tá, dzô tà...". Chẳng ai nói ai, tất cả đột ngột phì cười. Những câu chuyện về người Thanh Hóa râm ran. Ở những khoang khác, có ai đó hát vài bài hát vui chọc dân Thanh Hóa. Khoang tôi có 2 người gốc Thanh Hóa, trong đó có tôi, nhưng chẳng ai tự ái. Chuyện vui mà.

Điều tôi thấy thú vị nhất mỗi khi chiếc loa phóng thanh cất lên chính là những gì nó định truyền tải. Lịch sử oai hùng của tỉnh được giới thiệu qua một giọng đọc truyền cảm. Khi đó, gần như ai cũng im lặng và cố gắng lắng nghe. Những gì liên quan đến chiến tranh thật hào hùng. Lời mời đến Thanh Hóa du lịch cũng thật hấp dẫn. Nào thì VQG, thành Nhà Hồ, biển Sầm Sơn... Nhưng dường như thực tế du lịch của tỉnh này chưa được như mong muốn. Còn nhiều điều phải làm lắm!

Trưa: Mọi người dường như đã chán tán gẫu trong khoang. Mỗi người một việc. Tôi ra ngoài. Tàu vẫn vậy từ khi tôi biết đến nó. Bẩn, ồn ào. Rác khắp nơi. Khách thì cứ tiện tay là vứt thẳng ra sàn hoặc lối đi. Nhân viên quét thì gom ra khu vực nối của 2 toa rồi hất xuống. Nhà vệ sinh thì vô cùng bẩn và thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn. Vẫn biết tàu phục vụ chủ yếu cho người có nhu cầu đi lại với giá vừa phải nhưng rõ ràng, nếu cứ trong tình trạng như vậy, tình trạng thiếu vé xe khách chất lượng cao trong những dịp nghỉ lễ quả là không khó giải thích.

Gặp 1 vị khách tây làm kỹ sư xây dựng Mỹ đang đứng ở lối đi chụp ảnh, chúng tôi trao đổi được khá nhiều chuyện thú vị. Ông ta rất vui khi gặp tôi bởi tôi cũng chụp ảnh bằng máy Pentax, cùng loại ông yêu thích. Ông khá ngạc nhiên khi thấy dân chụp ảnh ở Việt Nam toàn dùng hàng đỉnh của các hãng như Nikon hay Canon. Trong khi đó loại máy rẻ tiền và đủ dùng như Pentax lại rất hiếm khi gặp. Ông cho biết, mình cũng là người chuyên săn hàng cũ trên internet nhưng nhìn vào giá của các loại máy ảnh, ống kính thấy đắt quá. Thế mà ở Việt Nam đi đâu ông cũng gặp khách du lịch đeo trên người những chiếc máy có giá cả chục ngàn USD.

Câu chuyện với ông kỹ sư xây dựng càng ngày càng thú vị khi đề cập đến du lịch. Ông thích Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung. Đây là lần thứ 3 ông đến Việt Nam và khẳng định, mỗi lần đi ông lại có 1 trải nghiệm khác. Lần đầu cách đây 10 năm, ông thấy sự thiếu thốn hiện diện khắp nơi. Cách đây 3 năm, chuyến đi của ông đem lại sự bất ngờ vì sự đổi thay đến kinh ngạc của một Việt Nam đang chuyển mình. Còn chuyến đi này, ông đang nhìn thấy sự khá giả và sự tuyệt vời trong những điểm đến. Ông nói: "Các bạn là người Việt Nam nên có thể không cảm nhận được sự thay đổi nhưng tôi đã từng đi Sapa, Hạ Long, Nha Trang, Cát Bà, Huế, Hội An, Hà Nội, TP.HCM... Mỗi lần đến cách nhau một khoảng thời gian dài nên sự thay đổi với tôi là rất rõ rệt. Các bạn đừng quá lo lắng về những vấn đề phát sinh xung quanh những điểm đến đó. Nó là điều tất yếu và sẽ được giải quyết từ từ". Phải nói thật, tôi thích cách diễn đạt rất đơn giản của vị khách nước ngoài mà tôi quên hỏi tên này.

Bữa trưa: Với tôi, mọi bữa ăn trên tàu đều kinh khủng. Tôi là người thường xuyên chọn đường sắt cho mỗi chuyến đi Bắc - Nam nên chuyện ăn uống trên tàu cũng biết sơ sơ. Cơm canh có sẵn rất dở. Chính vì vậy tôi thường cố nuốt chỉ để đảm bảo sức khỏe. Nhưng chuyến đi này có vẻ mọi thứ đã khác. Không còn cơm theo vé. Mọi thứ được bán với giá từ 20 - 30.000 đồng mỗi phần. Không thực sự ngon nhưng dễ nuốt hơn rất nhiều so với trước đây.

Có một kinh nghiệm nho nhỏ cho ai có ý định ăn trên tàu. Bạn nên đợi xe đẩy đến rồi đưa tiền mua thức ăn. Như vậy chắc chắn sẽ ngon hơn so với việc bạn đặt nhân viên toa khi họ hỏi có đặt cơm tàu không. Giá cũng chỉ vậy nhưng bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.

Căng tin: Đó là điểm đến yêu thích của tôi. Hầu hết những người thích đi du lịch bằng tàu hỏa sẽ tập trung ở đây. Họ giao lưu, trò chuyện về những chuyến đi, giúp đỡ nhau chỗ ở, hướng dẫn cách đi lại ở địa điểm nào đó. Đó thực sự là những "bí kíp" bạn khó có thể tìm kiếm trên internet hay báo chí.

Đến căng tin, mọi người đều bình đẳng. Ai mua đồ uống, đồ ăn của người đó nhưng vẫn giao lưu bình thường. Bạn nên lưu ý về bảng giá vì mọi thứ ở đây đều đắt hơn gấp rưỡi cho đến gấp đôi bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể ngồi ở đây đến khi nào chán thì thôi. Chính vì vậy, đây là điểm tập trung của những người ưa tán chuyện hoặc thích ngắm cảnh.

Nói đến chuyện ngắm cảnh, điều làm nhiều người thấy tiếc khi đi tàu hỏa là rất khó chụp ảnh. Những tấm kính thường rất bẩn, cản trở tầm nhìn khiến bạn khó có thể có được một bức ảnh đẹp. Điểm lý tưởng để chụp không có kính chắn là một số ô cửa hai đầu toa hoặc... toilet. Giá nhà tàu làm tốt khâu vệ sinh này thì có lẽ các chuyến tàu sẽ trở nên đẹp hơn rất nhiều.

20h: Ga Huế và những bài hát nghe đến nao lòng. Tôi có nhiều kỷ niệm với Huế nên mỗi lần tàu qua ga này đều khiến tôi có nhiều cảm xúc. Muốn xuống Huế lắm, muốn lang thang với lăng tẩm, đền đài. Muốn thưởng thức những món ăn chút một, chút một và cay xè của Huế. Muốn nói chuyện với những giọng Huế, cafe và thưởng thức nhạc Trịnh.

Cô bạn quen trên Facebook ở Huế bất ngờ gọi điện đúng lúc tàu dừng ở ga này. Không lên được tàu, cô đứng dưới nói chuyện với tôi qua cửa kính bằng... điện thoại. Một mẫu người nhiệt tình mà thi thoảng tôi gặp được ở đâu đó trong các hành trình của mình. Cô hỏi tôi từ chỗ ăn chỗ ở, xe cộ đi lại, ai đưa đi chơi và sẵn sàng bố trí mọi thứ nếu tôi cần. Vâng, lại thêm một lý do tôi yêu Huế.

Trở lại với cái khoang chật hẹp của mình trong chặng cuối của hành trình. Cô gái gốc Đà Nẵng xinh đẹp trở thành trung tâm của những câu chuyện. Nào thì cuộc sống chật vật của một sinh viên đang theo học ở Hà Nội, chuyện yêu một anh CSGT thế nào, Đà Nẵng đã thay đổi ra sao... Toàn những chuyện chẳng đầu chẳng cuối nhưng cũng rất thú vị. Và thú vị nhất là cô sẵn sàng giúp tôi có được một chuyến đi thuyền xem pháo hoa với cái giá khá rẻ, 500.000 đồng. "Bình thường vé là 1,5 triệu nhưng anh là bạn em nên mới có giá đó", cô nói vậy và hẹn tôi nếu thay đổi nhớ báo lại. Tôi từng quen khá nhiều người Đà Nẵng và đúng như những gì tôi vẫn biết, họ nhiệt tình đến hết mức có thể. Thật dễ thương.

Đà Nẵng 22h15: Chỉ có khoảng 100 khách xuống ga. Người đón tôi đã xỉn và chỉ có thể hướng dẫn tôi cách đến chỗ nghỉ tạm qua điện thoại. Vẫn nghe dân Đà Nẵng nhậu dữ, giờ mới cảm nhận rõ điều đó. Chú lái taxi tận dụng 1 chuyến nhận thêm khách khiến tôi đi lòng vòng thêm mấy chục ngàn. Không đáng là bao nhiêu nhưng quả là cũng không tiện cho lắm. Dù sao cũng đã đến nơi và vấn đề bây giờ là ổn định chỗ ở bởi nghe nói đang cháy phòng.

Khách sạn Ngôi nhà nhỏ 2 mới khai trương khá đẹp và sạch sẽ, chỉ có điều chẳng hiểu đâu ra mà lắm muỗi thế. Với giá 600.000 đồng 1 phòng thì nội thất và mọi thứ là tạm được trong dịp lễ này. Nhưng quả là lãng phí với một người chỉ thuê để đêm về đặt lưng như tôi. Ráng ngồi làm cố nốt tí việc còn dở trong ngày để giành thời gian cho các ngày tiếp theo, tôi dự tính sẽ xuống đường kiếm quán nhậu ngồi 1 mình và xem dân nhậu Đà Nẵng thế nào vào lúc nửa đêm.

Nhưng tôi chẳng cần phải xuống đường. 2h sáng, những tiếng "1 2 3 dzô" vẫn vọng lên từ dưới đường. Màn hình máy tính hiện lên tên cô bạn Huế. Cô đã tìm được chỗ ở mới với giá khá rẻ cho tôi và sẽ ghép cùng đoàn Minsk từ Hà Nội vào. Cô cũng chỉ tôi làm quen với một VĐV Judo ở Đà Nẵng, người sẽ dẫn tôi đi đón hoàng hôn vào lúc 5h sáng, sau đó ăn sáng và uống cafe.

Giấc ngủ chập chờn đến khi đồng hồ chỉ 3h hơn. Ráng ngủ 1 tiếng để sẵn sàng cho công việc tôi dự định trong những ngày ở Đà Nẵng.

Nếu bạn cũng đang ở Đà Nẵng, hãy chia sẻ cũng tôi những gì bạn đang cảm nhận ở vùng đất biển mùa du lịch này.

C.M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm