Ca sĩ Chế Thanh: “Hãy chung tay tái dựng chùa cổ Hội Sơn”

25/08/2012 07:04 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vào lúc 9h ngày 31/8 (nhằm Rằm tháng Bảy), ca sĩ Chế Thanh phối hợp tổ chức buổi văn nghệ quyên góp tái dựng chánh điện chùa cổ Hội Sơn ngay tại sân chùa, với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ như Minh Béo, Châu Thanh, Ngọc Huyền Châu, Lý Hải, Bích Phượng, Cẩm Tiên, Hồng Tơ, Ngọc Châu, MC Đại Nghĩa…

Như nhiều báo đã đưa tin, tối 17/7/2012, chùa cổ Hội Sơn (khoảng 300 năm tuổi, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia) ở quận 9 TP.HCM đã bị cháy do chập điện. Tại đây không chỉ lưu giữ hàng trăm bộ kinh kệ, 30 tượng Phật bằng gỗ lâu đời, hoành phi, câu đối của vua Khải Định ban tặng..., mà còn là nơi lưu dấu hình ảnh của khoảng 400 đoàn phim (gồm cả phim ca nhạc và cải lương) đến ghi hình.

“Chùa Hội Sơn là nơi thường lưu tới cầu an, cầu phước, cúng dường… của nhiều thế hệ nghệ sĩ, tôi rất mong mọi người hãy tiếp tục đến với chùa nhân dịp này, bởi nhìn cảnh màn trời chiếu đất, không có nơi thờ phượng… thật quá xót xa. Chương trình văn nghệ sẵn sàng kéo dài, miễn có nghệ sĩ chủ động đăng ký biểu diễn, còn mọi đóng góp mong quý vị liên hệ trực tiếp với thầy trụ trì - đại đức Thích Thiện Hảo: 0908.585.099”, Chế Thanh nói trong nước mắt. 

TT&VH có cuộc trò chuyện với ca sĩ Chế Thanh:


Di tích đặc biệt    

* Chùa cổ Hội Sơn với anh và giới nghệ sĩ hay lui tới đây có ý nghĩa như thế nào? Anh biết chùa này từ bao giờ?

- Tôi biết đến Hội Sơn cách đây khoảng 7-8 năm, lúc đang cần một bối cảnh giống như nhà cổ ở Nhật Bản để quay bài hát Ngang trái, thì được một người bạn giới thiệu. Từ đó về sau tôi thường lui tới cúng dường tam bảo và quay những bài hát khác nói về Phật giáo, mà gần đây nhất là ca khúc Chú tiểu ngây thơ trong album Phật đang trong ta, với nhân vật chú tiểu đang là đệ tử của chùa.

Mỗi chùa có một vẻ tôn nghiêm và nét đẹp khác nhau, nhưng tôi ấn tượng Hội Sơn vì kiến trúc độc đáo, vừa cổ xưa vừa pha lẫn nét hiện đại, ở một số góc nhìn rất giống vài ngôi chùa cổ ở Nhật, quang cảnh bình yên và thanh tịnh.

* Khi nghe chùa bị cháy, anh cảm thấy thế nào?

- Dĩ nhiên là rất nuối tiếc, giống như mình đã đánh mất một bảo vật gì đó, không biết chừng nào mới tìm lại được, bạn bè đồng nghiệp chắc cũng giống như tôi nên mới tham gia chương trình này.

Hội Sơn là ngôi chùa cổ khoảng 300 năm tuổi, nơi có sắc phong và nhiều bảo vật của triều đình nhà Nguyễn, chẳng mấy chùa ở TP.HCM có được như vậy, cháy rồi, chẳng thể tìm lại được. Hơn nữa, Hội Sơn có một không gian thoáng đẹp, với đôi chút lãng mạn, rất bắt mắt với các đạo diễn, quay phim. Thầy trụ trì Thích Thiện Hảo lại rất có thiện cảm với anh chị em ca sĩ, nghệ sĩ… nên luôn giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim. Ngược lại, anh em đoàn phim cũng rất quý mến thầy, nên thường lên đây làm “khổ” chùa.


Tấm lòng thành

* Phục dựng lại một chùa cổ vốn rất tốn kém và khó khăn, phải chăng buổi văn nghệ quyên góp chỉ là việc đồng hành với chùa?

- Một người bình thường khi đến hiện trường chứng kiến cảnh chánh điện bị cháy rụi đã thấy đau lòng, huống chi là một Phật tử đã có nhiều nghiệp duyên với Phật pháp như tôi. Cho nên tôi và anh Châu Thanh hội ý với thầy quyết định làm chương trình này, mong sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xa gần, tinh thần là được cái gì mừng cái đấy. Đúng như bạn hỏi, mất mát này là không thể bồi đắp được, nên việc làm này chỉ là đồng hành mà thôi.

* Buổi diễn sẽ gồm những tiết mục gì? Cái gì là điểm nhấn?

- Chúng tôi tổ chức ban ngày để Phật tử tiện việc viếng chùa vì ban đêm xung quanh chùa không có điện. Chương trình sẽ tập trung vào chủ đề Vu lan báo hiếu. MC Đại Nghĩa sẽ giúp chùa quản lý thùng tiền tam bảo và vận động bà con đóng góp ngay tại buổi diễn. Chúng tôi cũng kêu gọi nghệ sĩ xa gần hãy đến với chương trình để nhịp cầu tương trợ được nối dài hơn.

* Tai nạn, hỏa hoạn là điều không ai muốn, nhưng qua câu chuyện này, nếu nhìn từ triết lý nhà Phật, bản thân anh nhận ra điều gì?

- Nhà của tôi cũng mới bị cháy tan hoang “chánh điện”, tức phòng thờ ở lầu thượng, lúc 6h30 ngày 15/8 vừa qua, cũng do sự cố chập điện, đám cháy đã được dập tắt kịp thời do sự trợ giúp của các anh công an phường và bà con khu phố trước khi 2 xe cứu hỏa được điều tới. Nếu không có sự tương trợ hữu hiệu, mình ta không thể sống yên ổn trong cuộc đời này.

Tôi rất buồn vì chùa cổ Hội Sơn không còn, nhưng theo triết lý nhà Phật, chẳng có gì là thường trụ, vĩnh hằng. Con đường đi đến đạo pháp hay chân lý luôn đầy chông gai, thử thách, để xem chúng ta có nản chí hay không, nghĩ như thế, tôi bớt u buồn rất nhiều. Buổi diễn sắp tới cũng là cách ghi nhận lòng thành của anh chị em nghệ sĩ. Họ đến chùa bằng tất cả thiện tâm, không ai nhận một khoản thù lao nào mà cố gắng hát và diễn cho thật hay với những bài hát nói về Phật pháp và lòng hiếu thảo. Chúng tôi muốn xướng lên lời kêu gọi: Hãy chung tay tái dựng chùa cổ Hội Sơn.

Như Hà (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm