Nhân chứng phút lâm chung của nhà văn Chu Cẩm Phong

30/04/2011 13:39 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sau gần 30 năm kể từ ngày anh hi sinh, nhờ sự tận tâm của bạn bè, đồng đội tập sách Nhật ký chiến tranh dày hơn 900 trang được NXB Văn học ấn hành năm 2000. Nhưng bên cạnh cuốn nhật ký đó, còn rất nhiều điều khác về Chu Cẩm Phong mà có thể nhiều người còn chưa biết đến. Những ngày cuối tháng Tư, tôi trở lại xã Duy Tân (Duy Xuyên, Quảng Nam), nơi 40 năm trước (ngày 1/5/1971), nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Tháng 3/2010, nhà văn Chu Cẩm Phong được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chu Cẩm Phong là nhà văn đầu tiên trong cả nước được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Tìm lại người bạn chiến đấu

Tôi gặp bác Lê Yến ở Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam là người đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của nhà văn Chu Cẩm Phong. Tôi nghĩ có lẽ sẽ rất khó khăn để có thể trò chuyện với một người đã ngoài 70 tuổi, bị lãng tai nặng, phải mang máy trợ thính. Nhưng mới nghe tôi hỏi về Chu Cẩm Phong, bác Lê Yến đã kể rất mạch lạc, sự việc cứ như mới xảy ra ngày hôm qua.

Ông Lê Yến bên bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà văn Chu Cẩm Phong


Sống ở chiến trường khu V chưa đầy 7 năm, trong khoảng thời gian đó đời văn của Chu Cẩm Phong chỉ khoảng 3 năm rưỡi. 3 năm rưỡi thật ngắn ngủi nhưng anh đã đốt cháy mình với những trang văn, với công việc người chiến sĩ trong mỗi khoảnh khắc sống. Mỗi ngày anh dậy lúc 5h30 và làm việc đến 1h30 sáng hôm sau. Mỗi ngày anh có 8 tiếng dành để viết và công tác chuyên môn, 6 tiếng rưỡi dành cho lao động sản xuất và chỉ ngủ 3 tiếng rưỡi mỗi ngày. Anh cho ra đời các tác phẩm: Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt biểnmặt trận, Rét tháng Giêng, Con chị Hiền... Ngày 1/5/1971, từ dưới hầm bí mật thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân), huyện Duy Xuyên, anh bị địch tấn công từ bên trên, anh cùng các chiến sĩ khác chiến đấu kiên cường và anh dũng hi sinh. Cuốn nhật ký của anh dừng lại ở ngày 27/4/1971. Cuốn nhật ký này đã rơi vào tay những người lính “phía bên kia” và số phận của cuốn nhật ký là cả một câu chuyện dài.

Trong ký ức của Lê Yến, Chu Cẩm Phong là một người ít nói nhưng khi đã nói thì nói rất hay, rất súc tích. Bác nói, anh Phong đã gieo vào lòng chúng tôi niềm tin về một ngày chiến thắng. Khi đó chúng tôi chỉ biết có chiến đấu, còn chuyện chiến thắng chúng tôi chưa nghĩ đến, nhưng anh Phong đã khẳng định như đinh đóng cột, rằng mình sẽ thắng, rằng mai mốt cái sân bay này sẽ là của mình thôi anh Yến à và ước gì nó trở thành sân bay lớn nhất miền Trung này thì hay biết mấy - anh Phong đã từng tâm sự như vậy khi cùng Lê Yến dùng ống nhòm quan sát sân bay An Hoà.

Chu Cẩm Phong là người rất tinh tế, nhanh nhẹn, dễ gần, anh không có vẻ gì là một nhà báo. Như lời bác Lê Yến kể thì anh giống như một trinh sát hơn một nhà báo. Do cùng ở một nhà, nên Lê Yến cứ thấy anh Phong ghi ghi, chép chép, tưởng anh Phong đang viết báo cáo gửi về trên. Bác Lê Yến còn kể rằng anh Phong rất xông xáo, không chịu ngồi yên một chỗ, anh Phong cứ đòi Lê Yến cho đi gặp nội tuyến, cho đi sinh hoạt chi bộ cùng. Bác Lê Yến bảo, chất chiến sĩ của Chu Cẩm Phong thể hiện rõ nhất trong những giây phút cuối cùng, trong trận chiến đấu cuối cùng.

Nhà văn Chu Cẩm Phong, tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12/8/1941 tại phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 1964 anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội loại xuất sắc, được nhà trường chọn đi học tiếp ở nước ngoài, nhưng anh đã xung phong vào miền Nam chiến đấu. Anh về lại quê hương đất Quảng, công tác ở Ban Tuyên huấn Khu V, làm phóng viên thông tấn rồi chuyển sang Tiểu ban Văn nghệ khu V.


Lời dặn dò cuối cùng của Chu Cẩm Phong

4h sáng ngày 1/5/1971, địch dội pháo từ Kiểm Lâm - Xuyên Hoà lên rồi chúng cho tàu bay đầu tròn (máy bay trinh sát) quần trên bầu trời Xuyên Phú, biết là địch sắp đổ quân, mọi người tản ra công sự, cách nhà Lê Yến khoảng 100m, Chu Cẩm Phong được Lê Yến thu xếp ở với bác và hai cô Ta, Ca là người của K650 (Ban Lương thực Quảng Đà) - mọi người chuẩn bị chống càn.

Khoảng 8h sáng, anh Nguyễn Tiềm cùng Nguyễn Đình Nguyên là cán bộ an ninh huyện chạy lên, hầm của các anh ở dưới Xuyên Hoà bị lộ nên phải chạy lên đây. Cùng đi với anh Tiềm và Nguyên còn có Mai Văn Mai - du kích xã. Công sự mà Lê Yến và mọi người đang ở chỉ đủ cho 4 người nhưng với tình thế nguy cấp như vậy thì thêm người cũng là chuyện bình thường. Trên mặt hầm máy bay địch bắt đầu quần. Có lẽ chúng đã “đánh hơi” thấy mục tiêu.

Khi mọi người đang lo lắng không biết hầm đã bị lộ hay chưa thì anh Phong bảo mọi người “Các đồng chí hãy bình tĩnh, khi mô hắn phát hiện thì mình chiến đấu, mất bình tĩnh làm sẩy cò thì nguy và nếu lộ thì không được đầu hàng, không được tự sát, phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”. Khi địch phát hiện miệng công sự, chúng liên tục thả lựu đạn xuống hầm thì anh Phong vẫn bình tĩnh xé tài liệu và vùi đất giấu sổ tay (mãi sau này chúng tôi mới biết cuốn sổ tay đó là cuốn nhật ký cuối cùng của anh) anh cũng bảo mọi người ai có tài liệu gì thì huỷ hết, không được để rơi vào tay địch, khuyên cô Ta và cô Ca đã bị thương cố gắng chịu đựng đừng rên. Cứ nghĩ anh căn dặn mọi người như vậy thì có lẽ anh không hề hấn gì khi bị mảnh của quả lựu đạn đầu tiên găm vào chân, nhưng không phải, sau khi dặn dò mọi người xong, anh ngất đi và khi đó mọi người mới phát hiện anh không chỉ bị thương ở chân mà còn bị một vết sâu chỗ thắt lưng, máu chảy dầm dề. Trước khi tắt thở, anh Phong còn nói lại với Lê Yến một câu “Anh Yến à, nếu anh còn sống, anh hãy nhớ rằng tôi quê ở Hội An”.

Bác Lê Yến kể, khoảng 2h chiều hôm đó, bọn địch phá banh hầm kéo xác anh em lên. Lúc này tôi còn tỉnh nhưng giả chết. Nguyên mê man, Ngọc đã lả người vì khói thuốc súng và đói. Kéo được ai lên, chúng ném xuống suối. Thấy ai ngọ nguậy chúng kéo lên bờ. Chúng trói tay cột chung tôi, Ngọc và Nguyên vào một gốc mít gãy cạnh suối. Ba xác chết nằm dưới suối cạn không còn một mảnh quần áo, da dẻ đen sì, máu me nhầy nhụa. Thương nhất là hai cô y sĩ Ta và Ca. Đêm đó, bọn địch co cụm lại ở xóm gò phía trong thôn Vinh Cường. Chúng kéo ba anh em tôi vào cột chỗ bụi tre, gần nơi chúng chốt quân. Đêm khuya, chúng tôi lừa sự sơ hở của địch và trốn được nhưng Ngọc, Nguyên bị bắt lại.

Kỳ 2: Những dòng thư tình trong chiến tranh của Chu Cẩm Phong 

Khiếu Thị Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm