Múa không ế

04/08/2012 07:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Chỉ trong 1 tuần qua, Nhà hát TP.HCM đã có 3 buổi biểu diễn dành cho nghệ thuật múa, và buổi nào khán giả cũng ngồi kín nhà hát và ra về với sự thỏa mãn về những gì đã được thưởng thức. Đó là tín hiệu đáng mừng cho múa, môn nghệ thuật gần như “lép vế” nhất ở nước ta.

“Tay bo” với thị trường

Ngày 25-26/7, vở múa Sương sớm (The Mist) của bộ ba biên đạo Tấn Lộc, Ngọc Anh, Ngọc Khải do các diễn viên vũ đoàn Arabesque của nghệ sĩ Tấn Lộc biểu diễn đã mê hoặc những khán giả có mặt bằng ngôn ngữ của múa, của âm nhạc, ánh sáng, màu sắc và những hiệu ứng sân khấu đặc biệt. Đây là vở múa đã được trình diễn lần đầu tiên tại Festival múa đương đại tổ chức tại Hàn Quốc năm 2011. Với 2 đêm diễn, vé đã được bán gần hết, và hầu như không hề có vé tặng.

Ngày 29/7, vở múa Mảnh ghép của những giấc mơ do Phúc Hùng - Phúc Hải dàn dựng và biên đạo, được thể hiện bởi đoàn vũ của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM cũng khiến cho những khán giả trẻ xôn xao sau khi bước ra khỏi nhà hát. Đây đã là lần thứ tư Mảnh ghép của những giấc mơ được biểu diễn trên sân khấu Nhà hát TP.HCM, lần đầu tiên vở múa này ra mắt là vào tháng 4 năm nay.

3 lần trước, ban tổ chức bán vé hết sạch trước ngày diễn, thậm chí họ còn phải mang số vé mời dự trữ, vốn được dùng để biếu các lãnh đạo ngành văn hóa, ra bán ngay trước giờ diễn vì thấy vẫn có khán giả hỏi mua vé. Lần thứ tư này, vở diễn được Thành đoàn TP.HCM “mua đứt” để thực hiện công tác phổ biến nghệ thuật múa tới lớp công chúng trẻ - học sinh, sinh viên.



Sương sớm tận dụng tối đa hiệu ứng âm thanh, hình ảnh để kết hợp với nghệ thuật múa. Ảnh: Sơn Trà

Ở TP.HCM, những chương trình múa luôn được đón nhận nồng nhiệt như thế. Không kể show Vũ của Linh Nga vốn được tài trợ để thực hiện và không quan trọng việc bán vé nhưng cũng chật kín nhà hát, thì các chương trình múa vẫn luôn được mong đợi. Tấn Lộc và vũ đoàn Arabesque của anh đã dàn dựng, làm mới và biểu diễn vở múa Chuyện kể những chiếc giày 4 lần nhưng lần nào vé cũng được bán hết sạch và vẫn còn nhiều khán giả muốn xem. Vào tháng 8 tới đây, vở múa này sẽ tiếp tục được biểu diễn, lần thứ năm vẫn hứa hẹn sẽ bán hết vé.

Vở Mộc của đơn vị này cũng như vậy, tháng 10 tới, Mộc sẽ lại diễn trên sân khấu Nhà hát TP.HCM, đó là lần thứ ba nó được diễn lại. Tấn Lộc và vũ đoàn của anh đã có kế hoạch biểu diễn ít nhất mỗi tháng 1 lần. Còn đoàn vũ của HSBO, kể từ năm 2010 đã có nhiều chương trình múa cả cổ điển lẫn hiện đại ra mắt và được diễn đi diễn lại phục vụ khán giả và số lượng vé bán ra thấp nhất cũng đạt 85% tổng số vé.

Trong các kỳ Giai điệu mùa Thu do HSBO tổ chức, những đêm dành cho múa luôn thu hút người xem đông nhất. Điển hình là Giai điệu mùa Thu năm ngoái, khán phòng Nhà hát TP.HCM đã không còn một chỗ trống trong buổi diễn dành cho múa, và tiết mục múa đương đại Từ trường được dàn dựng và biểu diễn bởi nghệ sĩ múa Bùi Ngọc Quân, Quách Phương Hoàng cùng 2 nghệ sĩ đến từ châu Âu đã thôi miên khán giả, kéo họ đến gần hơn với nghệ thuật múa. Ngoài ra, những chương trình múa được tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện trao đổi văn hóa cũng luôn nhận được sự chú ý.


Từ trường thôi miên khán giả trong Giai điệu mùa Thu 2011. Ảnh: Gia Tiến

Nhưng nghệ sĩ kiếm tiền ở… nơi khác

Tuy nhiên, “các vở múa chưa bao giờ mang lại lợi nhuận cho đơn vị tổ chức, ngay cả các đoàn múa ở những nước có nghệ thuật phát triển cũng như vậy”, biên đạo múa Phúc Hùng, phó giám đốc kiêm trưởng đoàn vũ của HSBO khẳng định như vậy. Điều này cũng không khó chứng minh. Tập một vở, các nghệ sĩ cũng mất khoảng 2 tháng, tiền thuê sàn tập, thuê nhà hát, thuê âm thanh ánh sáng, đạo cụ… nếu không được hỗ trợ thì cũng đến tiền tỷ, trong khi đó, mỗi một đêm diễn, với giá vé từ 150.000 đến 600.000 đồng như giá vé các chương trình múa vẫn bán thì tổng cộng mỗi buổi diễn chỉ thu về được khoảng 100 triệu tiền vé. Vũ đoàn Arabesque tập luyện Sương sớm ở một phòng tập ngột ngạt nóng bức không có máy lạnh. Và nếu còn nán lại nhà hát sau buổi diễn, khán giả sẽ thấy chính các nghệ sĩ múa khi nãy còn lung linh trên sân khấu giờ đã trở thành nhân viên hậu đài. Họ phải thu dọn, vận chuyển đạo cụ, lau chùi sàn diễn, tham gia dựng cảnh sân khấu ngay từ lúc chuẩn bị cho 2 buổi diễn và tiếp tục công việc này khi diễn xong, nhận hoa từ khán giả. Nhưng ai cũng hồ hởi, bởi với kinh phí eo hẹp mà họ vẫn được múa trên một sân khấu trang trọng với những tràng vỗ tay không dứt của khán giả, điều đó xứng đáng để họ làm tất cả.

Dựng được những vở hay, nếu có thể diễn đi diễn lại thì mục đích của các nhà tổ chức cũng là để cho… đỡ phí, chứ mỗi lần tổ chức là một lần lỗ vốn. Tuy nhiên họ vẫn làm, bởi ngoài việc khát khao được biểu diễn, được múa đúng những gì mình muốn và đem múa đến với công chúng, họ cũng có thêm những công việc khác đem lại lợi nhuận, những công việc đó chính do các đêm diễn lỗ vốn kia mang lại. Hầu hết các đoàn múa đều có chỗ trong các sự kiện khách hàng. Với những vở múa được dàn dựng công phu, như Carmen của HSBO khi có thể “bán” cho một sự kiện đã thu về vài trăm triệu. Tấn Lộc và vũ đoàn Arabesque luôn đắt show sự kiện nhất, với giá tiền cao nhất.

Khán giả của múa, theo thống kê của các đơn vị tổ chức, chiếm gần một nửa vẫn là người nước ngoài. Một nửa còn lại là công chúng Việt nhưng phần đa trong đó cũng là những người đang hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật. Vì thế, “nuôi dưỡng” lượng công chúng nội địa là việc mà các nghệ sĩ múa đang rất trăn trở. Nhìn vào những gì diễn ra trên sân khấu nhà hát TP.HCM những đêm vừa rồi thì thấy, múa Việt Nam đang tiệm cận với múa thế giới, các nghệ sĩ thế hệ mới đã rất ý thức tới việc kết hợp nghệ thuật múa với những ứng dụng hiện đại của công nghệ. Họ đang xây dựng hình ảnh mới của múa Việt, và đó chắc chắn không phải những chương trình múa với quần xanh áo đỏ cờ quạt chạy khắp sân khấu tổ chức ra chỉ thu hút vài anh đồng tính lâu lâu được diễn ở Nhà văn hóa Thanh Niên.

D.V.A

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm