Vỡ mộng khi du lịch theo phim

15/04/2012 06:02 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Trong lúc chưa nghĩ ra sẽ đi đâu trong dịp Tết, kỳ nghỉ dài nhất trong năm, thì bộ phim Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ đã cho tôi một gợi ý. Khu du lịch Bái Đính - Tràng An ở Ninh Bình, nếu giống như trong phim thì quá xứng đáng để đi rồi. Xếp lịch và chờ đợi, tôi hơi háo hức muốn đến xem tận mắt những bối cảnh đẹp như mơ làm nền cho các cuộc thư hùng trong bộ phim võ hiệp made in Việt Nam này. Nhưng tôi đã “rớt cái bịch” khi đến đó.

>> Chuyên đề: Du lịch khắp thế giới

Chen chúc ở Tràng An...

Cảnh đẹp, người xấu

Xin nói ngay tôi không vỡ mộng vì phong cảnh thiên nhiên khi tận mục sở thị không long lanh được như trong phim mà vì thực tế đời sống du lịch diễn ra trước mắt. Ninh Bình chỉ cách Hà Nội chưa đầy 100 km. Đường đi cũng tương đối đẹp, trừ vài đoạn còn xấu vì đang làm dở. Vừa đến bãi gửi xe, “thực tế” đã như cốc cho tôi mấy cái vào đầu để tôi bớt mơ đến những cảnh đẹp trong phim. Người xe lố nhố, rác rến nhếch nhác trong mưa phùn trên nền âm thanh chủ yếu là tiếng chửi bậy. Tôi đã chọn sai thời điểm. Tết là lúc người ta đổ về đây nhiều nhất. Xếp hàng mua vé xuống thuyền là một cực hình. Ở đây, nếu muốn làm người văn minh thì chỉ có nước chờ đến tối, khi chẳng ai còn nhu cầu mua vé nữa, bạn sẽ được xếp hàng một cách văn minh. Còn nếu muốn mua được vé, bạn chẳng còn cách nào khác là “chơi theo luật” của xứ ta về việc xếp hàng.

Mua được vé rồi thì bắt đầu cuộc chiến lên đò. Chẳng có nhân viên điều hành, du khách cứ cầm vé đứng chờ thuyền đến đón. Và đương nhiên là chen lấn xô đẩy. Tôi và 3 người bạn đã hơi vô tư khi cứ đứng cầm vé chờ ở bến vì chắc mẩm thế nào cũng đến lượt mình, có rất nhiều đò đang chờ khách. Thấy mãi không có đò ghé chỗ mình mà cứ đến những vị trí khác, tôi mới quan sát tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra những chiếc đò kia chỉ ghé vào chỗ người cầm vé mà có kẹp thêm tiền. Người nào cầm tiền mệnh giá càng cao thì đò đến càng nhanh. Không chỉ khách chen nhau mà thuyền cũng chen để đón được khách sộp. Cảnh tượng hỗn độn chẳng khác gì cuộc đua tranh lên đò tránh thảm họa trái đất bị hủy diệt mà tôi đã xem trong bộ phim 2012 của Hollywood. Hỏi một chị đang cầm tiền vẫy thuyền là phải đưa bao nhiêu thì được đón, chị bảo “cứ kẹp một trăm ngàn vào, ở đây không bồi dưỡng thêm thì cứ đứng đấy mà đợi”. 5 người một đò, mỗi người một vé mua với giá 100.000 đồng, thêm 100.000 bồi dưỡng anh lái đò, chúng tôi rồi cũng lên được đò. Đến chỗ kiểm vé để rời khỏi bến, người soát vé hỏi anh lái đò bằng những ngôn từ rất xấc xược, họ đối đáp với nhau bằng những tiếng chửi rủa, nhưng rồi đò cũng được đi.

Chúng tôi mất gần 2 tiếng ở “cửa ải” của thiên đường du lịch. Trời ngớt mưa và hửng nắng. Tiếng chèo thuyền và màu xanh của nước, của cây cối trên núi dọc đường đi cũng làm chúng tôi dần quên đi sự khó chịu. Anh lái đò vẫn còn lầm bầm chửi chị soát vé. Hóa ra mỗi chuyến đi như vậy, tiền khu du lịch trích lại cho nhà thuyền chỉ là 80.000 đồng (trong khi họ thu của khách 500.000 đồng). Chuyến đi của chúng tôi chỉ đơn giản là ngồi trên đò ngắm cảnh đẹp. Việc này làm tôi nhớ chuyến tham quan dòng sông ngầm Puerto Princesa ở đảo Palawan của Philippines hồi năm ngoái. Chẳng ai phải chen lấn xô đẩy, cứ mua vé là tuần tự lên thuyền, chẳng cần tiền bồi dưỡng, đoàn có mấy người cũng được đi (đương nhiên là không được vượt quá số người quy định). Lái thuyền kiêm luôn hướng dẫn viên, họ rất hiểu biết về nơi họ giới thiệu với chúng tôi, thuộc nằm lòng từng vị trí của các hình thù đặc biệt được tạo bởi nhũ thạch trong lòng sông và cực kỳ lịch sự nhắc nhở chúng tôi phải mặc áo phao, đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn…

Đến bến của chùa Bái Đính, một công trình đồ sộ mới xây, chúng tôi lại thêm một lần chán nản. Hàng quán như cái chợ, bán từ trái cây bánh kẹo đến đồ chơi trẻ con. Ăn mày nhiều vô kể. Tiếng cãi lộn chửi thề lại làm nền âm thanh…

... và khu du lịch Tràng An trong phim Thiên mệnh anh hùng

Nhà đẹp nhưng quá “thật”

Năm 2010, trong một chuyến đi miền Tây, tôi cũng đã từng tìm đến ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) với mong muốn nhìn tận mắt ngôi nhà trong bộ phim Người tình nổi tiếng của đạo diễn Jean-Jacques Annaud. Đây có lẽ là địa chỉ rõ ràng duy nhất ở Việt Nam mà du khách tìm đến để tận mục sở thị chỉ vì đã từng biết nó qua một bộ phim, mặc dù ngôi nhà này không hề xuất hiện trong phim vì lúc đó nó còn là trụ sở công an, đoàn làm phim phải chọn một ngôi nhà khác gần đó làm bối cảnh chính của phim. Mãi mấy năm sau này, ngôi nhà thật của “người tình” mới được trả về cho Công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp quản lý và khai thác du lịch. Vé vào tham quan căn nhà này là 10.000 đồng, khách có thể nghỉ lại qua đêm trong phòng ngủ của căn nhà với giá 30 USD/đêm. Ngôi nhà tuy vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và một số đồ dùng như tủ, sập gỗ; trên tường còn treo nhiều ảnh của gia đình chủ nhà - nhân vật trong chính trong phim - nhưng chỉ có thế là hết. Không một cuốn sách Người tình, không một tài liệu nào về xuất xứ, hoàn cảnh, lịch sử của ngôi nhà. Muốn biết chuyện về Người tình, chỉ còn cách nghe cô hướng dẫn viên kể, một câu chuyện sơ sài và nghèo nàn hết mức có thể. Đó là chưa kể, nếu bạn đến đó vào giờ ăn, rất có thể bạn sẽ phải chờ cô hướng dẫn viên ăn nốt chỗ dở rồi dẹp chén bát, lau miệng,… Đến đó vào tầm 9h sáng, tôi đã phải chờ cô làm xong những thủ tục ấy rồi mới được nghe chuyện về ngôi nhà của Người tình.

Vịnh Hạ Long cũng từng xuất hiện trong các bộ phim quốc tế
nhưng cũng làm du khách “ngán” vì dịch vụ không tốt

Tôi đã từng đến đảo Jeju vì mê bối cảnh thơ mộng làm nền cho hàng loạt những bộ phim Hàn ướt át. Tôi cũng đã từng vào Universal Studio ở Singapore để xem các nhà phù thủy Hollywood đã làm gì để tạo ra những bối cảnh giả mà thật hơn cả thật trong phim. Những chỗ đó, giá vào xem không hề rẻ, nhưng đổi lại, tôi được no mắt no tai về tất cả những thứ tôi đã từng nhìn thấy trên phim. Ở Jeju, khu làng cổ được sử dụng làm một phần bối cảnh bộ phim truyền hình Nàng Dea Jang Geum được rất nhiều du khách đến xem, với tôi, ngôi làng này cũng “thường thôi” nhưng trình độ làm du lịch của người Hàn thì đáng để khâm phục. Họ “cài cắm” cô diễn viên quần chúng xuất hiện trong phim chưa đầy 2 giây làm hướng dẫn viên và cô này cũng không ngần ngại khoe với du khách điều đó. Nhưng cô có rất nhiều câu chuyện hấp dẫn về hậu trường bộ phim và về ngôi làng này để kể cho du khách, cô còn biết kéo du khách vào câu chuyện của mình, biến họ thành một nhân vật vui vẻ trong chuyện và dù sau đó du khách có bị cô ép nghe quảng cáo để bán mật ong rừng, về cao linh chi thì họ cũng vui vẻ và sẵn sàng móc hầu bao để mua dù chưa hẳn đã có nhu cầu sử dụng…

Năm 2007, Việt Nam chi 275.000 USD để làm và phát sóng đoạn phim quảng cáo du lịch dài 30 giây trên kênh CNN châu Á. Năm 2009, chúng ta lại bỏ ra thêm 224.000 USD cho việc đó, lần này là phát sóng trên BBC World News. Hiệu quả của lần chi mạnh tay đầu tiên cho du lịch vào năm 2007, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tháng 9/2007, trước khi phát sóng clip quảng cáo trên CNN, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là khoảng 358.000 lượt. Đến tháng 10/2007 con số này là 332.762 lượt và trong tháng 11/2007 là 340.000 lượt, không những chả nhích lên mà còn có xu hướng tụt đi. Còn trong cuộc hội thảo Film Community Project: One Asia in Film (Dự án cộng đồng điện ảnh: Một châu Á trong điện ảnh) diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 1 vừa qua, một thống kê cho biết sau khi bộ phim Đông Dương được trình chiếu ở Nhật Bản, số lượng du khách Nhật tới Việt Nam đã tăng lên 30%. Hiệu quả của việc quảng bá du lịch nhờ phim là không cần phải bàn cãi. Các đạo diễn Việt kiều đương thời như Victor Vũ hay mới đây là Cường Ngô với bộ phim Ngọc Viễn Đông đã có công khiến khán giả trong Nam ngoài Bắc ngỡ ngàng vì cảnh đẹp của nhiều nơi trên đất nước mình. Cường Ngô còn kể, khi phim được chiếu ở Mỹ, nhiều người Mỹ đã nói với anh rằng: “Đất nước của anh đẹp quá. Sao chúng tôi có thể đem vũ khí đến một đất nước xinh đẹp như thế này mà tàn phá?” và hẹn nhất định sẽ đến Việt Nam để du lịch. Nhưng vấn đề cần quan tâm là: Sau phim sẽ là gì?

>> Bài tiếp: Xem phim và khoác ba lô lên đường

Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm