Tòa nhà cao nhất thế giới bị chỉ trích

10/01/2010 09:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhiều kiến trúc sư (KTS) Đức đã chỉ trích tháp Burj Khalifa mới khánh thành - công trình kiến trúc cao nhất thế giới - là “chỉ thể hiện quyền lực của đồng tiền”.

Tòa nhà này đã được đổi tên từ Burj Dubai thành Burj Khalifa nhằm tôn vinh Tổng thống UAE Sheikh Khalifa. Chủ công trình - tập đoàn Emaar Properties - nhận định rằng Burj Khalifa “báo trước một bình minh mới cho Dubai”.

Tuy nhiên, cần nhớ là tòa nhà cao 828m tiêu tốn hơn 1 tỷ euro nói trên được xây dựng vào thời điểm Dubai ngập trong những khoản nợ lớn. “Không ai biết được kế hoạch hết sức phô trương của các ông hoàng A-rập rồi sẽ đi tới đâu” - Christian Baumgart, Chủ tịch Hội KTS Đức (DAI), nói.


Burj Khalifa rực sáng trong đêm khánh thành (trái), được coi là
biểu tượng cho những hoài bão của Dubai (phải)

Quyền lực của đồng tiền

Cấu trúc bằng bê tông, kính và thép này được coi là biểu tượng cho những hoài bão của Dubai. “Bạn có thể hỏi tại sao chúng tôi lại xây dựng Burj Khalifa. Xin trả lời rằng, mục đích của việc này là để mang nụ cười tới cho người dân và chúng tôi nên tiếp tục làm như vậy” - Mohamed Alabbar, Chủ tịch Emaar Properties, nói với báo giới - “Khủng hoảng xảy ra nhưng nó sẽ kết thúc. Chúng tôi xây dựng công trình này cho nhiều năm tới... Chúng ta phải hy vọng và lạc quan”.

Thế nhưng những quan ngại về khoản nợ tới 100 tỷ USD của Dubai, cộng với thực tế là tòa tháp được xây dựng trong những năm mà thị trường bất động sản toàn cầu bùng nổ nhưng lại hoàn tất khi lĩnh vực kinh doanh này đang đi xuống, đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về mức độ phô trương của dự án. KTS Meinhard Von Gerkan, người thiết kế nhà ga xe lửa trung tâm Berlin, cho rằng Burj Khalifa là “một biểu tượng vô nghĩa về kinh tế, tượng trưng cho quyền lực của đồng tiền”. Theo Gerkan, các tòa nhà với những chi phí bảo dưỡng và xây dựng cao như vậy không bao giờ thu được lợi nhuận. Còn trên website của DAI, ông Baumgart đặt ra câu hỏi sự hoang phí của dự án này sẽ dẫn tới đâu. “Kiến trúc là tính đến giá trị chứ không được xác định bởi độ cao và sự hoành tráng”.

Một ví dụ tồi cho châu Âu

Baumgart nói rằng tòa tháp này tạo nên một sự cảnh báo cho các nhà xây dựng ở châu Âu: “Một “sa mạc” kính và bê tông cốt thép thật khó có thể được coi là sự đóng góp về mặt xây dựng trên thế giới. Ở châu Âu, người ta chú trọng tới việc tân trang và nâng cấp các công trình đang tồn tại nhiều hơn”.

Thực tế cho thấy, các thách thức ở châu Âu là không phải sáng tạo nhiều để xây dựng những công trình cao hơn mà người ta hướng sự chú tâm tới việc trùng tu. Bên cạnh đó, việc các công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả và tạo ra môi trường sống, làm việc lành mạnh cũng là những yếu tố được xem trọng.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm