Nhóm đạo diễn Afghanistan: “Gửi thư tình” tới Kabul

27/07/2012 06:36 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Một thập kỷ sau khi Taliban (một chính quyền căm ghét điện ảnh) sụp đổ, một nhóm đạo diễn Afghanistan đã tạo dựng một "bức thư tình điện ảnh" cho thủ đô của họ. Đó là bộ phim Kabul I Love You (tạm dịch: Tôi yêu Kabul) của nhóm đạo diễn, kể lại 10 câu chuyện về cuộc sống ở Kabul.

Đây là câu chuyện bắt nguồn từ hiện thực ác nghiệt của cuộc sống thường nhật ở Kabul - thành phố đã bị chiến tranh xé nát. Những cuộc hôn nhân bị ép buộc, nạn buôn người, những vụ tước đoạt đất đai bất hợp pháp, những vụ nổ bom và xung đột tôn giáo - cuộc sống ở thành phố Kabul quả là không ít vấn đề. 


Một cảnh trong phim Kabul I Love You của Afghanistan.

Làm phim từ "đống tro tàn của điện ảnh"

Nền công nghiệp điện ảnh Afghanistan bị đình trệ trong 17 năm chiến tranh và bị “thui chột” hoàn toàn dưới thời cai trị của Taliban.

Trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2001, những người quản lý hà khắc của chế độ này đã đóng cửa các rạp chiếu phim và treo tivi lên các cột đèn. Họ coi tất cả các hình ảnh đều chống đạo Hồi. Thậm chí, nhiều tác phẩm điêu khắc cũng trở thành mục tiêu đập phá, điển hình là các bức tượng Phật khổng lồ hơn 1.500 năm tuổi nổi tiếng ở Bamiyan đã bị giật đổ.

Giờ đây, sau hơn 10 năm, nền điện ảnh Afghanistan đang chật vật hồi phục trong nền kinh tế kiệt quệ.

Theo nhà làm phim tài liệu Malek Shafi'I, Afghanistan hiện sản xuất được khoảng 100 phim/năm, nhưng những bộ phim đó thường được làm bằng số kinh phí rất nhỏ và thường rất nghèo nàn.

Gian nan tình yêu Kabul   

Với sự tài trợ của UNAMA - Phái bộ hỗ trợ Liên hiệp quốc tại Afghanistan, phim Kabul I Love You được coi như một tác phẩm thúc đẩy nền điện ảnh của đất nước này. Phim gồm 10 câu chuyện xen kẽ nhau.

Ario Soltani, thuộc UNAMA, cho biết ý tưởng làm bộ phim này là khuyến khích các nhà làm phim phát triển các ý tưởng riêng của họ. “Chúng tôi muốn tiếp cận và hỗ trợ với các nhà làm phim, kết giao với người dân Afghanistan. Những bộ phim mà họ làm ra không phải là thông điệp của chúng tôi, mà là của họ. Chúng tôi hy vọng chúng phản ánh xã hội và những tư tưởng của Afghanistan”.

Song dự án điện ảnh được tài trợ này chưa phải là một thành công bởi 1 trong số 11 đạo diễn được chọn từ 200 thí sinh đã phải trốn khỏi đất nước ngay sau khi anh “chạm tay” vào khoản tiền 8.000 USD của UNAMA. Một đạo diễn khác cũng đã phải tới lánh nạn ở Iran sau khi bị đe dọa.

Mặc dù gặp phải những “sự cố” đó, song bộ phim vẫn được xúc tiến và đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt khi được trình chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Kabul hồi tháng 5.  

Xem phim, người ta thấy một số đạo diễn vẫn còn “non nghề” và nhiều phần trong phim cho thấy họ còn thiếu trải nghiệm: các nhân vật quá cường điệu, lời thoại thông tục và tiết tấu phim quá chậm.

"Gần chạm tới hiện thực của Afghanistan”

Nhưng một số đạo diễn lại thể hiện được sự tinh tế với lời thoại phim mộc mạc. Chẳng hạn như câu chuyện Virgin Towers của Farhad Razae là sự lên án đầy cay đắng về nạn hôn nhân ép buộc ở Afghanistan.

Đoạn phim này kể về một người phụ nữ trẻ đẹp đã phải trốn gia đình tới một nhà thờ Hồi giáo nhằm thoát được cuộc hôn nhân với một trong những người họ hàng của mình. Thế nhưng, một người hàng xóm đã phát hiện ra cô và báo cho cảnh sát. Hơi thở nặng nhọc và tầm nhìn bị hạn chế do chiếc burqa (áo dài của phụ nữ Afghanistan có phần vải trùm lên đầu) mà cô mặc để che giấu bản thân khiến người xem cảm thấy rùng mình với thân phận của người phụ nữ ở Afghanistan.

Rezae cho biết, anh làm bộ phim này dựa vào những trải nghiệm mà anh nhìn thấy trong một nhà thờ Hồi giáo khi còn nhỏ. “Thời điểm đó, có một cô gái tới nhà thờ cầu nguyện. Nhưng khi mọi người ra về, cô vẫn còn nán lại nhà thờ 2 tiếng. Tôi muốn biết cô gái đó là ai, nhưng tôi không dám và kết cục là tôi không hỏi được cô đã gặp rắc rối gì” - Rezae nói.

Nhà làm phim Shafi'i ca ngợi câu chuyện của Rezae và nhận định “Rezae đã tiếp cận gần tới hiện thực của Afghanistan” hơn các nhà làm phim khác.

Theo ông Shafi'i, trong 5 năm qua các nhà văn và nghệ sĩ đã cố gắng phá bỏ những ranh giới vẫn còn tồn tại trong xã hội cực kỳ bảo thủ ở Afghanistan. “Giờ đây, mọi người bắt đầu nhận ra rằng nếu họ vượt qua các biên giới, chẳng có điều gì xảy ra với họ” - Shafi'I cho biết.

Có thể nói Kabul I Love You là một thông điệp hy vọng của những nhà làm phim đang bắt đầy nảy nở tài năng ở Afghanistan.

  Tuấn Vĩ (lược dịch)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm