(TT&VH Cuối tuần) - Không người đẹp bên cạnh, không cà phê đàn đúm, không xuất hiện tại các sự kiện lớn nhỏ trong làng giải trí, không bộ ảnh thời trang nào gắn với tên anh xuất hiện trên Heritage, Heritage Fashion… - toàn những thứ mà lâu nay người ta tưởng rằng không thể không gắn với cái tên Lê Thanh Hải, một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu và dân chơi hi-end thứ thiệt ở Sài Gòn. Đổi lại tất cả những thứ “không” ấy, với Lê Thanh Hải, là một không gian đặc biệt, của riêng anh. Một ngôi nhà không có đàn bà.
Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải. Ảnh Quốc Khánh
Nghệ thuật và tình yêu giống nhau
* Thú thực, tôi không thể hình dung từ phố Đồng Khởi “hoa lệ” của Sài Gòn, anh, người đàn ông mà xung quanh xưa nay lúc nào cũng đầy các người đẹp, hoa hậu, siêu mẫu…, lại chấp nhận về “ở ẩn” trong cái ngõ nhỏ, quá nhỏ và xa trung tâm như thế này.
- Nó xa trung tâm và ở trong ngõ thật nhưng đây mới thực sự là không gian làm việc của tôi, đáp ứng mọi yêu cầu về không gian làm việc chuyên nghiệp. Tôi đã mất 2 năm để hình thành nó từ ban đầu. Với tôi, nhà đẹp không có ý nghĩa bằng đó là không gian của mình. Không gian của mình, với tôi, được tính từ cửa trở vào, chứ không phải từ mặt tiền đổ ra. 30 năm rồi, nhiều lần đổi nhà, nhưng đây mới đúng là ngôi nhà đầu tiên của tôi. Lênh đênh mãi rồi cuối cùng cũng có ngôi nhà của mình!
* Ngôi nhà theo quan niệm của mọi người, là chỗ để ở, để bỏ mọi công việc ở bên ngoài. Còn anh, nhà lại là không gian làm việc, nghe hơi… bất bình thường. Ngôi nhà này quả thật cũng chả giống ngôi nhà nào tôi từng biết, khi phòng ở của chủ nhân vừa nhỏ vừa tuềnh toàng nhất, ngược lại hoàn toàn với những phòng thu, phòng dựng, sân khấu chơi nhạc… Anh định làm việc thay cho sống à?
- Tôi là người sinh ra để làm việc. Sự thụ hưởng của tôi được lồng trong chính công việc tôi đang làm. Không gian sống của tôi chính là không gian công năng để làm việc.
* Anh được thiên hạ biết tới là một nhiếp ảnh gia “chuyên trị” thế giới người đẹp, cũng là một tay chơi và bán buôn có hạng trong giới nghe nhìn, mấy năm trước làm nhà sản xuất âm nhạc ra được mấy album và show diễn đình đám… Tôi đã liệt kê hết việc của anh chưa nhỉ? Rốt cuộc, tôi cũng không biết gọi anh là gì cho đúng?
- Thực ra tôi là dân thiết kế mỹ thuật (tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), đáng lẽ nghề của tôi là thiết kế nội thất, có thể… giàu to. Tôi chụp ảnh, khách quan nhận xét, cũng là người chụp tốt trong số những người chụp tốt, vẽ cũng khá, làm nhạc không nhảm nhí. Nhưng tôi không có quan niệm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” trong nghệ thuật. Người ta hay thích hỏi: Anh là ai? Anh làm gì? Câu này nghe rất cũ. Người làm nghệ thuật có thể làm nhiều thứ, nhưng trong đó có một thứ làm họ mê nhất. Với tôi, đó chính là âm nhạc. Nhưng vì mê nhạc nhất nên tôi không học nhạc, tôi muốn dành cho nó sự thưởng ngoạn. Nếu cứ thích gì làm nghề đó thì buồn, nhất là ở Việt Nam, càng làm sẽ càng thấy buồn. Giống như người đẹp ấy, nếu yêu thì đừng lấy, chỉ yêu thôi. Nghệ thuật và tình yêu giống nhau, đều cần sự tận hiến. May mà tôi không học nhạc, nếu không sẽ buồn nốt! Còn công việc sản xuất âm nhạc hiện nay, tôi chỉ lấy đó làm niềm vui, không phải để kiếm sống. Thứ mình yêu nhất thì không thể kiếm sống. Kiếm sống bằng những thứ khác!
Có duyên với số ít
* Trong ngôi nhà của anh, tôi thấy có không gian để làm phim, không gian làm nhạc và không gian chụp ảnh. Anh kiếm sống bằng những không gian nào?
- Chụp ảnh, làm phim, làm nhạc đều là những thứ tôi yêu thích. Nhưng tôi không có duyên với những gì thuộc về số đông, đại chúng. Tôi chỉ có duyên với số ít. Tôi chấp nhận làm ít tiền nhưng tử tế với những thứ mà tôi yêu thích và sẵn sàng từ chối những việc kiếm tiền nhảm nhí. Hơi buồn là mình sinh ra ở xứ nghèo nên mọi thứ được đánh giá thành công đều được quy ra bằng tiền!
* Hồi anh là một tên tuổi “hot” trong làng nhiếp ảnh thời trang, ảnh lịch và ảnh quảng cáo, hình như cũng kiếm được nhiều tiền?
- Tốt, rất tốt thì đúng hơn, khi tôi còn chụp nhiều ảnh lịch, chụp cho báo và chụp hình quảng cáo, nhưng chưa bao giờ giàu vì chụp ảnh cả. Khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, sự dễ dàng khi chụp ảnh và sự dễ dãi của công chúng khiến việc chụp ảnh không còn hấp dẫn nữa. Với tôi, nhiếp ảnh là cái nhìn. Và nghệ thuật chỉ có đẹp-xấu, hay-dở, không có chuyện “hot” hay “chìm”. Thế mà bây giờ những chữ này nhan nhản khắp nơi (công ty vệ sinh lấy đâu ra người làm mà “hót” lắm thế!?). Khi tôi làm biên tập âm nhạc, phải nghe rất nhiều, mới giật mình phát hiện ra có những ngôi sao ca nhạc mà nghe 5-6 album không chọn được bài nào, toàn nhảm nhí không!
* Ôi, ôi, vậy là anh lại sắp buồn vì âm nhạc rồi! Thế mà anh bảo không dấn thân với âm nhạc, để đỡ buồn!
- Không, tôi sắp có sân chơi âm nhạc của mình rồi. Đấy là không gian Góc nhỏ âm nhạc trong chính ngôi nhà tôi. Một số người cũng đang rất buồn, rất bi quan về tình hình âm nhạc hiện nay, nhưng khi tới đây, nhìn thấy những gì ở đây, họ nói họ thấy vui và hy vọng. “Góc nhỏ” thôi nhưng là sân chơi cho những người làm nhạc. Ở đây chúng tôi sẽ làm những chương trình âm nhạc theo chủ đề, chơi “live” thật sự từ bản phối khí đến phong cách chơi và thu “live” toàn bộ theo phong cách acoustic. Các nghệ sĩ đến sân khấu này phải đúng là chơi nghệ thuật, phải say sưa và đầy sáng tạo. Những chương trình như vậy sẽ được sản xuất để bán lại cho các đài truyền hình.
* Các đài truyền hình đang tràn ngập những show truyền hình thực tế, giải trí, lắm xì-căng-đan và những chuyện “hot” kia, liệu họ có quan tâm đến những chương trình say sưa và đầy sáng tạo của anh không?
- Gần như 100% các chương trình ca nhạc trên truyền hình hiện nay đều hướng đến đám đông. Vậy ai sẽ hướng đến số ít. Có Britney Speare chẳng lẽ nhạc cổ điển không tồn tại à? Mọi thứ cao thấp đều tồn tại cùng nhau, đấy mới là một xã hội bình thường. Tôi tin là ngoài những thứ bạn nói vẫn có những chương trình khác có công chúng, dù là ít.
Trước khi bắt tay vào làm những chương trình như vậy, tôi cũng đã dự tính những gì bạn nói. Thực tế đúng là xám xịt như dự tính. Một không gian nghệ thuật đang xám xịt. Nhưng không có nghĩa là đen kịt. Giữa đêm đen, vẫn có một vài ngôi sao, dù bé tí nhưng đẹp vô ngần.
* Anh có vẻ lãng mạn quá, không đúng với những gì mọi người nói xưa nay về Lê Thanh Hải, rằng anh là một người rất thực tế.
- Tôi vẫn thực tế đấy chứ. Nhưng là thực tế kiểu của tôi. Tôi không muốn làm những sản phẩm rẻ tiền nữa mà muốn làm những sản phẩm được đầu tư cẩn thận, dù chúng có thể chỉ xuất hiện trong phạm vi hạn chế. Dĩ nhiên, bây giờ mà làm như thế thì mình phải hy sinh. Mình phải luôn làm với 120% khả năng.
* Có ai dám hy sinh cùng anh?
- Nhiều người tử tế và tâm huyết với nghề rất ủng hộ công việc tôi đang làm. Buồn thay, người quyết định lại không phải là họ. Có người, thấy tôi quen biết nhiều người đẹp, nói xin lỗi, bảo “mày kiến thiết cho tao người đẹp A., tao đưa mày mười ngàn đô”! Đám đông có tiền giờ này toàn nghĩ thế cả. Cô X., cô Y. hoa hậu, xin vài trăm triệu tài trợ dễ như không. Mình thuyết phục họ làm chương trình tử tế đầu tư vài chục triệu thì họ thờ ơ. Lạ thật đấy, người ta trong đời còn bao nhiêu thứ để tự hào, tại sao cứ phải là “ngủ với người đẹp, với hoa hậu”? Tôi nghĩ đó là sự ích kỷ bản thân. Của cải là của xã hội mang lại cho người ta. Khi của cải dư thừa so với nhu cầu bản thân thì anh nên chia sẻ lại cho xã hội. Đừng cái gì cũng “làm ăn” cả là không ổn, như thế tàn nhẫn quá.
* Nhưng anh chắc chắn không phải đại gia rồi. Có ai bắt anh phải chia sẻ lại cho xã hội đâu, nhất là vào thời buổi này người ta ai cũng lo thắt ví thật chặt thế này, anh thì lại chấp nhận là con nợ ngân hàng cho những dự án nghệ thuật “không làm ăn”, có phải là hơi bất bình thường không?
- Bạn, cũng giống như một số người, muốn nói tôi là “ẩm IC” chứ gì? Nếu là người bình thường, với số tiền tích lũy bằng đấy năm lao động, đem gửi ngân hàng thì sống thoải mái chẳng lo làm gì. Nhưng nếu ai cũng đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi để sống, vậy thì xã hội ra gì? Tôi làm, dù lãi không bằng gửi ngân hàng, nhưng vẫn phải làm. Nhiều người khác cũng giống như tôi vậy, thế thì xã hội mới tồn tại được chứ. Nếu ai cũng khôn như bạn nghĩ, thì ai sẽ làm những điều tử tế đây? Trong tiểu thuyết Rừng Na Uy (Haruki Murakami) có một câu về người quân tử thế này: Người quân tử làm điều nên làm, không phải điều mình thích làm. Ai chẳng thích làm điều mình thích. Nhưng người tử tế phải nghĩ tới cộng đồng, phải làm cho những gì ngoài mình.
Tôi ý thức rõ những gì mình làm nên dù gặp khó khăn cũng không cảm thấy hụt hẫng, không bất mãn. Niềm vui trong mắt mọi người khi tới ngôi nhà này là hạnh phúc của tôi rồi.
Người đàn bà hay là người đàn bà kiên nhẫn
* Trong ngôi nhà đầu tiên thực sự của anh này, tôi không thấy chỗ cho phụ nữ. Một ngôi nhà không có đàn bà. Có phải là ích kỷ không?
- Lúc này tôi đang rất dè dặt với phụ nữ bởi người phụ nữ đến với tôi sẽ phải hy sinh quá nhiều, họ phải yêu thương tôi lắm thì mới chịu được. May mắn con trai tôi là người yêu nghệ thuật. Cháu hiểu, yêu và hạnh phúc với cuộc sống hai bố con côi cút với nhau. Tôi có nói với con: Mình ở xứ nghèo nên lúc nào cũng mơ đến tiền, nhưng những cái gì mà tiền mua được thì đều rẻ rúng, còn cái cao quý thì tiền không mua được đâu.
* Người đẹp từng là một phần trong cuộc sống của anh?
- Đàn ông lúc ban đầu ai chẳng mơ cô xinh đẹp. Nhưng mức độ yêu cầu càng ngày càng lớn, không phải là xinh đẹp nữa, mà phải hay. Hay mới quan trọng. Trước đây tôi toàn quen người đẹp, không người nào là không đẹp cả. Nhưng nay đời nhiều cám dỗ lắm. Càng người đẹp càng nhiều cám dỗ. Nếu mình không đáp ứng được thì người ta thiệt thòi. Vả lại mình cũng rất buồn: vì cái người ta muốn có phải là con người mình đâu, người ta muốn mình làm bệ phóng. Tất nhiên người ta đến với tôi thì cũng được thành công bằng “đi đường tắt”. Với tất cả những người phụ nữ từng bên cạnh tôi, tôi đều làm cho họ tận cùng cái tôi có thể.
* Cho tôi tò mò một tí. Người đàn bà hay, theo quan niệm của anh là thế nào?
- Rất ngắn gọn: hay là nhẫn, là kiên nhẫn. Những người đẹp mà tôi biết, họ đều hay, nhưng họ không đủ kiên nhẫn. Mà con đường của tôi thì dài, đi chậm, như thế muốn đi đến tận cùng, phải kiên nhẫn. Cuộc sống bây giờ quá nhanh. Chưa người nào đủ kiên nhẫn đi cùng tôi. Nên bây giờ, tạm thời, tôi đi một mình.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh. Hy vọng anh sẽ sớm hết cô đơn trên con đường của mình.
P.T.T.T