04/08/2012 14:31 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Họa sĩ Tôn Thất Bằng sống và vẽ tại TP Đà Nẵng từ năm 1986, anh thành danh trong làng mỹ thuật Việt Nam từ 20 năm nay với hơn chục cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Sáng nay 4/8, Tôn Thất Bằng trưng bày 30 bức tranh sơn dầu khổ lớn tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) với kỹ thuật vẽ và đề tài “không đụng hàng”.
Trong buổi khai mạc, Tôn Thất Bằng sẽ ôm đàn hát ca khúc Chuyện tình lá và hoa - cũng là chủ đề triển lãm này. Tôn Thất Bằng từng học nhạc bài bản tại Huế, điều này khiến tranh Tôn Thất Bằng không chỉ có sự chuyển động của sắc màu mà còn vang lên những âm thanh riêng.
Họa sĩ Tôn Thất Bằng sinh năm 1963 tại Quảng Trị, từ năm 1997 đến nay đã có nhiều cuộc triển lãm cá nhân tại TP.HCM, Australia, Anh, Hong Kong, Mỹ, Singapore... Tranh của Tôn Thất Bằng có mặt trong nhiều bộ sưu tập cá nhân và bảo tàng. Triển lãm Chuyện tình lá và hoa lần này mở cửa đón khách tự do đến 28/8. |
Có thể nói, Tôn Thất Bằng là họa sĩ đầu tiên ở nước ta có logo riêng trên mỗi tác phẩm của mình. Lâu nay sau khi hoàn thành một bức tranh, các họa sĩ thường ký tên và ghi ngày tháng năm sáng tác lên tác phẩm. Hoặc với một số họa sĩ vẽ tranh lụa, tranh thủy mặc..., họ sẽ có con dấu đóng lên bức tranh của mình.
Tôn Thất Bằng thì khác, anh đã sáng tác ra một biểu trưng mang tên Khởi nguồn sự sống và đã đi đăng ký bản quyền từ năm 2006. Khi vẽ xong một bức tranh, Tôn Thất Bằng chỉ ký tên và vẽ logo Khởi nguồn sự sống màu đỏ tươi bên cạnh chữ ký mà không cần ghi thời điểm sáng tác.
Logo Khởi nguồn sự sống
Họa sĩ cho biết: “Trong suốt 20 năm loay hoay tìm tòi, tôi sáng tác ra một hình họa và tôi đã đưa dần hình họa đó vào tranh qua nhiều lần triển lãm. Nhiều người hỏi tôi: Đây là cái gì? Tôi trả lời đó là: Biểu tượng của bào thai (Foetus). Kể từ năm 2012 trở đi, tôi sẽ dùng biểu tượng này trên tất cả các tác phẩm của mình”.
Như vậy logo Khởi nguồn sự sống là biểu tượng của bào thai để tạc nên hình dáng con người. Nhưng Tôn Thất Bằng muốn gắn biểu tượng này lên tất cả tác phẩm còn vì mục đích gì khác? Thật đơn giản, Tôn Thất Bằng giải thích: “Theo truyền thống tôn giáo phương Đông, biểu trưng đó như “lời cầu kinh” hằng ngày trong đời sống, là hơi thở, là sự chuyển hóa, sinh sôi trong vũ trụ sinh động. Tôi thích triết lý rằng cuộc sống không bao giờ biến mất nên quyết định dùng biểu tượng này như một logo lưu dấu cho các sáng tác của tôi”.
Đời người như chiếc lá…
Tranh của họa sĩ Tôn Thất Bằng với kỹ thuật thể hiện rất riêng từ quá trình nghiên cứu suốt 20 năm qua, khiến một nhà sưu tập tranh nước ngoài đánh giá rằng: “Can not copy” - (Không thể sao chép). Trong môi trường tranh nhái, tranh chép “loạn cào cào” như hiện nay, việc ìm tòi ra những cái riêng như kỹ thuật vẽ, biểu trưng, ký hiệu, chủ đề..., đều giúp các họa sĩ “tự bảo vệ mình”.
Một tác phẩm trong triển lãm
Trong tranh Tôn Thất Bằng, ngoài logo đã đăng ký bản quyền Khởi nguồn sự sống, anh còn có rất nhiều “ký hiệu” mà mỗi ký hiệu mang một triết lý riêng để chỉ cần nhìn qua là biết của Tôn Thất Bằng. Chẳng hạn như đồng tiền dùng gieo quẻ âm dương, viên súc sắc tượng trưng cho trò chơi số phận, một sợi chỉ mỏng manh như muốn níu lại thời gian trôi qua không ngừng được...
Đặc biệt, Tôn Thất Bằng vẽ rất nhiều lá trên mỗi bức tranh: lá chìm, lá nổi, lá úa vàng, lá ngũ sắc trên cành... và một loài hoa riêng do anh sáng tác ra không có thực trên cõi đời. Trong bài hát Chuyện tình lá và hoa, Tôn Thất Bằng viết: “Lá và hoa gặp nhau giữa cõi vô thường này/ Em và tôi lạc trong vườn Xuân trần thế đó. Lá và hoa bên nhau đi hết thiên đường này/ Em và tôi, và tôi tan giữa cuộc đời”. “Nếu so với thời gian của vũ trụ, thì con người cũng như chiếc lá thôi” - Tôn Thất Bằng chia sẻ.
Ý thức rất rõ sự hữu hạn của kiếp người, nhưng tranh của Tôn Thất Bằng không bi lụy rằng ngày mai chóng tàn. Ngược lại, anh đem vào tranh mình những gam màu rất tươi, sang trọng và những hình họa gợi nhớ thời thơ ấu chưa biết buồn.
Tranh giàu chất trang trí Tranh Tôn Thất Bằng không theo quy luật thường thấy, như: luật viễn cận, cách pha sắc độ màu sơn, tạo ra nét đậm nhạt, trị sắc (valeurs) theo quan niệm phương Tây trong sơn dầu. Thay vào đó, họa sĩ cấu trúc tranh bằng những nét vẽ khu biệt những khoảnh màu lớn, theo lối vẽ dân gian, như Ai Cập ngày xưa, hay tranh Đông Hồ gần đây, nhưng màu sắc, họa đồ độc đáo, linh hoạt và phong phú, hiện đại, mang dấu ấn riêng, vui tươi, nên giàu chất trang trí... Hai chữ “trang trí” trong quá khứ chưa xa, còn bị rẻ rúng, ngày nay đã được khôi phục lại giá trị. Danh họa Chagall từng vẽ trang trí cho nhiều nơi (như trần Nhà hát kịch Paris), nhưng khi vẽ, dụng công của ông là sáng tạo cái đẹp... Ngoài ra, họa sư Nguyễn Gia Trí cũng từng vẽ trang trí, ai dám chê? (Nhà nghiên cứu Đặng Tiến) |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất