29/10/2012 13:43 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Vừa qua, Tripadvisor – một website chuyên đánh giá chất lượng các điểm du lịch có uy tín trên thế giới - đã trao chứng chỉ "Xuất sắc" (Excellence) năm 2012 cho 3 bảo tàng: Dân tộc học Việt Nam; Phụ nữ Việt Nam và Mỹ thuật Việt Nam.
Để phát huy được những điểm sáng đó và những kinh nghiệm làm bảo tàng nhằm tạo thói quen đến bảo tàng của người dân Việt Nam, TT&VH đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Huy - Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.
Từ lâu, hệ thống bảo tàng Việt Nam bị xem là thiếu hấp dẫn, nhiều bảo tàng thời gian dài không có khách đến thăm, nhưng bảo tàng vẫn có thể lôi cuốn được đông đảo công chúng nếu biết "kể một câu chuyện hấp dẫn" – PGS Nguyễn Văn Huy nhận định.
Vì sao công chúng quay lưng với bảo tàng?
* Theo ông, điều gì ở 3 bảo tàng trên đã tạo được sức hút với du khách, nhất là du khách nước ngoài?- Ba bảo tàng đó đã có sự đổi mới không ngừng trong quá trình vận hành. Ví dụ, từ khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đi vào phục vụ công chúng, đến tháng 11 này là vừa tròn 15 năm, bảo tàng đã liên tục tổ chức những sự kiện trưng bày thường xuyên, đổi mới cách thức trưng bày chuyên đề để tăng cường sự giao lưu và trải nghiệm cho công chúng khi đến đây.
Hai năm vừa qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tạo được bộ mặt hoàn toàn mới trong phục vụ công chúng, hấp dẫn từ ngoài vào trong. Ngay từ cổng bảo tàng đã có những pa-nô quảng cáo gợi mở, thân thiện, đi vào trong du khách sẽ thấy bảo tàng thực sự có bản sắc riêng. Bảo tàng Mỹ thuật cũng đã nâng cao chất lượng trưng bày, tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật…
* Theo ông, những sự gợi mở đó có thể khiến tư duy làm bảo tàng của chúng ta thay đổi?
- Ở các bảo tàng được công chúng đánh giá cao, tư duy làm việc của những người làm bảo tàng đã có sự thay đổi toàn diện. Tại Bảo tàng Phụ nữ, vẫn là những hiện vật cũ đã từng trưng bày, nhưng đã được cấu trúc lại để tạo ra nội dung trưng bày mới, kể những câu chuyện hay hơn, hấp dẫn hơn và do đó đã lôi cuốn người xem hơn.
Bên cạnh đó là sự thay đổi về kỹ thuật, mỹ thuật trưng bày. Ở đó, vai trò của đồ họa rất lớn, mỗi gian trưng bày đều có màu sắc riêng để phản ánh nội dung. Hệ thống ánh sáng được chú ý tối đa, chiếu rọi vào từng hiện vật, nhóm hiện vật, chữ viết theo ý đồ... Vị trí của ảnh, pa – nô, cỡ chữ... đều được nghiên cứu tỷ mỷ để thỏa mãn tối đa nhu cầu thị giác của khách.
Tại các bảo tàng này, việc tương tác cũng rất được chú ý. Du khách đến bảo tàng không phải lúc nào cũng gặp tấm biển: "Cấm sờ vào hiện vật", mà nhiều khi, bảo tàng còn khuyến khích du khách tương tác với hiện vật để thấy được cảm giác của mình. Khi đến bảo tàng, tất cả các giác quan của con người đều được trải nghiệm.- Nêu thói quen người Việt Nam không đến bảo tàng như một lí do khách quan của tình trạng bảo tàng vắng khách là không đúng. Nếu bảo tàng tạo ra những trưng bày, hoạt động hấp dẫn thì chắc chắn người dân sẽ đến thăm.
Khi Bảo tàng Dân tộc học làm trưng bày "100 năm đám cưới Việt Nam" hoặc trưng bày "Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp" khách đến thăm bảo tàng rất đông. Thứ 7, Chủ nhật, nơi để xe của bảo tàng luôn chật cứng. Những trưng bày này đã đáp ứng đúng nhu cầu của người dân – đó là nhu cầu muốn chia sẻ cho con cái mình những trải nghiệm về một thời...
Nếu bảo tàng đáp ứng được đúng nhu cầu của khách bằng các phần trưng bày của mình thì chắc chắn bảo tàng sẽ rất đông khách.
120 bảo tàng: chưa phải là nhiều, nhưng…
* Một vấn đề lớn hơn là hệ thống trưng bày của các bảo tàng có sự trùng lặp nội dung?- Có thể nói, cấu trúc trưng bày bảo tàng các địa phương hoàn toàn giống nhau như: có phần trưng bày về điều kiện tự nhiên, đất nước, con người rồi thời tiền sử, cổ đại, phong kiến, chiến tranh cách mạng… Nếu không có hiện vật gốc thì bảo tàng tìm cách phục chế lại… kết quả là bảo tàng nào cũng giống bảo tàng nào.
Chúng ta không nên đồng nhất cấu trúc bảo tàng tỉnh, cấu trúc ấy nên giao quyền cho giám đốc bảo tàng tự mình sáng tạo, quyết định. Bảo tàng phải có nội dung riêng, tạo ra bản sắc riêng.
* Nhiều bảo tàng cũ vắng khách, những bảo tàng mới được xây dựng dù được đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Trong khi đó, chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng những bảo tàng khác. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Cả nước hiện có 120 bảo tàng, số lượng chưa phải là lớn, nhất là so với các nước tiên tiến như Hà Lan, Đức, Pháp...
Hiện nay, nhiều người quan niệm bảo tàng phải lớn, phải kinh điển mới thu hút được khách. Tôi đến Hà Lan, tìm hiểu thấy những bảo tàng nhỏ vô cùng hấp dẫn. Có bảo tàng chuyên về hoa tulip chỉ là một căn nhà nhỏ, nơi xưa kia từng là một cửa hàng hoa. Có bảo tàng gói gọn trên một toa tàu, mỗi lượt vào thăm chỉ được 20 người, khách phải xếp hàng chờ.
Chúng ta mới có 120 bảo tàng, nhưng phần lớn vắng khách hoặc không có khách. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, một mặt nên khuyến khích phát triển hệ thống bảo tàng, mặt khác, những bảo tàng không có khách phải cấu trúc lại hoàn toàn, thay đổi tư duy làm bảo tàng, nếu không sẽ vô cùng lãng phí.
Mong ước của những người làm bảo tàng là khi trưng bày mở ra, khách xếp hàng chờ xem. Nhưng để làm điều đó, không chỉ có hiện vật là xong, chúng ta phải suy nghĩ, sáng tạo, "lao tâm khổ tứ" rất nhiều.
* Vâng, xin cảm ơn ông!
Thảo Vy – Yên Khương (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất