Nick Dodd: Nếu không có ý tưởng nghệ thuật tốt, đừng làm festival!

07/04/2010 07:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nick Dodd là chuyên gia tổ chức festival nghệ thuật hàng đầu Anh quốc và châu Âu. Ông vừa có mặt tại Hà Nội để truyền đạt những kinh nghiệm cơ bản trong quản lý và tổ chức festival nghệ thuật cho các đồng nghiệp Việt Nam “chân ướt chân ráo” vào nghề.


 Một hoạt động trong lễ hội
Brighton (Anh quốc)

* Ông dường như đã ngạc nhiên một cách thích thú khi biết rằng ở Việt Nam mỗi năm hiện tại có khoảng 8.000 lễ hội, trong khi ở nước Anh con số này chỉ khoảng 100?


- Con số 100 lễ hội hàng năm ở nước Anh mà tôi đề cập đến là các lễ hội nghệ thuật (art festival). Sang Việt Nam tôi mới biết thêm rằng chữ “festival” mà các bạn dịch là “lễ hội” có nhiều nghĩa khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau. Chữ festival hay lễ hội cần phải hiểu theo hai nghĩa, bao gồm các lễ hội truyền thống và các lễ hội nghệ thuật. Tôi biết rằng lễ hội ở Việt Nam trước đây chủ yếu là lễ hội truyền thống.

Sang Việt Nam tôi cũng biết thêm một khác biệt nữa về lễ hội, theo tôi đó là một khác biệt lớn. Ở nước Anh chúng tôi nhà nước không trực tiếp đứng ra tổ chức lễ hội, mà chỉ hỗ trợ, có thể hỗ trợ kinh phí tổ chức thông qua các quỹ. Các lễ hội nghệ thuật ở Anh hầu hết đều xuất phát từ ý tưởng của cá nhân các nghệ sĩ và đôi khi từ phía các nhà sản xuất sự kiện, lễ hội.

* Chúng tôi (Việt Nam) đã có quá nhiều lễ hội truyền thống, vậy theo ông có cần thêm các lễ hội đương đại như vậy nữa hay không? Con số 8.000 lễ hội một năm kéo theo nhiều con số to hơn nhiều (kinh phí, thời gian, con người.v.v.) đang khiến không ít người trong chúng tôi “rùng mình” đấy.

- Tôi biết ở đây các bạn đang làm rất nhiều loại lễ hội khác nhau. Tới đây tôi chỉ là một vị khách, tuy nhiên tôi muốn nói là với festival nghệ thuật, các bạn có thể làm một cái gì khác với lễ hội truyền thống, phản ánh được văn hóa đương đại, mang hơi thở của đời sống đương đại.

Thời gian gần đây, trên thế giới, festival nghệ thuật đang bùng nổ như một xu thế. Có nhiều lý do dẫn tới thực tế này.

Trước tiên, vì khán giả, vì công chúng rất thích. Trong các festival như vậy thường có một loạt hoạt động nghệ thuật diễn ra tại một điểm cố định, dễ tạo sự phấn khích cho công chúng. Công chúng của festival đa dạng, thuộc đủ mọi lứa tuổi, song thời gian tới đây, xu hướng của các festival hướng tới mục tiêu là khán giả trẻ, bởi vì đó chính là lớp khán giả tương lai của nghệ thuật sau này.

Các nghệ sĩ cũng rất thích festival nghệ thuật, vì nó mang lại cơ hội giới thiệu tác phẩm mới tới công chúng, cơ hội giới thiệu những thử nghiệm mới, cơ hội kết nối với các nghệ sĩ khác và cả cơ hội... kiếm tiền nữa.

Các thành phố cũng rất thích festival bởi festival làm cho những địa phương tổ chức trở nên sôi động, cuốn hút du khách khắp nơi. Thành phố thể hiện mình nhất chính vào thời điểm tổ chức festival. Ngoài thu hút khách du lịch, festival còn làm phong phú hơn đời sống văn hóa của người dân sở tại. Trong khuôn khổ nhiều festival còn có những khóa học về nghệ thuật dành cho giới trẻ, có các hoạt động ngoại khóa thu hút người dân tham gia... Tóm lại, festival có thể làm cho thành phố có tính cộng đồng hơn- khiến người dân tự hào hơn về địa phương mình, đồng thời tăng cường danh tiếng trong khu vực và quốc tế - chìa khóa thu hút khách du lịch, có khả năng mang lại nguồn thu lớn. Lợi nhuận kinh tế từ các festival nghệ thuật danh tiếng rất hấp dẫn. Ví như festival Brighton (ở Anh) mang lại cho Tòa thị chính thành phố này khoảng 20 triệu bảng, tức 40 triệu USD/năm; Notting Hill Carnival (ở London) thu về 93 triệu bảng chỉ trong 3 ngày tổ chức, còn festival Edinburgh kéo dài 1 tháng thì mang lại tới 184 triệu bảng cho nền kinh tế Scotland.

* Nghe thật hấp dẫn thưa ông. Nhưng muốn tổ chức festival thành công, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa như thế cần những điều kiện gì?

- Theo tôi cần có ba điều kiện: Thứ nhất là bạn phải có sự ủng hộ của chính quyền (nhà nước, địa phương). Thứ hai, bạn phải chọn được đúng nơi tổ chức festival. Tôi nghĩ Hà Nội là một địa chỉ tốt để tổ chức festival. London có nhược điểm là lớn quá, sẽ khó khăn để có một không gian tổ chức vừa đủ, có điều kiện kết nối các sự kiện, kết nối nghệ sĩ và công chúng. Và thứ ba, công chúng ở đó thích những điều mới, thích khám phá.

Thêm một điều kiện nữa với một festival, đó là phải có ý tưởng. Nếu không có ý tưởng tốt thì không nên làm.

Festival âm nhạc Glastonbury của nước Anh được ví như một đại nhạc hội Woodstock (Mỹ) là sáng kiến của ông nông dân Michael và cô con gái. Thung lũng vốn ngày thường dành để... chăn bò của gia đình Michael được sử dụng làm địa điểm tổ chức liên hoan nhạc pop thu hút tới 250.000 người tham dự. Các ban nhạc, các nghệ sĩ sẽ tự dựng sân khấu và biểu diễn, còn khán giả (đa phần trẻ) thay vì ở khách sạn họ sẽ ở trong những chiếc lều tự dựng!

* Cần bao nhiêu thời gian để một festival thành công, cụ thể ở trường hợp Brighton Festival, mất bao lâu để đưa nó trở thành một festival nghệ thuật hàng đầu Anh quốc?

- 43 năm. Đó là đối với một festival lớn. Tôi nghĩ thông thường phải mất 3-4 năm để nghiên cứu, khám phá thị trường. Vì đây là nghệ thuật, không phải khoa học, nên dễ mắc lỗi và sai lầm lắm.

* Các festival được tổ chức thời gian gần đây ở Việt Nam ít được đánh giá sự thành công qua lợi nhuận kinh tế. Theo ông, điểm gì là thước đo của một festival được xem là thành công?

- Ở Anh, festival thành công được đánh giá qua nhiều yếu tố: chất lượng chương trình, số lượng công chúng tham gia. Số lượng công chúng tham gia đông dĩ nhiên là một thành công, nhưng cũng có những festival ít công chúng song vẫn được xem là thành công do tính sáng tạo. Một festival thành công nhờ vào chương trình tốt, chiến dịch huy động kinh phí và quảng bá tốt, nhưng nói chung, chất lượng nghệ thuật vẫn là yếu tố hàng đầu. Bởi vậy muốn có một festival thành công, chất lượng nghệ thuật luôn phải được đặt lên vị trí số 1.

* Còn điều gì là khó khăn nhất cần phải vượt qua khi tổ chức festival thưa ông?

- Khó khăn nhất luôn luôn là vấn đề kinh phí. Thường thì ở Anh, các festival có thể kiếm kinh phí tổ chức từ nhiều nguồn. Một số rất ít những festival lớn có tài trợ khoảng 1 triệu bảng, một festival tốt có thể nhận được tài trợ khoảng 100.000 bảng, trung bình thì ở mức 25.000 bảng, nhiều festival tài trợ chỉ dao động trong khoảng 5.000 đến 10.000 bảng thôi. Thời gian gần đây do cạnh tranh, mức tài trợ cho các festival giảm đi rất nhiều, nhiều khi gần như... không có gì. Có một thực tế là nếu bạn đã chấp nhận mức tài trợ thấp thì không bao giờ bạn có thể có được khoản tài trợ giá cao cả.

* Đó cũng là một thực tế ở Việt Nam hiện nay. Ông cho rằng chất lượng nghệ thuật là số 1 của các festival, nhưng nếu không nhượng bộ các nhà tài trợ thì lấy đâu ra tiền cho chất lượng nghệ thuật? Từng giữ vị trí giám đốc nghệ thuật và giám đốc thương mại của Brighton Festival, ông giải quyết mâu thuẫn này ra sao?

- Ngày nào tôi cũng phải giải quyết chuyện này, đó là công việc của tôi mà. Nhưng suy cho cùng, chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu. Có thể nhượng bộ tí xíu khi mới bắt đầu, nhưng tôi vẫn muốn khẳng định lại, chất lượng của festival nằm ở chất lượng nghệ thuật và chính chất lượng festival sẽ hấp dẫn các nhà tài trợ.

* Để “nâng cấp” chất lượng tổ chức các lễ hội lớn ở Việt Nam hiện nay, có ý kiến cho rằng chúng tôi còn thiếu một tổng đạo diễn, một giám đốc điều hành chuyên nghiệp, xứng tầm, vì vậy tốt nhất là nên thuê chuyên gia nước ngoài. Đã từng tham gia tư vấn tổ chức festival quốc tế cho một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Indonesia..., ông thấy quan điểm này thế nào? Giả sử, nói vui, nếu được mời làm giám đốc điều hành, ví dụ, Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông có nhận lời không?

- Như đã nói, có một sự khác biệt lớn trong tổ chức festival ở phương Tây với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đó là, nếu ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, tương tự Việt Nam, các festival thường do nhà nước, chính quyền đứng ra tổ chức thì ở phương Tây thường xuất phát từ ý tưởng của các nghệ sĩ. Vì sự khác biệt văn hóa này nên các nhà tổ chức festival phương Tây nếu có làm cùng các bạn cũng gặp khó khăn đấy. Bởi vậy, theo tôi, thời gian đầu có thể mời chuyên gia cố vấn nước ngoài giúp đỡ về kinh nghiệm tổ chức, nhưng về cơ bản các bạn phải là nhân vật chính trong các festival của mình, vì hơn ai hết, các bạn là người hiểu về văn hóa của mình.

Còn câu hỏi sau khó quá! Tôi sẽ nhận lời, nhưng đó là 1001 năm (cười). Tôi đùa đấy. Thực sự thì cần một thời gian khá dài để chuẩn bị cho một festival. Ít nhất, kế hoạch chi tiết của festival phải được công bố 6 tháng trước khi nó diễn ra để thu hút khách du lịch. Và để có chương trình công bố này, thì bạn cần tới 2-3 năm cho sự chuẩn bị.

* Xin cảm ơn ông.

P.T.T.T (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm