“Phố đèn đỏ” ở trời Tây vào triển lãm

22/10/2012 10:10 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - “Giữa phòng triển lãm, hàng chục cô gái trong tranh sẽ nhìn thẳng vào bạn. Giống như trong những sex show bên Thái ấy, họ đứng trong tủ kính, nhìn vào người xem và bằng cách trang điểm riêng, thu hút sự chú ý về phía mình” - họa sĩ Nguyễn Văn Cường, người sẽ khai mạc triển lãm Những khuôn mặt được trang điểm tại Hà Nội vào hôm nay, 22/10, chia sẻ cùng TT&VH.

22 bức tranh của Cường đều là chân dung phụ nữ. Và anh kể: ý tưởng cho loạt tranh này bắt nguồn từ những gì được chứng kiến tại hàng loạt… “phố đèn đỏ” của Thái Lan và châu Âu, với những sex show và những cô gái làm tiền!

Suy tư về những cô gái làm tiền

Nghe dễ sốc. Nhưng xem tranh của Cường, người ta tuyệt nhiên không thấy chút xíu gì… nhạy cảm so với cái “cơ duyên” mà anh kể. Đó chỉ là những khuôn mặt phụ nữ được tô vẽ cầu kỳ, gần như khái niệm “trang điểm” vẫn nhắc tới trong cuộc sống.

“Với tôi thì khái niệm trang điểm không chỉ bó hẹp trên khuôn mặt hay hình vóc bên ngoài. Và đồ trang điểm cũng không chỉ là những phụ kiện vật chất. Nói chung, đó là tất cả những gì mà người ta có thể làm để thay đổi mình cho đẹp hơn”. Cường kể. Rồi anh lặng lẽ nói thêm: “Ít người hiểu, khi làm mọi thứ để hướng tới vẻ đẹp này, bạn rất dễ đánh mất đi những vẻ đẹp vốn có của mình.”.

Cường bảo, anh khá suy tư khi nhìn cách những cô gái làm tiền ở Thái Lan trang điểm. Đứng đắn, lẳng lơ, trang nhã, lộ liễu - hàng chục bộ đồ họ mặc đều hướng tới cái đích duy nhất: sở thích thẩm mỹ của “người dùng”. Rồi xa hơn là một khu phố tương tự tại châu Âu, nơi người ta thu hút du khách bằng hình xăm. Có những hình xăm nhỏ, uốn quanh bờ vai và có cả những “công trình” khổng lồ, xăm dày đặc như một cây cổ thụ mọc ra từ cơ thể những cô gái ấy.

HS Nguyễn Văn Cường

“Nghĩ, tôi mới hiểu rằng trang điểm không đơn thuần là chuyện thẩm mỹ. Đó chỉ là bước đầu. Xa hơn, người ta cần rất một bộ cánh, một vẻ ngoài nếu điều đó khiến cuộc sống của mình trở nên dễ dàng. Rồi, thứ trang điểm ấy đi quá đà và trở thành quá trình chạy trốn bản thân mình”- Cường nói thêm. Anh ví dụ về cái vòng luẩn quẩn trong cuộc sống: người ít học phải “trang điểm” để giống trí thức, trí thức bất tài bị ám ảnh bởi việc “trang điểm” cho giống nghệ sĩ, còn nghệ sĩ nếu gian manh thì lại muốn “trang điểm” cho có vẻ ngây thơ, thật thà…

Họa sĩ Nguyễn Văn Cường sinh năm 1976 tại Bắc Giang, tốt nghiệp Đại học và Cao học tại Trường ĐH Mỹ thuật VN, hiện là giảng viên khoa Mỹ thuật - ĐH Sư phạm Mỹ thuật T.Ư. Anh từng giành giải Nhất, cuộc thi và triển lãm Dogma - Chân dung tự họa 2011.

Những bức tranh trong triển lãm của HS Nguyễn Văn Cường (diễn ra tới 29/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, Hà Nội) chỉ là sự khởi đầu cho luồng ý tưởng mà anh dự định sẽ tiếp tục kéo dài trong những năm tới. Sau chân dung những cô gái sẽ là những loạt “trang điểm” khác, cả về giới tính và độ tuổi.

“Trước đây, những bức tranh của tôi có lẽ đơn giản hơn. Còn bây giờ, theo một nghĩa nào đó, tôi suy tư nhiều hơn khi cầm cọ” - Cường cười!

Và giá tranh lũy tiến gấp 7 lần…

Cũng nhẹ nhàng như khi nói về… “phố đèn đỏ”, Nguyễn Văn Cường chia sẻ với TT&VH về cuộc sống của mình. Về cả chuyện bán tranh và “làm giá” - những điều tưởng không dễ nói. Anh  kể tự nhiên và điềm đạm chứ không phải từ những phút bốc đồng.

Sự điềm đạm ấy có lẽ gần với phong cách “ông giáo” của Cường, khi anh đang là giảng viên của Đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư. Thật ra, ngoài nghề giáo, Cường được giới mỹ thuật biết tới khá nhiều về lượng tranh được bán. Và khá… nhanh về mức phát triển của giá tranh. Như chia sẻ, so với thời điểm khởi nghiệp hơn 10 năm trước, mức giá tranh của anh đã lũy tiến lên khoảng 5 -7 lần.

“Cũng không tới mức… sờ tay vào là ra tiền như nhiều người vẫn nghĩ về giới họa sĩ đâu. Một bức tranh của tôi bây giờ khoảng trên dưới 2.000 USD.” Anh kể. “Còn cao nhất thì cũng chưa bao giờ vượt quá con số 10.000 USD”.

Một tác phẩm tại triển lãm.

* Với anh, mức giá bán tranh sẽ cho biết chính xác tới mức nào về  thước đo năng lực hay đẳng cấp của người cầm cọ?

-  Nếu bạn muốn so sánh, tôi chỉ nói thế này: giá tranh của tôi là đắt, nếu so với những họa sĩ trẻ. Nhưng cũng không là gì, nếu nhìn tới những gương mặt lão làng. Nói chung, điểm gặp nhau giữa năng lực và giá tranh chỉ nằm ở chỗ mỗi bức tranh đều phải đáp ứng sự hợp lý trong cách nghĩ của người mua, cũng như việc người họa sĩ ít nhiều phải bảo vệ “mặt bằng” cho thương hiệu của mình.

* Vậy, cái “phần” nằm ngoài năng lực của họa sĩ là gì?

- Riêng với tôi, đó là cảm giác hạnh phúc khi bán tranh. Nếu gọi là cảm hứng của họa sĩ trong việc mua bán cũng được (cười). Một khách nhăn nhó bảo tranh này đắt thế ư, giá sẽ khác. Một người bạn chân thành yêu quý tác phẩm của mình cũng sẽ khác. Và một ông chủ quán rượu lại càng khác, nếu họ bảo: Tranh của ông Cường trông hay hay, treo trong quán cho thực khách nhòm là ổn đấy. Bao nhiêu tiền?

* Sự dao động ấy có mức “giá sàn” không?

- Không có, nếu muốn tặng. Còn lại, đó là câu hỏi với bản thân: bức tranh này cần bán tối thiểu bao nhiêu, để họa sĩ có thể sống được một cách chuyên nghiệp, nghĩa là chỉ vẽ  thôi và bán được một tháng vài ba bức để sống? Vậy thôi. Tôi có niềm vui khi được ai đó quan tâm tới tác phẩm của mình. Còn lại, tôi không buồn khi bán rẻ và cũng không vui khi tranh được bán với mức giá quá hời.

* Vậy là người vẽ, anh mong người xem tranh sẽ tìm thấy gì khi “trót” yêu tác phẩm của mình? Và ngược lại, khi nhập vai người xem, anh muốn tìm thấy gì ở tranh của những họa sĩ mà mình yêu thích?

- Nôm na, đó là việc “ngắm nhìn” thời gian. Lý tưởng nhất, bạn thấy một bức tranh không chỉ hấp dẫn thị giác trong lần đầu tiên tiếp xúc, mà còn kéo dài mãi trong nhiều lần sau nữa. Bởi khi xem, bạn luôn có cảm giác tò mò và muốn tiếp tục mạch cảm xúc, suy nghĩ của mình đang được gợi mở từ ánh mắt của nhân vật trên bức tranh ấy.

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm