Quốc Chiêm: 30 năm vẫn gây sốt vé

22/10/2012 06:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Công chúng thường quen dành từ “ngôi sao” cho các ca sĩ, diễn viên (điện ảnh, kịch nói) được khán giả ái mộ, những cái tên gây sức hút. Nhưng có một diễn viên chèo xứng đáng với mỹ từ này một cách đích thực và bền vững, người đã “đóng đinh” vào trí nhớ nhiều thế hệ khán giả. Vai diễn để đời trong một vở bất hủ khiến ký ức người xem gắn tên thành một dấu ấn không phân định: Pơliêm - Quốc Chiêm và ngược lại. 

Chân dung NSƯT Quốc Chiêm - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

1. Nhà hát Chèo Hà Nội, một thương hiệu của Chèo VN (một trong rất ít đơn vị nghệ thuật của kịch hát dân tộc sống được bằng nghề, bán vé tốt, các nghệ sĩ ít đóng phim mà vẫn được đông đảo công chúng biết đến) vừa kỷ niệm 60 năm thành lập bằng một chương trình đặc sắc trình diễn lại 6 vở chèo kinh điển, có vở diễn bản cũ với dàn diễn viên mới; lại có vở diễn bản mới với cả hai thế hệ diễn viên cũ - mới. Được chú ý nhất trong số này là Nàng Sita, vở chèo nổi danh nhất trong đời viết của Lưu Quang Thuận, có sự góp sức của con trai cả Lưu Quang Vũ.

Cặp NSƯT Quốc Chiêm - Lâm Bằng vai Pơliêm - Sita đã nổi đình đám cả chục năm, từ khi vở ra mắt năm 1983, do Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Từ đây, giới “sân khấu kinh viện” cho rằng ông Giang “phá chèo”. Đến nay, chưa vở chèo ăn khách, gây xôn xao lâu bền như thế. Năm 2010, Nàng Sita dựng lại với cặp diễn viên trẻ Quang Dương (1984) - Thu Huyền (1975), vẫn là đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Sân khấu thiết kế sang trọng hoành tráng hơn, nhưng khán giả vẫn nhớ tiếc Nàng Sita trước. Ê-kíp mới, chịu áp lực, so sánh. Dấu ấn Quốc Chiêm - Lâm Bằng quá mạnh khó ai vượt qua nổi.

2. Những ngày tháng 9/2012, hình ảnh của sân khấu - khán giả của hơn 20 năm trước như sống lại. Vẫn rạp Đại Nam, phe vé hàng đoàn đứng trước cửa rạp tiếc ngẩn ngơ theo sự hẫng hụt của trăm khán giả không còn vé để mua. Hơn 500 ghế không bõ bèn gì, người ta kê thêm ghế nhựa, ghế gấp, ngồi kín lối bậc từ trên xuống. Trong số khán giả nhiệt thành mê say vở diễn có nhiều nghệ sĩ chèo, kịch, các nhà báo, nhà văn. Họ đã quá thuộc vở này, vẫn khao khát xem lại. Xem để nhớ tuổi trẻ, thời xuân sắc, xem mà thầm mong sân khấu phục hưng, ước gì lại đến “ngày xưa”.

Nàng Sita phiên bản 2012 có hai cặp Sita - Pơliêm.Trong 3 cảnh đầu, cặp diễn viên trẻ Thục Khánh - Quang Dương vào hai vai chính này. Khán giả bồn chồn, ai cũng sốt ruột gặp lại cặp đôi Lâm Bằng - Quốc Chiêm. Họ còn đẹp không, hát - diễn thế nào sau nhiều năm, khi ngoài 50 tuổi? Sốt ruột, tôi “phi” vào cánh gà sân khấu. Quang Dương đang giúp nghệ sĩ cha chú mặc áo bào. Khuôn mặt Quốc Chiêm đã hóa trang xong (anh luôn tự làm việc này), gắn mi giả, vẽ râu. Trống ngực đập rộn. Pơliêm đây rồi! Vẫn đẹp quá! Quốc Chiêm xuất hiện khi Pơliêm đã lên ngôi vua, cùng đội quân của vua khỉ Hanuman đưa được Hoàng hậu Sita về cung và bắt đầu ngờ vực sự chung thủy của nàng những ngày bị giam cầm trong sào huyệt quỷ Riếp. Tôi lại chạy qua phòng hóa trang nữ. Đây rồi, Lâm Bằng đang tập múa trước gương. Vẫn còn đẹp. Nhưng thời gian quả là tàn nhẫn hơn với phụ nữ. Khuôn mặt đánh phấn dày vẫn lộ nếp nhăn, nhất là đuôi mắt, vóc người cũng đậm hơn xưa…

Sita bước ra trước, khán phòng lặng phắt. Nàng cất lời hát ngày mới yêu chàng, khi chàng bị dì ghẻ xui vua cha đuổi ra khỏi cung… Đã nghe dân tình từ lâu đồn rằng, Lâm Bằng đẹp, diễn tốt, nhưng giọng hát là của người khác, suất diễn tối hôm 26/9 ấy tôi mới chứng kiến người hát thế nơi cánh gà: NSƯT Thúy Mùi. Thúy Mùi mặc bộ váy đen, không cần nhìn kịch bản, lời ca cất từ trong cơ thể, vút trong, say đắm: “Một bông hoa trắng/Một bông hoa trong lòng nước xanh bên hồ”. Giọng hát ngọt ngào, quyến rũ đã cất lên từ ngày Thúy Mùi mới 21 tuổi, khi Sita diễn lần đầu, nay ở tuổi 50, vẫn giữ được âm vực mỹ thanh đáng nể. Những tự sự, đối thoại, câu hát sâu sắc, đầy chất thơ của cha con, thể hiện qua cặp đôi tài sắc, khiến khán giả như nuốt từng lời, bị cuốn hút 2 tiếng không rời ghế. Dung mạo tuấn tú, vũ đạo tốt, đặc biệt là chất giọng đẫm tình của Quốc Chiêm có sức bền mê hoặc tuyệt vời.

NSƯT Quốc Chiêm - Lâm Bằng vở Nàng Sita

3. Được trời cho ngoại hình sân khấu bắt mắt, phong thái sang và hào hoa, trong mấy chục năm theo nghiệp chèo, Quốc Chiêm hầu hết được đóng vai chính, hay được làm vua. Giành 5HCV, 3HCB trong các kỳ hội diễn, anh đã thủ vai hoàng tử của 3 nước Đông Dương: Hoàng tử trong vở Tấm Cám, Pônuvông - vở Mối tình Đuông-na-li và đỉnh cao là Pơliêm. Sinh ra ở quê lúa Thái Bình - nôi gốc của chèo, cậu bé Chiêm biết hát và thích diễn chèo. Đoàn Chèo Hà Nội về quê Thái Bình, tuyển ngay chàng trai khôi ngô có giọng hát tuy còn thô mà đã hút hồn người sành nghề, gửi đi học tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Năm 1979 học xong, Quốc chiêm về Đoàn Chèo Hà Nội và ở đó cho tới khi chuyển sang làm quản lý ở Sở VH,TT&DL Hà Nội (từ năm 2006). Hỏi ông phó giám đốc sở có phải luyện tập nhiều trước khi tái xuất vai Pơliêm?, Quốc Chiêm trả lời ngay: “Không. Tối 23 diễn thì sáng 23 khớp nhạc cùng toàn đoàn, chạy vở đúng 1 lần. Cũng không cần đọc lại kịch bản hay xem lại băng vì tất cả đã ngấm vào máu”. Anh hào hứng trở lại sân khấu và động viên Lâm Bằng, người đã xa sân khấu gần 20 năm, cùng trở lại (Lâm Bằng hiện là cán bộ Ngân hàng Nhà nước VN).

Sau đêm tái xuất thành công ngoài chờ đợi, từng cử chỉ, bước đi, mỗi động tác, vũ đạo đều chuẩn xác, Quốc Chiêm hứng khởi: “Hiện giờ tôi vẫn có thể đóng từ trẻ tới già, nhưng tôi muốn dìu dắt lớp trẻ, nên chỉ diễn nửa sau của vở. Kiểu đổi vai của hai thế hệ diễn viên trong một vở diễn thế này theo tôi rất cần thiết cho các diễn viên lứa sau học hỏi và có động lực phấn đấu khi diễn cùng thầy”. Nói về nghề diễn ngày nay, anh không giấu được sự lo ngại: “Chèo là nghề truyền nghề. Các em trẻ hôm nay có điều kiện làm nghệ thuật tốt, lại bị phân tán nhiều. Hiếm em nào nghiên cứu phân tích vở diễn, đào sâu nhân vật, nắm chắc lý lịch nhân vật để thực sự hóa thân”.

Thực tế ngay cả khi rời Đoàn Chèo Hà Nội, lên chức Phó giám đốc Sở VH,TT&DL, Quốc Chiêm vẫn không xa nghề diễn. 10 năm nay, sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn, anh là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Quốc Chiêm vẫn để móng cho ngón tay dài hơn, để múa, nói không hoàn toàn với thuốc lá, bia rượu để giữ gìn cổ họng, không dùng đồ quá nóng, quá lạnh để giữ giọng. Anh bảo: “Tôi không tin khán giả quay lưng với chèo khi có vở hay, diễn viên tài, các nghệ sĩ không phụ lòng họ. Giữa thời bùng nổ nhiều lựa chọn, thông tin truyền thông cho kịch hát dân tộc còn chưa tốt, kịch hát dân tôi chịu nhiều vất vả. Song tôi tin ở sức sống của nghệ thuật truyền thống vì vẫn còn nhiều nghệ sĩ tâm huyết và công chúng tôn trọng”.

4. Hồi Bộ Văn hóa Campuchia mời Nàng Sita sang diễn, khán giả ở Phnôm Pênh cũng nô nức. Tích truyện đã thuộc, người Campuchia chẳng cần phiên dịch, họ nghe hát và xem diễn. Hai cô con gái Bí thư Thành ủy Phnôm Pênh nghe nói “mê” Quốc Chiêm như điếu đổ… Và còn những fan hâm mộ vua Pơliêm ở khắp các tỉnh thành hồi vở chèo Nàng Sita làm mưa làm gió sân khấu nữa chứ, sao không nghe đồn mối tình nào nhỉ? Quốc Chiêm cười: “Tôi đào hoa trên sân khấu thôi. Ở cương vị này, tôi phải giữ sự mực thước”. “Hẳn vợ anh đẹp?”, “Đẹp chứ, không đẹp sao tôi lấy”. Nói vui rồi Quốc Chiêm mở iPad khoe ảnh vợ. Người vợ hiện tại của anh là họa sĩ Dương Phương Nga, còn khá trẻ (sinh năm 1973), công tác tại Công ty mỹ thuật T.Ư. Con gái út Linh Chi 5 tuổi, rất giống cha và có năng khiếu hát lộ rõ. Con gái đầu của anh là Sao Chi thì đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm nhạc họa T.Ư, anh cũng đã lên chức ông ngoại.

Đất Thái Bình có Quốc Chiêm, Thanh Ngoan nổi tiếng về chèo. Thu Hiền, Việt Hoàn nổi tiếng bên nhạc nhẹ. Ước mơ của Quốc Chiêm là khi về hưu, sẽ làm một phòng truyền thống tại quê hương, như một bảo tàng cá nhân, lưu giữ kỷ vật của một đời sân khấu. “Bảo bối” của anh là những ghi chép, sưu tầm múa, hát chèo cổ…

Nhưng đấy là chuyện của tương lai. Bây giờ Quốc Chiêm vẫn chưa xa được ánh đèn sân khấu. Thể theo yêu cầu của nhiều khán giả, vở Nàng Sita sẽ được diễn lại liên tục 2 suất/tháng từ tháng 10. Trước mắt, từ 16-20/10, Nàng Sita đã diễn liên tục 4 đêm tại rạp Đại Nam, tất nhiên với sự hiện diện của cặp ngôi sao Quốc Chiêm - Lâm Bằng, Tái xuất ở tuổi 55, độ chín nghề càng làm Quốc Chiêm hưng phấn.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm