Tốt nghiệp khóa học đạo diễn năm 2008, tác phẩm đầu tay Lê Khanh đạo diễn "Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km" được đánh giá tốt. Sau 7 năm vắng bóng làm người phụ nữ của gia đình, Lê Khanh trở lại dựng vở Nhà osin, một kịch bản nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Lê Khanh đã có những phút trao đổi với phóng viên xung quanh việc chọn lựa Nhà osin để đưa lên sân khấu.
Đạo diễn, NSND Lê Khanh
Giới trẻ mù mờ và thực dụng
* Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều tác phẩm kịch, tại sao chị lại chọn Nhà Osin để "đưa" lên sân khấu?
- Cái này khó nói lắm. Với tôi nó như là cơ duyên vậy, giống như chúng ta không thể lý giải được tại sao hôm nay chúng ta chợt bắt gặp người này ngoài phố mà không phải người kia. Tôi chỉ biết rằng, khi đọc Nhà osin, tôi đã cảm thấy các nhân vật trong đó tôi đều đã từng bắt gặp. Trên đường phố, một đám đông đâu đó ngoài chợ, trong gia đình....đâu đó có bóng dáng nhân vật trong Nhà osin. Những lúc bắt gặp như thế, tôi tự cười một mình. Và khi có ý định chọn vở để đạo diễn, tôi đã nghĩ ngay tới Nhà osin. Kịch bản này rất thú vị.
* Điểm thú vị trong kịch bản Nhà osin theo chị là gì?
- Theo tôi, điểm thú vị lớn nhất là diễn viên đã tìm thấy nhân vật để đóng. Nhân vật không chơi vơi "chân không đến đất, cật không đến giời", nó không phải là xa lạ mà chúng ta sẽ gặp những nhân vật rất điển hình trong cuộc sống. Tức là diễn viên có cái để diễn, để thỏa chí sáng tạo.
Thêm nữa, ngôn ngữ thoại trong Nhà osin cũng rất thú vị, nó mang tính cách của nhân vật rõ ràng, không phải nói hộ cho tác giả. Nhân vật trẻ nhất trong vở kịch là Mêluza vừa ít tuổi, vừa chân ướt chân ráo từ quê ra, hiện thân của những em bé mới lớn chân lấm tay bùn nhưng trong trẻo. Tưởng như nhân vật này chả có vấn đề gì lớn nhưng kết vở có thể thấy cô có sự từng trải bất ngờ. Đấy, thế hệ trẻ, thế hệ con em chúng ta bây giờ mù mờ và thực dụng như Mêluza vậy đó.
* Trong 7 nhân vật, chị ấn tượng nhất nhân vật nào?
- 7 nhân vật là 7 con đường, 7 cung cách ứng ứng xử khác nhau. Một ông Đại tá vui tính, hóm hỉnh, trải đời, rộng lượng. Ông không phải là một người được học hành nhiều nhưng lại có sự thông thái hiền triết. Toàn thân ông toát ra tinh thần hài hước, từ lời nói, nụ cười, ánh mắt, đến cả cách ăn mặc. Để lại ấn tượng cảm thông cho người xem. Một Oanh bé trong trẻo, đẹp đẽ, mong manh, tựa như thiên thần. Vô tư trong đời sống, trong tình dục, trong cuộc đời. Để lại ấn tượng bâng khuâng cho người xem. Một Oanh nhớn mạnh mẽ, hiểu biết, nóng nảy, bặt thiệp. Như một chiếc bóng khổng lồ, bao trùm và tạo ảnh hưởng đến xung quanh. Môt Thủy Trần vô vị, nhạt nhẽo, mặc cảm, có rất nhiều điều lộn xộn ở trong tính cách, loại người như cô sẽ phải chịu đựng những tác động của các thói đời nhiều nhất. Trong vở kịch, cô gần như người chứng kiến, tham gia vở kịch từ đầu đến cuối nhưng vẫn không phải là nhân vật chính.
Một bà Tơ vô duyên nhưng tận tuỵ, cái gì cũng biết, cái gì cũng đều không biết. Một Phú "điên" từ một kẻ ăn cắp trở nên giầu có nhờ làm ăn rất bản năng, không hoa mỹ, không thất vọng, lấc cấc nữa. Nhưng đấy là vẻ đẹp của tuổi trẻ. Một Mêluza mới lớn, hứa hẹn là một lực điền hảo hạng. Trong sáng và nguy hiểm. Và non nớt. Và hy sinh.
* Tại sao nhân vật thứ bẩy có tên Mêluza, một tên nước ngoài trong khi các nhân vật khác có tên thuần Việt?
- Tôi từng được nghe tác giả giải thích Mêluza là tên một con quỷ trong kinh thánh, được tác giả phác tính cách ngắn gọn: trong sáng và nguy hiểm... , nghe cái tên, khán giả phần nào hiểu được tính cách của nhân vật.
* Trong bản phân vai, chị có nhận vai bà Tơ trong kíp 2, sao chị chọn vai này mà không phải là nhân vật khác.
- 30 năm đứng trên sân khấu, tôi có thể khẳng định rằng tôi vào tất cả các vai trong Nhà osin đều "nuột" kể cả vai Đại tá. Tôi muốn dành những cơ hội diễn xuất cho các bạn trẻ. Trong Nhà osin, tôi cố tình chọn cả những diễn viên có kinh nghiệm trên sân khấu và cả những diễn viên mới vào nghề nhưng tôi tin họ sẽ không bị chênh lệch nhau về cách diễn. Nhiều khi sự trải nghiệm và kỹ thuật chỉ chiếm 30% sự thành công của vai diễn. Sự trong trẻo trong vai diễn cũng rất quan trọng.
Không sợ bị "ném đá"
* Nhà hát Tuổi trẻ đã từng đưa Sang sông và Nhà có 5 anh em trai lên sân khấu nhưng tác giả kịch bản Nguyễn Huy Thiệp lại chưa ưng ý lắm, nó chưa nói hết được ý đồ của tác phẩm mặc dù toàn đạo diễn có kinh nghiệm dàn dựng. Một "đạo diễn trẻ" như chị, chị tự tin bởi điều gì để có thể hứa rằng, Nhà osin chắc chắn thành công?
- Cái mà tác giả Nguyễn Huy Thiệp lo nhất và cũng là thực tại của sân khấu những năm trước theo như nhận xét của khán giả là quá nghiệp dư, thiếu tính chuyên nghiệp. 4 năm học khóa đạo diễn, làm việc với nhiều người nổi tiếng, tôi học được ở họ tính chuyên nghiệp trong cách làm việc. Chuyên ngay từ những ngày tập kịch đầu tiên, tôi đã mời tác giả cùng tham dự để ông có thể theo sát được kịch bản. Đạo diễn, diễn viên, tác giả cùng được nói lên ý kiến của mình để làm sao tác phẩm đến với công chúng hoàn hảo nhất. Tôi tránh hoàn toàn sự xung đột giữa đạo diễn và tác giả. Chuyên nghiệp ngay từ lúc chọn và hướng dẫn diễn viên làm sao nói phải ra nói, diễn mà như không diễn..... Tôi tin rằng, với sự chuyên nghiệp trong cách làm việc với kinh nghiệm là diễn viên đứng trên sân khấu 30 năm nay, Nhà osin sẽ thành công.
Thêm vào đó, sở dĩ tôi tự tin đến vậy vì bên cạnh tôi cũng có một ê kíp làm việc cực kỳ chuyên nghiệp, bản thân tên tuổi và sự thành công của họ trong mọi lĩnh vực đã nói lên điều đó.
* Bản thân danh hiệu NSND dành cho chị đã là một ghi nhận đáng kể, mọi người yêu Lê Khanh cũng bởi sự thành công của chị qua các vai kịch, vậy khi quyết định dựng vở Nhà osin, chị có nghĩ nếu không thành công, chị sẽ bị "ném đá".
- Tôi không sợ bị ném đá, nếu sợ tôi đã không làm. Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu mình cố gắng hết khả năng thì mình sẽ thành công
* Thông điệp chị muốn gửi đến khán giả trong Nhà osin là gì?
- Đây là dạng kịch bản, dạng nêu ra vấn đề. Không ai có thể định hướng được bạn hãy chọn hướng đi nào. Rất nhiều kịch bản chỉ nêu vấn đề, khơi gợi những vấn đề trong cuộc sống. Bạn đi theo ngả nào còn do quan điểm sống của bạn, nhu cầu của bạn. 7 nhân vật trong Nhà osin là điển hình cho sự chọn lựa hướng đi ấy, con đường ấy. Và khán giả khi xem xong vở diễn sẽ tự chọn cho mình một hướng đi. Ví như bản thân tôi, là phụ nữ, tôi luôn cố gắng giữ được phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam.
Cho nên, trong Nhà osin, tôi không muốn nhân danh, mà quả thực tôi cũng chả có khả năng nhân danh để hướng cho mọi người một hướng đi. Đó là xúc phạm. Cuộc sống ngày hôm nay, từng tầng bậc thế hệ tri thức và nhận thức. người nào cũng có sự từng trải trong tầng bậc của mình, mình không thể coi thường được. Trong nhà Osin không có nhân vật xấu nhưng cũng không có nhân vật tốt điển hình để ai đó noi theo. Tác phẩm này không có thông điệp duy nhất nào cả.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Theo Vietnamnet