04/11/2012 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Người Việt viết văn ở Nga phần lớn lặng lẽ. Họ góp phần tạo nên dòng văn học xa xứ của người Việt, với nhiều suy tư, trăn trở về cuộc sống của chính mình và về nước Nga ngày nay.
Cuộc tọa đàm có chủ đề Văn học người Việt ở Liên bang Nga - một chặng đường diễn ra tại Hà Nội chiều 2/11 vừa qua.
Người trẻ nhất trong buổi gặp mặt là dịch giả Thụy Anh, sinh năm 1974. Nhưng thâm niên gắn bó với nước Nga của chị cũng không hề thua kém các bậc “trưởng lão”, gần 20 năm. Chị bắt đầu viết ở Nga từ năm 18 tuổi và hiện tham gia Quỹ Hỗ trợ Quảng bá văn học Việt Nam - Nga.
|
Có những chi tiết được đưa vào văn, như một cựu chiến binh mang chiếc huân chương thời trước để bán lấy 300USD để sinh sống, theo lời kể của dịch giả Thụy Anh. Nhân vật đã mặc cả “rất kinh”, nhưng sau khi bán xong, trên đường quay về, anh ta đã khóc nức nở (không rõ vì giá thấp hay vì luyến tiếc). Người mua cũng chảy nước mắt. Đó là một cái kết nhiều ý nghĩa.
Nhiều người không chấp nhận được chi tiết này, nhưng nó chính là hiện thực nước Nga và nhà văn phải viết. Trân trọng quá khứ là đáng trọng, nhưng không chỉ sống với quá khứ. Dịch giả Thụy Anh đọc những câu thơ chị viết khi rời nước Nga về Việt Nam năm 2008: “Thêm tuổi đời tôi càng hiểu người hơn/ Bao thất vọng không còn cay đắng nữa/ Bao chuyện thế thời không làm tôi bỡ ngỡ/ Chỉ tình yêu vẫn thế, vẫn nguyên sơ”.
Có một dòng văn học xa xứ?
Đó là câu hỏi mà dịch giả Thụy Anh, người dẫn chương trình, đặt ra cho các khách mời - những nhà văn, nhà thơ, dịch giả Việt Nam gắn bó với nước Nga. Câu hỏi thứ hai là “Văn chương của người Việt xa xứ có giá trị văn học, nghệ thuật không hay chỉ có giá trị tư liệu?”.
Với cả hai câu hỏi, khi TT&VH trao đổi với dịch giả Thúy Toàn - người chủ trì cuộc gặp mặt, ông đều trả lời có, và nói thêm: “Gọi là mảng văn học xa xứ thì đúng hơn, vì dòng văn học thường phải có những đặc điểm chung về phong cách sáng tác”.
“Mảng văn học này không chỉ của riêng người Việt ở Nga, mà là người Việt ở khắp các nước trên thế giới. Trong số đó, cộng đồng văn chương người Việt ở Nga là có tổ chức nhất, mạnh nhất, đông nhất. Trong số vài chục ngàn người Việt sinh sống ở Nga thì có khoảng vài ba chục người viết văn. Có thể kể đến Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Kim Hiền…”.
Nhưng, dịch giả Thúy Toàn cũng nhận định, cộng đồng văn chương người Việt ở Mỹ đang dần lớn mạnh và phức tạp hơn về quan điểm chính trị so với ở Nga. Có những người đến Mỹ trước hoặc sau năm 1975.
Người Việt Nam ở Nga bắt đầu sáng tác văn chương từ những năm 60 của thế kỷ trước, theo ghi nhận của Thúy Toàn. Chính từ sau khi Liên Xô sụp đổ thì lớp người viết xa xứ lại càng phát triển lớn mạnh. “Vì lúc đó cộng đồng người Việt ở Nga không chỉ có mỗi việc học tập mà còn phải làm ăn, buôn bán để sinh sống. Lúc đó mới thực sự sống đa dạng, mới nhìn ra nhiều vấn đề để viết”, ông nói.
“Nếu đọc thì sẽ thấy trong đó nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Chẳng hạn, Võ Thị Thu Trang có những câu thơ để đời” - dịch giả Thúy Toàn nhận định.
Người Việt yêu nước Nga
Bất chấp khác biệt phương Đông - phương Tây, xứ nóng - xứ lạnh và cả về diện tích, đã có một thời tâm hồn Việt Nam và tâm hồn Nga tìm được sự đồng điệu, không hẳn là tuyệt đối, nhưng dường như tri kỷ, tri âm.
Ông Hồ Anh Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga, lý giải: “Không phải vì lý do chính trị mà vì tình cảm, sự nồng hậu, giản dị. Và hơn hết là coi khinh sự xa hoa. Người Việt yêu dân tộc Nga, yêu văn hóa Nga cũng chính là yêu dân tộc mình, yêu văn hóa mình”.
Hình ảnh “màu tím hoa sim” trong thơ Hữu Loan cũng từng xuất hiện trong thơ ca Nga. Hình ảnh các chàng trung úy trẻ đẹp trai qua đôi mắt lãng mạn của các cô lính thông tin (Nga) hoặc thanh niên xung phong (Việt Nam) trong văn chương, nghệ thuật hai nước thì nhiều.
“Tiếng Nga còn phù trợ cho chúng ta”
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi bày tỏ nỗi đau của ông khi nước Nga, tiếng Nga bị “bỏ rơi, quay lưng ngay trên chính xứ sở này (Việt Nam)”. “Khi tiếp cận, tôi thấy văn chương người Việt tại Nga đúng là một hiện tượng văn học, mà rất tiếc ở ta, Hội Nhà văn chưa “bao” được”.
“Các bạn (những người sáng tác) đã giữ vững nhịp cầu tình cảm giữa Việt Nam và Nga, trong khi nhiều người đã quên rằng tiếng Nga từng mang văn hóa đến cho chúng ta. Năm 1997, khoa tiếng Nga của Đại học Ngoại ngữ vốn có hàng trăm sinh viên, thế mà năm ấy phải hạ điểm chuẩn 3 môn xuống còn 14 điểm nhưng chỉ tuyển được rất ít sinh viên. Khi đó, tôi đã viết một bài trên báo Lao động, nhan đề: Xin hãy thủy chung với tiếng Nga”.
“Có một điều tôi tin chắc, nếu ta không phụ tiếng Nga thì tiếng Nga còn phù trợ cho chúng ta”, lời nhà giáo Vũ Thế Khôi.
Tiếng Nga và văn hóa Nga trong đời sống Việt Nam hiện nay đang hồi sinh với nhiều tín hiệu tốt lành, dẫu vẫn còn hết sức khó khăn. Họ, những con người vẫn nặng tình với nước Nga trong buổi gặp mặt, hầu hết 60, 70 tuổi và có thể còn hơn nữa. Như dịch giả Thúy Toàn nói đùa: “Chúng tôi hết đát rồi”, bạn ông là Vũ Thế Khôi đế thêm: “Sắp sửa đi Văn Điển cả rồi”.
Phải chờ đợi ở những người trẻ như lứa của Thụy Anh. Trao đổi với TT&VH, chị đùa mà cũng là thật: “Như tôi thì không gọi là trẻ nữa, hội nghị nhà văn trẻ có được mời đi đâu. Mọi người bảo những người như tôi là lứa sung sức”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất