Bí ẩn nghệ thuật tượng sơn thếp (2)

16/09/2012 11:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Phần lớn các pho tượng cổ được thếp lớp vàng khá dày, đôi khi là ba bốn lớp, mỗi lớp dày từ 1-2 mm. Lượng vàng qua nhiều lần sơn thếp của ba bốn trăm năm, mỗi pho tượng có lẽ đến vài kg.

1. Từ thế kỷ 16 trở đi, ít có đền chùa nào không sử dụng tượng đất và gỗ sơn son thếp vàng. Việc sơn thếp tượng cho phép người ta chuyển hẳn lối làm tượng hoàn chỉnh từ một chất liệu, như tượng đá, sang lối làm tượng lắp ghép nhiều phần, đục đẽo thô, đắp sửa bằng đất, rồi sơn thếp ra ngoài.

Quá trình sơn thếp không khác lắm so với những họa sỹ Trường Mỹ thuật Đông Dương làm tranh sơn mài bằng sơn ta truyền thống. Kỹ thuật mài thực ra cũng được sử dụng trong quá trình làm tượng.

Thoạt tiên đẽo từng phần pho tượng gỗ, có thể phân chia các khối đầu, thân, chân và tay (trong tượng ngồi) rồi lắp ráp có mộng vào với nhau. Đây mới là những khối hình học cơ bản, chưa có đường nét chi tiết, sau đó hom bó bằng đất phù sa, mùn cưa trộn với sơn ta thành một cái cốt tượng, như là tấm vóc làm tranh sơn mài.



Tượng Quan âm Nam Hải, thế kỷ 16, chùa Bối Khê (Hà Nội), gỗ phủ sơn

Đến quá trình này người ta bắt đầu làm các chi tiết mặt mũi, áo quần, hoa văn bằng đất trộn sơn, như một pho tượng hoàn chỉnh, chưa sơn thếp, rồi sau đó tiến hành sơn cánh gián cầm, dán vàng bạc cẩn thận "đông đặc" sau đó (nhộm phẩm mầu một số chi tiết, trên áo quần hoa văn...), mài nhẵn, rồi quang ra ngoài một lớp sơn bóng (được pha trộn giữa sơn ta và dầu chẩu).

Những tượng này khi làm xong cũng chưa đẹp ngay, do lớp sơn cánh gián nâu còn dầy, bề mặt tượng chưa trong, nhưng dần dầnqua tháng năm càng ngày nước sơn càng thắm đượm, độ bóng  căng và trầm sâu nhấn mạnh tính trầm tư mặc tưởng của một pho tượng Phật linh thiêng. Lớp vàng bạc lót phía dưới lớp sơn cánh gián làm cho mầu sắc bên trên thêm sáng nhưng trầm.

Nghệ thuật này được gọi là tô tượng, xưa kia điêu khắc gọi là "điêu tô": "Điêu" là khắc xuống, đục đi, "tô" là đắp lên vẽ lên. "Tô" vẽ là khâu quan trong bậc nhất, pho tượng có đẹp hay không là nhờ khâu này, nên thường do các nghệ nhân cao tay thực hiện.

2. Khi khảo sát các pho tượng gỗ phủ sơn thế kỷ 16, chúng tôi thấy quá trình hom bó không quá được chú trọng, người ta đã đục đẽo pho tượng tương đối hoàn chỉnh, lớp sơn phủ bên ngoài không có tính tô vẽ như các tượng gỗ phối hợp với đất phủ sơn từ thế kỷ 17 trở đi.

Người ta không cạo lớp sơn cũ, mà cứ chồng lên lớp sơn mới với lượt thếp vàng mới; càng sơn thếp nhiều lớp tượng càng có vẻ đẹp mỹ mãn, và trầm sâu khó tả

Những pho tượng thế kỷ 16, thường được sơn thếp trực tiếp với lớp lót trong cùng đơn giản, ví dụ như pho tượng Quan âm Nam Hải, chùa Hạ, Vĩnh Phú, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những tượng chân dung quý tộc thế kỷ 17, trong nhiều đền chùa cũng được tạc khối gần như hoàn chỉnh, và sơn thếp có tính trực tiếp như vậy với rất nhiều mầu sắc sao cho giống y phục, trang sức người thật mang hàng ngày. Các chi tiết hoa văn, tràng hạt đều được đục chạm nổi trên bề mặt, chứ không phải đắp sửa bằng đất, tiêu biểu là chân dung các bà hoàng vợ vua Lê Thần Tông chùa Mật, sau này ảnh hưởng đến lối làm chân dung quý tộc chùa Bút Tháp.

Đất và gỗ phủ sơn từ thế kỷ 17 là chất liệu được sử dụng phổ biến, cốt bằng gỗ, chi tiết bề mặt sửa bằng đất. Vàng và son là chất liệu chính trong quá trình tô tượng Phật. Phần lớn các pho tượng cổ được thếp lớp vàng khá dày, đôi khi là ba bốn lớp, mỗi lớp dày từ 1-2mm. Thành thử có nhiều pho tượng lớp sơn dày tới nửa phân.

Lượng vàng qua nhiều lần sơn thếp của ba bốn trăm năm, mỗi pho tượng có lẽ đến vài kg. Thực ra đây là kết quả của nhiều lần tô tượng, người ta không cạo lớp sơn cũ, mà cứ chồng lên lớp sơn mới với lượt thếp vàng mới, càng sơn thếp nhiều lớp tượng càng có vẻ đẹp mỹ mãn, và trầm sâu khó tả. Sau một thời gian dài nhiều lớp sơn bay dần, tùy từng tháng năm lộ ra lúc thì là lớp vàng son rực rỡ, lúc là lớp cánh dán nâu trong sâu, lúc lại lộ những lớp sơn then lót đen bóng trong vô cùng, khiến cho người ta không biết thực chất pho tượng đã được sơn thếp như thế nào.

(Còn nữa)

(*) Xem kỳ 1 trên TT&VH số ra ngày 9/8

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm