Pháo hoa sẽ trở thành “đặc sản” của Đà Nẵng?

05/04/2010 09:24 GMT+7 | Văn hoá

Festival - Lễ hội của đương đại

Cuối tuần qua, du khách thập phương ùn ùn kéo nhau về Đà Nẵng chờ đón festival pháo hoa quốc tế lần thứ ba. Cùng ngày, bờ biển Vũng Tàu chào đón Festival Diều quốc tế lần thứ hai. Và ở Triển lãm Giảng Võ, Festival âm nhạc đương đại quốc tế mang tên Âm thanh Hà Nội lần thứ ba thu hút sự quan tâm của khá đông bạn trẻ và công chúng âm nhạc thủ đô. Cùng với hàng loạt những Festival hoa (Hà Nội, Đà Lạt), Festival lúa gạo (Hậu Giang), Festival dừa (Bến Tre).v.v., các festival nói trên, khởi đầu từ Festival Việt-Pháp được tổ chức năm 1992 (tiền thân của Festival Huế từ năm 2000) đang hình thành một xu thế “lễ hội đương đại” bên cạnh những lễ hội truyền thống trước đây. 

Diễn ra tại một ngôi làng nhỏ ở biên giới Anh và Scotland (Hay-On Wye) Hay Festival là một festival đặc biệt dành cho sách. Mỗi lần đến festival, ngôi làng nhỏ này gần như biến đổi hoàn toàn vì du khách kéo đến rất đông. Nhờ thế mà nó thu hút được rất nhiều nhà tài trợ. Lễ hội sách không diễn ra tại một địa điểm cụ thể nào: cả ngôi làng biến thành những lều sách, sách được bày ngay trên thảm cỏ .v.v...

Khởi phát từ phương Tây – bản thân khái niệm “festival” (hay lễ hội) cũng được lấy từ ngôn ngữ phương Tây, festival đang được chào đón nồng nhiệt từ các địa phương, như một “chìa khóa vàng” để... truyền hình trực tiếp, quảng bá thương hiệu và thu hút khách du lịch. Nhưng xem ra, không may mắn hơn phong trào khôi phục “trên cả mong đợi” các lễ hội truyền thống dân gian gây nên bao bức xúc trong dư luận thời gian qua, các festival “nửa Tây nửa Ta” cũng tạo nên khối chuyện bi hài như nạn cướp hoa trong Lễ hội Hoa Hà Nội, nạn “sân khấu hóa” trong hầu hết các lễ hội địa phương...

“Trừ Festival Huế, chưa có liên hoan, lễ hội nào hiện nay (ở Việt Nam) có tính nghệ thuật và tính quốc tế cao”.

Ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL.

Chuyên đề tuần này sẽ không trở lại với những câu chuyện muôn năm cũ về lễ hội nói trên, mà là những câu chuyện mới. Đó là chuyện của những người làm Festival Pháo hoa Đà Nẵng, từ một ý tưởng và quyết định táo bạo để “chơi ngông” (bắn pháo hoa tiền tỷ, đâu phải chuyện đùa) đến thành công thu hút nhiều nhà tài trợ chỉ sau 3 năm tổ chức.

Đó là chuyện của Trí Minh, một nghệ sĩ âm nhạc đương đại, cùng những người bạn của anh tự thân đi vận động, gom góp tiền của nhiều tổ chức để tạo ra một liên hoan âm nhạc quốc tế, thu hút tới gần 80 nghệ sĩ quốc tế từ khắp nơi trên thế giới tham gia.

Và đó là chuyện của Nick Dodd, chuyên gia tổ chức festival nghệ thuật quốc tế, từng là Chủ tịch Hiệp hội Festival Nghệ thuật Anh và Hiệp hội Festival quốc tế và Sự kiện châu Âu, Tổng giám đốc hai festival nghệ thuật hàng đầu nước Anh là Brighton Dome và Brighton Festival trong suốt 8 năm liền.

Tổ chức chuyên đề: PHẠM THỊ THU THỦY


(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2010 (DIFC 2010) vừa khép lại với những con số ấn tượng: hơn 25 tỷ đồng tài trợ, thu hút khoảng 70.000 lượt người xem (tăng 40% so với năm 2009). Đúng như mong muốn của lãnh đạo TP Đà Nẵng, sau ba năm, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đã trở thành “thương hiệu” riêng của thành phố này.

1. Cũng giống như nhiều thành phố trên thế giới từng tổ chức các lễ hội pháo hoa quy mô quốc tế (như Sydney – Australia, hay Malaysia…), Đà Nẵng cũng mong muốn được quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Năm 2007, ý tưởng tổ chức cuộc thi được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đưa ra. Thời điểm đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý cho phép Đà Nẵng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế vào năm 2008 nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn mới cho miền Trung. Nhưng “điều kiện” là: kinh phí tổ chức từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp và không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Ở cuộc thi lần đầu tiên, để thực sự hấp dẫn du khách, bên cạnh cuộc thi, Đà Nẵng còn tổ chức một số hoạt động lễ hội văn hóa, nghệ thuật, thể thao, các hoạt động lễ hội biển, các tour carnaval và liên kết các chương trình Festival văn hóa phố cổ Hội An, cố đô Huế… Có vẻ, ban đầu Đà Nẵng chưa “tự tin” lắm với ý tưởng “táo bạo” này.

Năm 2008, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề Vũ điệu Tiên Sa được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV trong sự ngạc nhiên của không ít khán giả xem truyền hình. Những màn trình diễn ánh sáng thật ấn tượng. Song, ông Ngô Quang Vinh – Giám đốc Sở VH-TT-DL thành phố Đà Nẵng – cho hay, BTC cuộc thi đã gặp không ít khó khăn từ phía báo chí và công luận khi có ý kiến rằng chi hàng chục tỷ đồng để tổ chức cuộc thi pháo hoa trong vài giờ đồng hồ là một sự xa xỉ. Nhớ lại thời điểm đó, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi có ý tưởng xây dựng một thành phố môi trường và thành phố du lịch. Việc tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng và thu hút du khách đến với thành phố này. Chúng tôi nghĩ việc tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hàng năm bằng nguồn kinh phí vận động tài trợ chứ không sử dụng ngân sách là một chủ trương đúng. Thủ tướng Chính phủ rất hoan nghênh sau thành công của cuộc thi đầu tiên tổ chức vào tháng 3/2008 và đã cho phép tổ chức cuộc thi này thường niên mang “thương hiệu” riêng của Đà Nẵng”.

Năm 2009, với chủ đề Âm vang sông Hàn, DIFC tái ngộ khán giả khá ấn tượng. Nhưng BTC chỉ phát vé mời mà không bán vé khiến không ít du khách bỏ tiền tới tận Đà Nẵng xem pháo hoa mà vẫn không vào được khu vực khán đài…

2. Năm 2010, DIFC được Chính phủ chọn là 1 trong 7 sự kiện của các địa phương hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (cùng với Festival Biển ở Vũng Tàu, Lễ hội Carnaval biển Quảng Ninh, Festival Gốm sứ Bình Dương...). Theo thời gian, số tiền tài trợ cho cuộc thi cũng tăng dần. Năm 2008 là 20 tỷ đồng, năm 2009 là khoảng 23 tỷ đồng và năm 2010, số tiền tài trợ lên tới hơn 25 tỷ đồng. Ngoài nguồn vận động tài trợ, Đà Nẵng cũng đã dần tính đến việc tạo nguồn thu trực tiếp từ việc tổ chức cuộc thi. Khán đài xem pháo hoa được xây làm hai khu: khán đài A với sức chứa khoảng 10.000 chỗ/đêm dành cho khách mời, khán đài B với sức chứa 15.000 chỗ/đêm với giá vé 200.000 đồng/đêm. Từ ngày 22 đến 29/3, VietnamAirlines đã tăng tới gần 50 chuyến bay/ngày vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách trong dịp này. Nhiều công ty du lịch tỏ ra tiếc rẻ vì nếu có thêm chuyến bay, có thêm phòng ở, chắc chắc khách đi tour đến Đà Nẵng xem pháo hoa sẽ tăng hơn nữa.

Ông Ngô Quang Vinh cho biết, năm 2011, thành phố Đà Nẵng sẽ tính tới việc mời thêm các đội thi, kéo dài thời gian trình diễn để du khách cũng có thể lưu trú lâu hơn. Phương châm của Đà Nẵng là thu hút du khách bằng nghệ thuật. Đà Nẵng sẽ là cửa ngõ, điểm nhấn văn hóa của cả dải miền Trung – Tây Nguyên.

Hoàng Lê
Bài 2: Trí Minh và Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2010

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm