Bức tượng “lột da” phụ nữ mang thai: Kiệt tác nghệ thuật hay trò lố bịch?

14/10/2012 15:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Bức tượng người phụ nữ mang thai khổng lồ bằng đồng, khỏa thân, tay giơ cao một thanh kiếm của nghệ sĩ đương đại nổi tiếng người Anh bị mô tả là “thứ nghệ thuật của những kẻ độc tài toàn trị, sẽ phá hoại nền nghệ thuật Anh”.

Bình luận trên là của nhà báo Jonathan Jones trên tờ báo Anh Guardian. Tác phẩm điêu khắc cao khoảng 20m và nặng 25 tấn, có tên Verity (Chân lý), đang trong quá trình thi công và nếu thời tiết cho phép, sẽ hoàn thành lắp ghép và được dựng lên vào cuối tuần này ở khu nghỉ mát Ilfracombe bên bờ biển Devon, nước Anh.

Tác phẩm khồng lồ gây sốc

Không chỉ khỏa thân, toàn bộ phần bên phải của bức tượng bị “lột da” (hoặc “bóc vỏ” như cách nói của tờ The Australian), để lộ hộp sọ, xương, các múi cơ, thậm chí cả bào thai bên trong và các mô ở phần ngực.

Đây không phải là bức tượng phụ nữ khỏa thân đầu tiên của Damien Hirst, một nghệ sĩ vốn có tiếng là hay gây sốc trong làng nghệ thuật Anh. Năm 2011, ông từng dựng nên bức tượng Virgin Mother  (Mẹ Đồng Trinh) cho Bảo tàng Oceanography ở Monaco, trông tương tự Verity (khỏa thân, mang thai và để lộ nội tạng) nhưng nhỏ hơn, chỉ cao khoảng 10m.



Bức tượng Verity của nghệ sĩ Damien Hirst.

Tranh cãi cũng là thứ mà Hirst chẳng lạ gì, mỗi khi ông công bố tác phẩm mới. Vài tác phẩm trước đây của ông còn chứa cả những thân thể động vật chết được ngâm trong các bể chất lỏng hóa học, một căn phòng đầy ruồi nhặng từ một hộp đồ ăn BBQ bỏ đi…

Bức tượng Verity bắt đầu được chuyển đến khu nghỉ mát Ilfracombe vào thứ Hai tuần này (ngày 8/10). Jude Tyrell, người phát ngôn của Công ty Science Ltd do Damien Hirst làm chủ, cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ dựng xong bức tượng vào cuối tháng 10 này. Mọi chuyện phụ thuộc vào tốc độ thi công lắp ghép. Chưa có kế hoạch cho buổi lễ khánh thành bức tượng”.

“Quái vật” bên bờ biển?

“Chẳng có gì là tinh tế và tiên phong ở pho tượng quá khổ này”, tác giả Jonathan Jones tiếp tục bình luận trong bài báo của mình. “Người phụ nữ to lớn đó sẽ đứng sừng sững bên bến cảng ở Ilfracombe, tay cầm một thanh kiếm chĩa lên bầu trời. Đó là một hình ảnh tầm thường, và không hiểu sao lại tạo ra một bầu không khí hòa bình. Tôi ví nó với một hình ảnh của chế độ độc tài toàn trị”.

“Tại sao một bức tượng của Hirst ở thời hiện tại lại như thể làm hồi sinh sự trống rỗng xấu xí của nghệ thuật ở thời của những kẻ độc tài?”, Jones đặt câu hỏi, và kết luận về tác phẩm Verity: “Đây thực sự là một con quái vật”.

“Chính Hirst đã xây dựng nên nền nghệ thuật đương đại Anh và cũng chính ông ta vừa phá hủy nó”, nhà báo đi xa hơn bằng nhận định này.

Hy vọng thúc đẩy du lịch và kinh tế

Theo trang tin địa phương This Is North Devon, ông Mike Edmunds, ủy viên Hội đồng trị trấn Ilfracombe, phát biểu cảm tưởng về bức tượng: “Nó trông không lớn như tôi hình dung. Vẫn còn một phần rất lớn người dân ở Ilfracombe không thích bức tượng nhưng nhiều người cũng nói với tôi rằng khi nhìn tận mắt thì bức tượng không xấu như họ tưởng”.

Vị ủy viên mong rằng bức Verity sẽ giúp tăng mạnh lượng du khách đến với thị trấn bên bờ biển này. “Vẫn còn rất nhiều khách sạn trống trong thị trấn. Chúng tôi thiết tha cần một thứ gì đó để thu hút thêm du khách. Một tác phẩm nghệ thuật đúng là thứ chúng tôi cần. Tôi nghĩ Verity sẽ tạo nên điều thần kỳ cho thị trấn”.

Còn với người dân Ilfracombe, có hai luồng ý kiến chính. Một số cho rằng bức tượng sẽ có tác động tốt với thị trường du lịch và nền kinh tế địa phương, khuyến khích người dân ở những nơi khác đến chiêm ngưỡng bức tượng. Còn một số khác lại cho rằng Verity trông thật lố bịch, tục tĩu, khiêu dâm và sẽ làm thị trấn này trở thành trò cười trong mắt thiên hạ.

Thậm chí, còn có suy diễn rằng, bức tượng sẽ khiến càng có thêm nhiều trẻ vị thành niên mang thai ở thị trấn này.

Bên cạnh đó, Hội đồng vùng Bắc Devon đã cảnh báo rằng nếu khách du lịch ồ ạt đến đây trong thời gian tới, sau khi bức tượng được dựng xong, thì sẽ không đủ bãi đậu xe vì thị trấn chưa kịp xây dựng.

Tuy nhiên, về trường hợp này, tờ Daily Mail đưa ra một so sánh rất thú vị. Tờ báo viết: “Vào thế kỷ 19, ở Pháp, một tờ đơn kiến nghị được sự ủng hộ của các tiểu thuyết gia nổi tiếng Emile Zola và Alexandre Dumas, đã được gửi đến thành phố Paris. Đơn viết: Chúng tôi, các nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và những người yêu thích vẻ đẹp của Paris, làm kháng nghị với tất cả sức mạnh và tất cả sự phẫn nộ của chúng tôi, nhân danh bản sắc Pháp, nghệ thuật và lịch sử Pháp - những điều đang bị đe dọa tuyệt chủng, chống lại một thứ vô dụng và quái dị”.

“Thứ vô dụng và quái dị gây ra thái độ phẫn nộ này chính là tháp Eiffel”, câu kết của bài trên Daily Mail. 

Damien Hirst, sinh năm 1965, là một nghệ sĩ, giám tuyển, nhà kinh doanh và sưu tầm nghệ thuật rất nổi tiếng ở Anh và trên thế giới hiện nay. Ông cũng là nghệ sĩ giàu nhất đang sống ở Anh, với tài sản 215 triệu bảng tính đến năm 2010. Cái chết là một chủ đề phổ biến trong sáng tác của Hirst. Ông từng có những tác phẩm nghệ thuật đương đại nổi tiếng và gây sốc như: một chú cừu dầm trong axit, cá mập hổ dài 4,3m ngâm trong bể formaldehyde… Nhiều ngôi sao nổi tiếng rất ngưỡng mộ và đã mua các tác phẩm của ông, trong đó có cầu thủ bóng đá David Beckham.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm