Trần Lê Quỳnh: 2009 và một dự án âm nhạc mới

25/01/2009 06:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Trần Lê Quỳnh, người đã làm thổn thức bao trái tim bạn trẻ bằng những ca khúc dịu dàng: Chân tình, Cô gái đến từ hôm qua, Tuyết rơi mùa hè, Nhớ gấp ngàn lần hơn… Trần Lê Quỳnh, người một thời được xem là “đầy bí ẩn”, bởi, như anh tự nhận mình là người nhút nhát trong giao tiếp, viết ca khúc như là cách trò chuyện với người thân, với bạn bè…
 
 
Có lẽ đây là lần đầu tiên, trong không khí thiêng liêng chuyển giao của một năm cũ và một năm mới, Trần Lê Quỳnh trò chuyện một cách thật cởi mở về cuộc sống, công việc của anh, về âm nhạc và những chuyện khác…

* Sang Mỹ đưa tin về chương trình nhậm chức của tân tổng thống Mỹ vào trung tuần tháng 1/2009, như vậy năm nay Trần Lê Quỳnh sẽ đón một cái Tết Việt Nam đặc biệt ? Đặc biệt nữa là năm nay sẽ đón Tết với gia đình nhỏ của mình?

Đây sẽ là lần đầu tiên tôi đến nước Mỹ, lại đúng vào một sự kiện quốc tế trọng đại, nên chắc chắn chuyến đi sẽ đem lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Năm ngoái tôi được hiện diện ở Bắc Kinh tường thuật Olympic; đó cũng là lần đầu tôi đến Trung Quốc. Hai sự kiện này dĩ nhiên khác nhau về độ dài (một cái kéo dài cả tháng, cái kia chỉ một ngày) và khác cả về tính chất, nhưng với người làm báo, được hiện diện ở cả hai lần như thế, cảm giác thật tuyệt vời, dù phải nói là mỗi lần đi là mỗi lần người thân lo cho mình quanh chuyện an ninh.

Còn chuyện đón Tết, thực ra theo dự kiến, tôi quay về Anh 2, 3 ngày trước Giao thừa. Vì bà xã đang làm việc ở London. Dẫu sao chắc cũng có thể thưởng thức hương vị đón Tết của người Việt ở Mỹ.

* Quỳnh đã đón bao nhiêu cái Tết ở nơi xứ người rồi?

7 cái Tết rồi, chị ạ. Ông bà mình bảo “nhập gia tùy tục”. Sang Anh, đón Tết ý nghĩa là New Year 1/1 (và trước đó là Noel), với đầy đủ những cảm xúc về thời khắc chuyển đổi, và dĩ nhiên không thể thiếu sự háo hức của việc mua sắm cuối năm. Sang đến Tết Nguyên đán, thì đồ ăn thức uống không thiếu, nhưng cộng đồng nhỏ quá, không có lễ hội gì rầm rộ như người Hoa. Người ta cũng chỉ đến thăm nhà nhau, tổ chức tụ họp, hoặc bay về Việt Nam.

* Trở lại một chút với chuyện trước đây: không ít bạn trẻ hâm mộ Trần Lê Quỳnh vẫn thắc mắc vì sao đang làm việc ở Phòng Quan hệ Quốc tế của Đại học KHXH&NV TP.HCM và là một tác giả có những ca khúc được nhiều người yêu thích, Quỳnh lại trở thành một nhà báo thay vì làm một nhạc sĩ hay một “sếp” trường đại học ? Và lại tìm đến một môi trường ngoài Việt Nam để xây dựng sự nghiệp?

Thực ra chưa bao giờ tôi định gia nhập làng showbiz. Viết nhạc chỉ là nhu cầu nội tại, bộc lộ cảm xúc thôi. Khi còn đi học, tôi cũng đã bắt đầu viết cho báo, chủ yếu là về văn học nước ngoài. Nhưng cũng không có ý định theo đuổi nghề báo vì cảm giác phải chịu nhiều ràng buộc, chưa chắc đã được viết những gì mình muốn, trong khi cám dỗ trở thành nhà báo “lá cải” luôn chầu chực. Và thực sự lúc sắp tốt nghiệp đại học, tôi vẫn băn khoăn, chưa xác định chắc chắn mình muốn tạo dựng sự nghiệp ở đâu, mình có thể làm gì tốt nhất. Đấy là một trong những lý do tôi ở lại trường, vừa để tìm cơ hội học cao hơn và cũng để suy nghĩ thêm về hướng đi tương lai.

Khoảng thời gian gần một năm ở lại trường, tôi có may mắn có người sếp rất thấu hiểu, cởi mở và dân chủ; được gặp một số người bạn, người thầy tốt. Nhưng đồng thời, mình cũng vấp phải bức tường bảo thủ, hẹp hòi của môi trường đại học Việt Nam. Thời gian làm ở đại học không dài, nhưng cho tôi sự va chạm trực tiếp để hiểu vì sao cho đến tận bây giờ, cải tổ giáo dục vẫn là nhu cầu bức thiết, và vì sao để thành công là rất khó.

Hiện nay tôi làm việc cho một hãng truyền thông quốc tế, vừa đi làm vừa đồng thời học cao học về truyền thông ở London. Trở lại trường học, vất vả hơn nhưng bù lại, được động não, tranh luận về lý thuyết rất thú vị. Có thể công việc làm báo hiện tại sẽ là công việc suốt đời. Cũng có thể khi thích hợp, tôi quay lại giảng đường đại học.

* Sự hòa nhập và cạnh tranh của người Việt trong môi trường “tập hợp những tinh hoa” như London nghe nói vô cùng khắc nghiệt?

Theo khảo sát gần đây nhất thì có khoảng 55.000 người Việt sống tại Anh; nếu cộng cả số người nhập lậu thì chắc cũng chưa tới 100.000. Đơn thuần tính toán theo xác suất, thì ta cũng thấy tìm được “tinh hoa” trong số này để chọi với hàng chục triệu người bản xứ, là điều rất khó. Nước Anh cũng không phải là Mỹ. Ví dụ, năm ngoái trong lúc uy thế Barack Obama đang lên ở Mỹ, báo Economist có bài đánh giá liệu có một Obama ở Anh hay không - một chính khách da màu có triển vọng trở thành lãnh đạo quốc gia. Có lẽ sẽ có, nhưng hiện tại thì chưa. Trong 646 nghị sĩ của Anh, chỉ mới có 15 người da màu, và chỉ khoảng 4% nghị viên địa phương không phải da trắng.

Nhưng mặt khác, một thành phố đa sắc tộc, đa dạng như London rất nhạy bén trong việc đón nhận người tài. Nếu bạn có khả năng, say mê điều bạn đang làm, cộng thêm cả chút may mắn, bạn có thể lập nghiệp đàng hoàng tại thành phố này. Những người Việt trẻ mà tôi biết, cả người sinh ra tại đây lẫn sinh viên du học, đều có thể cạnh tranh bình đẳng với những thanh niên cùng trang lứa khác trong lĩnh vực mà họ chọn – chủ yếu là kinh doanh.

Có thể gọi người Việt ở Anh là cộng đồng “trẻ”, cả về thời gian đến Anh lẫn số lượng. Họ vẫn đang trong quá trình hòa nhập theo hướng từ từ đi lên. Đến năm 2009 này, việc trở thành thành viên của giai cấp trung lưu Anh đã không còn là chuyện xa vời với nhiều người. Nhưng vẫn là thử thách lớn để người thuộc sắc dân thiểu số, trong đó có người Việt, bước lên đỉnh, dù là đỉnh cao quản lý trong chính quyền trung ương, một tổ chức, công ty, hay đỉnh cao khó định nghĩa cụ thể hơn trong lĩnh vực nghệ thuật.


* Quỳnh giữ sự liên hệ với đời sống văn nghệ trong nước, nhất là khu vực âm nhạc như thế nào trong thời gian ở Anh mà thỉnh thoảng mọi người lại được nghe một vài sáng tác mới của anh?

Nói chung album nào mới ra ở trong nước, tôi đều nghe cả. Nghe để nắm bắt phẩm, lượng sáng tác hiện nay, để so sánh với âm nhạc các nước chung quanh (thường là so với nhạc Hoa) và cũng để giữ cho mình có hứng khởi sáng tác.

Viết ca khúc không phải là công việc hàng ngày nhưng là một phần không thể thiếu cho đời sống sáng tạo của tôi. Đôi khi viết để giải tỏa stress, hoặc viết để bộc lộ, vì thường thì tôi không giãi bày khúc triết lắm cảm xúc của mình với phái nữ. Nhưng viết nhạc dù vì lý do gì, thì tôi vẫn cố gắng duy trì nhịp viết.

Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh ở Anh.

* Nếu được hỏi nhận xét về đời sống âm nhạc trong nước từ góc nhìn một người Việt ở ngoài nước, Quỳnh sẽ nói những gì?

Những chuyện “râu ria” trong làng nhạc, từ những lắt léo của chuyện đĩa lậu, bản quyền, chuyện đời sống hậu trường, tôi cũng vẫn được một số bạn bè trong giới nhạc hay làng báo kể cho nghe. Là người bên ngoài, mình chỉ nghe để giữ làm tư liệu và có cái nhìn tương đối cập nhật, chứ không đủ thẩm quyền để bình luận sâu hơn. Nhưng từ những câu chuyện mà có thể cho là “lá cải”, cũng có thể thấy đời sống âm nhạc ngày càng “khu vực hóa” theo nghĩa là nó trở nên giống hơn nhịp sống showbiz ở các nơi như Hong Kong, Hàn Quốc. Công nghệ lăng xê tinh tế hơn trước với sự trợ giúp đắc lực của truyền thông, và ca sĩ - người của công chúng - trở nên có tiếng nói, đặc biệt trong giới trẻ.

Còn nếu để bình phẩm như một thính giả, thì cảm giác của tôi là đời sống âm nhạc cũng vẫn như mấy năm trước: đa số album ra đời gồm các bài hát không có tham vọng sống lâu, một vài tháng thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài đĩa nghe được, thậm chí là hay thực sự. Có vẻ chuyện ai nấy làm, người làm nhạc thương mại, người làm nhạc “sang”, có vị làm cả hai. Và hình như người nghệ sĩ, ít nhất là những người tôi được gặp, đang sống trong tâm trạng thỏa mãn, khá hài lòng với chính mình, dù có thể không phải là với hướng đi của âm nhạc cả nước hiện tại.

* Điều gì trong đời sống văn nghệ Việt Nam hiện nay làm Quỳnh quan tâm nhất, vì sao?

Ở góc độ người tiêu thụ sản phẩm văn nghệ (dù là truyện, nhạc hay điện ảnh), mong muốn lớn nhất của tôi là được thưởng thức các tác phẩm hay của nghệ sĩ Việt Nam. Tuy vậy, có vẻ sôi động hơn trong thời gian qua, theo mắt nhìn của tôi lại là những chuyện “ngoài văn học” thể hiện qua các trao đổi giữa các nhà văn Việt Nam. Trong năm 2008, số lượng các nhà văn tích cực dùng internet ngày càng nhiều, số lượng trang web thông tin, blog nhà văn cũng nhiều và phong phú hơn trước. Theo dõi những trao đổi, tranh luận của giới nhà văn trong năm 2008 vui lắm, nhiều chuyện để kể, để nhớ hơn hẳn so với các ngành nghệ thuật khác.

* Hiện tại Quỳnh có đang viết (bài hát) gì không?

Thời gian qua tôi viết một chùm ca khúc mới, trong đó có một bài lần đầu viết tặng bà xã, đặt tựa là Thiên thần của tôi. Trong đó có đoạn: Em ở lại với tôi, êm đềm mây trôi tình yêu theo về / Những sắc màu úa phai, tiếng em tôi nhớ hoài / Dẫu cuộc đời đổi thay, tình yêu sẽ không đổi thay. Hy vọng là trong năm 2009, nếu không gặp trục trặc, tôi có thể giới thiệu đến thính giả một số ca khúc mới trong một dự án mới.

Mới chỉ là dự định thôi, nhưng có một ý có thể tương đối thú vị để chia sẻ với chị. Chúng tôi muốn tìm cộng tác với các nhạc sĩ hòa âm tại Anh, hy vọng có một cái gì đó “khang khác”. Trong quá trình mấy tháng liên lạc, trao đổi qua email rồi phone, tôi rút ra được bài học là khả năng làm việc với những nghệ sĩ “xịn” của quốc tế - những cộng sự của Elton John, Kylie Minogue, U2, vân vân - không quá khó như mình tưởng trước đó. Sở dĩ tôi nói vậy là vì đã từng thấy một số dự án “hợp tác” của các nghệ sĩ Việt Nam với những cái tên mà có tra trên google thì mới vỡ lẽ, hoặc chẳng có thông tin gì về họ hoặc hóa ra có mùi “Tây ba lô” chứ không phải “quốc tế” như quảng cáo.

Thông tin cá nhân, các liên lạc những tên tuổi thực sự có vị thế trong làng nhạc Tây phương, bây giờ ta có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Và có thử liên lạc thì mới thấy nhiều người rất dễ gần, và chi phí để có bàn tay chuyên nghiệp của họ không phải là quá cao. Dĩ nhiên, một nhạc sĩ được đề cử Grammy làm album cho một ban nhạc Việt Nam chưa chắc đã hay, vì còn phải tính tới khác biệt văn hóa, xung đột khi thực sự xắn tay vào làm. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là trong “thế giới phẳng” hiện nay, khả năng bắt tay với phần tinh hoa của thế giới dễ dàng hơn trước rất nhiều, mà lẽ ra nghệ sĩ Việt Nam có thể làm được, hơn là vẫn để xảy ra nhiều câu chuyện “ảo” như vẫn thấy cho cả tới bây giờ.

* Cám ơn anh. Chúc Quỳnh và gia đình một năm mới nhiều hứng khởi.

Phạm Thị Thu Thủy (thực hiện qua email)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm