NSND Lê Khanh: Nguyễn Huy Thiệp như "bức tường thành"

05/10/2012 10:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Kịch Nguyễn Huy Thiệp có khó dựng? Ngay từ đầu, nữ đạo diễn Nhà ôsin không chọn cách đi vào tác phẩm qua danh tiếng của tác giả. Chị chọn "cửa" nhân vật, những người có thể ở ngay cạnh ta, hoặc là chính ta.

* Tại sao lại là kịch Nguyễn Huy Thiệp, và tại sao lại là "Nhà ôsin" mà không phải những vở khác của cùng tác giả?

- Đó là cái duyên đấy. Tôi đọc 3 vở kịch trong tập Nhà ôsin từ khi tác giả mới viết xong vào năm 2008. Lúc đó, giữa Nhà ôsin, Đến bờ bên kiaChỉ còn lại tình yêu, tôi vẫn nghĩ là nếu được chọn thì mình sẽ chọn dựng Nhà ôsin đầu tiên. Vì vở này dễ cảm nhận, dễ hiểu. Tôi chắc chắn ai cũng thấy đồng cảm, tùy theo hiểu biết, thế hệ.

* Nhưng rồi "Đến bờ bên kia" lại lên sâu khấu trước, vào năm 2009.

- Ừ, là của người khác dựng (đạo diễn Anh Tú - PV). Đó cũng là cái duyên của người ta.

* Chị mời nhà văn đồng hành cùng đoàn kịch "Nhà ôsin", trao đổi, góp ý, gửi gắm tâm nguyện. Mục đích là gì?

- Để cùng hướng về một phía. Tránh mâu thuẫn giữa cách hiểu của đạo diễn và tác giả, tránh mỗi người đi một con đường.

Trong thực tế, điều đó đã nhiều lần xảy ra. Đây là hai lĩnh vực nghề nghiệp khác hẳn nhau. "Tôi không định viết thế", không ít nhà văn đã phải nói câu đó. Còn nhiều đạo diễn xác định, đã là vở kịch của tôi thì tôi có quyền lực tối cao. Nhưng, để có sân khấu thì phải có kịch bản văn học. Đạo diễn phải thích, phải nhìn ra được vấn đề gì đó từ kịch bản thì mới chọn, mà đã chọn thì phải tôn trọng, tại sao cứ đảo lộn tùng phèo lên? Đó là lý do tôi muốn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đi cùng hành trình này với mình.

* Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn lớn, dựng tác phẩm của ông thì chắc chắn gây chú ý. Chị có run không?

- Không. Nếu tôi tiếp cận từ góc độ tác giả thì sẽ như đụng phải bức tường thành (cười), vậy nên tôi đến với nhân vật trước. Tôi là diễn viên, tôi hiểu vở này diễn viên có cái diễn. Và khán giả có cái để xem. Các nhân vật đến từ đời sống, họ là những người ngay cạnh chúng ta hoặc là chính chúng ta, nhìn đâu cũng thấy họ.

* Và không có nhân vật nào tốt hoàn toàn?

- Đúng. Vở kịch không dạy dỗ bài học nào cả, không đưa ra tấm gương nào cả, nhưng cũng không có nhân vật xấu hoàn toàn. Điều đó rất thực. Một tác phẩm nghệ thuật phải khiến người ta sống thật hơn và cũng đẹp hơn. Tôi tin điều đó sẽ đến sau vở kịch này.

Vai nào cũng muốn đóng

* Trong vở này, chị đóng vai bà Tơ, người giúp việc già nhất trong ngôi nhà đầy ôsin. Nhưng hỏi thật, nếu được chọn chị có muốn đóng các nhân vật nữ trẻ hơn, xinh đẹp hơn?

- 7 vai, toàn vai hay, quá điển hình, tôi không biết vào vai nào, mà không thể đóng Oanh Bé được (cười).

Nói vậy chứ, tôi dám tự tin khẳng định là tôi có thể vào tất cả các vai trong này, kể cả Đại tá (cười), dựa trên 30 năm kinh nghiệm diễn xuất của bản thân mình. Đóng kịch là hóa thân mà.

* Chị nghĩ sao về nhân vật bà Tơ, một hình tượng người mẹ đầy phức tạp?

Nhà ôsin, kịch nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, do NSND Lê Khanh đạo diễn, sẽ lên sân khấu vào tháng 11 tới. Đây là một trong hai vở kịch đáng chú ý trong thời gian tới của Nhà hát Tuổi trẻ (cùng với vở Mùa yêu đương (nhà văn Nguyễn Quang Lập - đạo diễn Anh Tú).

- Bà ấy lận đận. Người mẹ nào mà chẳng lận đận? Bà Tơ có con, nhưng coi như chưa từng có vì đứa con không nhận mẹ. Trong khi đó, ngoài xã hội thì con đẻ còn đuổi bố mẹ ra đường. Có con mà cũng như không, thì thà rằng không nhận con còn hơn.

Trong kịch thì bà Tơ chấp nhận sự thật vì hiểu rằng mình phải trả giá cho sai lầm hồi trẻ. Con mình lớn lên không có mẹ thì nó trở thành như thế là đúng. Nhân vật Phú, người con, cũng vậy. Ai cũng nghĩ là gặp lại người mẹ thất lạc thì sung sướng lắm, nhưng cuộc đời lại đưa ta sang những cái lận đận không lường trước được.

Nhưng cái hay của tác giả là kể câu chuyện như vậy mà vẫn không lên án ai, không dạy dỗ chúng ta về luân lý, đạo đức. Làm sao mà bắt con người ta thay đổi nhanh như thế được, đúng không?

Khi tôi diễn vai phản diện, tôi không muốn để người ta xa lánh nhân vật đó. Tôi muốn làm sao để khán giả muốn ôm lấy nhân vật, xót xa cho nhân vật. Chứ để người ta xa lánh thì quá dễ.

Có những thất bại chỉ mình tôi biết

* Từ vở kịch đầu tay do chị đạo diễn "Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km" (năm 2005), chị đã có thêm nhiều kinh nghiệm chưa?

- Chưa có gì nhiều đâu. Đạo diễn trẻ mà (cười). Tuổi tôi không còn trẻ nhưng so với nghề đạo diễn thì vẫn trẻ. Thua kém hết các bạn bè của mình. Chí Trung, Lan Hương, Anh Tú... đó là còn chưa kể hết. Chỉ có thể nói là tôi lần này với tôi khi đạo diễn những vở trước sẽ rất khác nhau.

* Vậy, kinh nghiệm làm diễn viên vẫn có ích cho chị bây giờ?

- Kinh nghiệm đến mấy thì tôi cũng chỉ là tôi thôi, tôi không thể là tất cả. Nghệ thuật công tâm lắm. Kỹ thuật và sự từng trải chỉ là một nửa thôi, có khi chỉ được 30%. Còn lại là sự trong trẻo tinh khôi, mà điều đó khán giả rất thích.

Trong đời diễn xuất, có những thất bại chỉ mình tôi biết. Khán giả đâu có biết, hoặc biết nhưng không nói. Không dễ đánh lừa được khán giả. Những vai diễn tôi không thành công, tôi đưa ra thử thách cho các sinh viên của mình, thì mừng đến rớt nước mắt là các em diễn rất tốt.

Mi Ly (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm