Đạo diễn Phan Huyền Thư: Chẳng cần phải đánh thức quá khứ

17/10/2012 10:50 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - 30 năm sau cái chết của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa vẫn xuất hiện những thông tin “gây sốc” xung quanh sự việc này. Sự thật chắc chắn vẫn là sự thật. Và đạo diễn Phan Huyền Thư - con gái của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và NSND Thanh Hoa - đã đồng ý chia sẻ với TT&VH trước những thông tin chị khẳng định là sai sự thật kia.

* Tròn 30 năm kể từ ngày cha chị - nhạc sĩ Phan Lạc Hoa - ra đi mãi mãi, chị cảm xúc thế nào trước những ký ức buồn ấy?

- Tôi không định biến cái sự “mồ côi” suốt 30 năm qua của mình thành cơ hội xuất hiện trên báo chí đâu nhé, biết trả lời thế nào về một quãng thời gian đằng đẵng như vậy. Tôi chỉ có thể nói, với tôi, mọi chuyện lúc nào cũng như vừa xảy ra ngày hôm qua vậy, rất buồn, rất đau… Và không thể buồn đau hơn được nữa… Quá khứ chưa bao giờ ngủ yên cả, cho nên cũng chẳng cần phải đánh thức nó.

* Hình ảnh cha trong ký ức của một đứa bé 10 tuổi là gì, thưa chị?

- Tôi chứng kiến tất cả những gì thuộc về “giây phút cuối” của cha mình trong cái đêm kinh hoàng đó khi 10 tuổi. Xin hỏi tất cả mọi người, một đứa bé 10 tuổi chứng kiến cái chết của cha mình ngay trước mắt… thì ký ức của nó sẽ là gì?

* Chỉ trong một khoảnh khắc, đứa trẻ 10 tuổi bỗng mồ côi cha. Có bao giờ chị từng trách cứ một ai đó trước kết cục này?

- “Số phận” của tôi là mồ côi cha từ khi 10 tuổi hay “định mệnh” của bố phải lìa đời khi tuổi mới 35… thì mọi thứ cũng đã an bài rồi. Không ai có lỗi trong câu chuyện mang tên “số phận” hay “định mệnh” của cha tôi cả… Ông đã tự chọn cho mình cách hành xử với chính cuộc đời mình. Nhưng gia đinh tôi chẳng có ai là không đau buồn, mãi mãi đau buồn và hẫng hụt…

Tôi chỉ thấy xót xa cho cha tôi, một người mang trong mình biết bao ẩn ức của thân phận “con nhà địa chủ” với một lý lịch không ai muốn thừa nhận vào thời điểm đó… khiến cho cha tôi phải chịu quá nhiều đau buồn, bất công và thiệt thòi trong cuộc đời ngắn ngủi của mình.

Gia đình cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và NSND Thanh Hoa - Ảnh chụp tháng 8/1982, trước lúc nhạc sĩ mất 1 tháng (Ảnh do đạo diễn Phan Huyền Thư cung cấp)

* Những ngày qua, chị đã đọc bài báo về cuộc hôn nhân của cha mẹ chị - nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và NSND Thanh Hoa - và về cái chết của cha chị?

- Cách đây hơn 2 năm, tôi đã đọc trên trang cá nhân của bác sĩ Sao Hồng bài viết này. Tôi đã khóc suốt một tuần. Khóc một mình, trong câm nín. Tôi đã sợ mẹ và các em tôi buồn nên giấu biệt, không cho mọi người biết tí gì về những bài viết tôi đã đọc được của anh Sao Hồng. Tuy các ghi chép của bác sĩ có rất nhiều chi tiết hoàn toàn sai sự thật… nhưng tôi đã rất cảm động vì tình cảm của một người xa lạ dành cho cha mình. Tôi rất trân trọng cảm xúc đó và cũng hy vọng có dịp nào đó gặp bác sĩ Sao Hồng sẽ nói cho bác sĩ biết thêm những thông tin còn sai lệch kia… để chia sẻ và cảm ơn tình cảm của bác sĩ…

Sau đó, tôi cũng đã đọc chính bài viết này trên trang cá nhân của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người bạn rất thân của cha. Thậm chí, anh Sao Hồng cũng đã “add friend request” (đề nghị kết bạn) với tôi và post bài viết trên trang cá nhân (vì chắc anh tưởng tôi chưa đọc những gì anh viết về cha tôi chăng?). Thái độ im lặng và tự khóc với mình suốt hơn 2 năm qua của tôi có lẽ là quá ngu ngốc và tuyệt vọng trong cuộc sống đầy rẫy những “hóng hớt” và “thị phi” hiện nay (Tôi không muốn tha thứ cho sự ngây thơ của mình trong việc này).

Mẹ tôi cũng đã chịu nhiều thiệt thòi suốt một thời gian dài, chị em tôi thì không kịp hoàn hồn sau mấy chục năm… Tất cả đều cất giấu vào bên trong một khoảng lặng rất riêng và rất nặng. Bây giờ, nó đã được gói ghém cẩn thận như người ta cuốn một quả pháo cối và châm lửa đốt… Người đứng xa thì nghe thấy tiếng nổ cũng vui tai, giấy vụn tung tóe rơi xuống cũng vui mắt… Người đứng gần thì đinh tai nhức óc, có người xây xẩm mặt mày… Nổ cũng ra trò đấy chứ…??? Nhưng chắc chắn là ngoài cha tôi ra, không có thêm ai chết về vụ “khai quật” này đâu.

* Chị đã chia sẻ với mẹ và người thân điều gì sau những thông tin được đăng tải rộng rãi đó?

- Chẳng cần nữa, sự chia sẻ của tôi là đã cố không kể gì đến bài viết đó mấy năm rồi, bây giờ vẫn bị người ta mang ra in để… bán báo thì còn gì mà chia sẻ nữa…? Chỉ có bạn bè, người thân trong gia đình và đặc biệt là họ hàng ở xa, ở nước ngoài… gọi điện về nhiều. Nói chung là họ rất phẫn nộ…

* Không ai hiểu cha mẹ bằng con, chị có thể nói gì về những "sự thật" được tiết lộ trong những bài báo ấy?

TT&VH liên hệ với NSND Thanh Hoa khi bà đang tất bật chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật do công ty tổ chức vào dịp 20/10 này ở Hà Nội. Bà cho biết không có thời gian đọc những thông tin về cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa trên báo chí vừa qua. Bà không muốn thanh minh bất cứ điều gì lúc này, có chăng chỉ có thể chia sẻ rằng, có những điều bà đã giữ bao nhiêu năm ở trong lòng thì không bao giờ muốn nói ra. “Người sống có thể nín nhịn, có thể chịu thiệt thòi chứ người đã khuất thì không thể…” – bà nói thêm.

- Đấy chỉ là một mẩu tí teo của sự thật thôi: Một góc nhìn của một cậu sinh viên y khoa thực tập với những tình cảm và suy nghĩ của 30 năm trước, với những tâm sự của một “bệnh nhân tâm thần”, lúc nhớ lúc quên… Sự thật là: Cha tôi đã mất 30 năm rồi. Chúng tôi vừa làm giỗ lần thứ 30 cho cha, tôi có những dự định rất tâm huyết dành riêng cho ông, chẳng hạn như tập hồi ký- chân dung: Phan Lạc Hoa trong trí nhớ bạn bè mà tôi đang cùng với các bạn bè thân thiết của cha tôi tập hợp và góp bút.

Tôi cũng đang chuẩn bị làm một tuyển tập nhạc kèm theo một album các bài hát của cha tôi chưa được công bố. Toàn bộ sáng tác và di cảo của cha tôi vẫn do tôi giữ suốt 30 năm qua… Tôi còn cả bộ tiểu thuyết về tự truyện cuộc đời mình mà phần lớn đều dành câu chuyện cho dòng họ, cho gia tộc và thân phận của đất nước này suốt cả trăm năm nay… Tôi tin là mình vẫn còn một gia tài lớn để cho con cháu của cha tôi sau này biết về nhạc sĩ Phan Lạc Hoa với 35 năm dương thế thú vị thế nào… Tôi tin vào những gì tôi làm sẽ có giá trị và sẽ không tầm thường…

Có một điều mà tôi muốn nói với bạn, với độc giả và với cả mẹ tôi nữa: Chấp nhận làm một người của giới “văn nghệ sĩ” ở Việt Nam, cũng có nghĩa là phải chấp nhận sống chung với áp lực của dư luận, thêu dệt, đơm đặt và bình phẩm… Không bao giờ người đi làm cái nghề “mua vui cho thiên hạ” có thể tự thanh minh cho mình đâu, ngay cả khi anh đã chết 30 năm rồi, thích thì người ta vẫn khai quật anh lên để tiếp tục câu chuyện mà người ta muốn!!!

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Hà Chi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm