Lễ cầu siêu cho các tôn thất nhà Lý

16/04/2010 08:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đại lễ cầu siêu cho hơn 70 tôn thất nhà Lý tại Bãi Sập (Đông Anh, Hà Nội) sẽ diễn ra vào sáng nay 16/4, cho dù không được tổ chức với quy mô lớn và có sự tham gia của đại diện dòng họ Trần như kế hoạch ban đầu.

Trước đó, chiều 15/4, lễ tiếp linh (rước vong linh về) cho các tôn thất nhà Lý đã được tổ chức tại chùa Phúc Lâm và Bãi Sập (đều thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Tương truyền, Bãi Sập chính là nơi xảy ra sự kiện Trần Thủ Độ chôn sống hơn 70 tôn thất nhà Lý năm 1232 (được Đại Việt sử ký Toàn thư ghi lại). Khu vực này hiện là một bãi đất khá rộng, được dòng tộc nhà Nguyễn gốc Lý tại Mai Lâm tổ chức xây dựng một đền thờ có tên Lý Gia Lăng cách đây vài năm.


Cổng chào vào khu Bãi Sập
Hiện nay, tại xã Mai Lâm có vài chục hộ gia đình họ Nguyễn gốc Lý. Theo gia phả ghi lại, đó chính là hậu duệ của dòng họ Lý, đã được đổi sang họ Nguyễn từ thời Trần để tránh nạn. Ông Nguyễn Quốc Hưng, 65 tuổi, đại diện dòng họ Nguyễn gốc Lý cho biết: Tương truyền, ngày 3/3 Âm lịch chính là ngày các tôn thất nhà Lý gặp nạn. Bởi vậy, mọi năm họ tộc chúng tôi đều tổ chức lễ tế vào dịp này tại Bãi Sập. Riêng năm nay, với sự giúp đỡ của chính quyền thành phố, chương trình được tổ chức ở quy mô lớn hơn và có dựng đàn cầu siêu.

Được sự quan tâm như vậy, chúng tôi rất phấn khởi. Còn những gì đã diễn ra trong lịch sử là chuyện đã rồi. Trên thực tế, dòng họ Nguyễn gốc Lý không giữ lại cho mình một chút oán hận gì trong lòng cả - ông Hưng cho biết. Theo lời ông, lễ cầu siêu cho dòng họ Lý sẽ diễn ra tới hết ngày 17/4/2010 và có sự tham gia của khá đông con cháu dòng họ Lý, trong đó có cả những người đang định cư ở nước ngoài.

Theo dự kiến từ trước, lễ cầu siêu này còn mang tính chất “hòa giải oan khuất giữa hai dòng họ”, trong đó ban tổ chức sẽ “rước vong” tổ tiên nhà Trần từ đền Trần (Nam Định) cùng về Bãi Sập để dự lễ cầu siêu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thay đổi và không diễn ra như dự kiến. Trao đổi với TT&VH, GS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) cũng không tán thành ý tưởng này. Hãy để lịch sử ngủ yên, hai họ Lý - Trần bây giờ có mâu thuẫn gì đâu mà cần hòa giải - ông Biền nói - Cách đặt vấn đề “hòa giải dòng tộc” như vậy có thể xuất phát từ thiện chí, nhưng nếu tổ chức và tuyên truyền thái quá thì lại dễ gây phản tác dụng.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm