Xem kịch của những phụ nữ bị… chồng đánh

18/06/2012 13:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đem chuyện “đời thật” lên sàn diễn, chín phụ nữ của Tôi ơi đừng tuyệt vọng đều có một điểm chung: đã và đang là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Thậm  chí, trong suốt quá trình vở kịch hình thể này được dàn dựng tại NH Tuổi trẻ (Hà Nội), 2/3 trong số những nữ diễn viên nghiệp dư này vẫn gặp những phản ứng gay gắt từ phía… đức ông chồng. Điển hình, một ngày trước buổi công diễn (tối 15/6), đạo diễn Như Lai đã phải tính tới phương án dùng một diễn viên chuyên nghiệp để thay thế cho N. -  gương mặt trẻ nhất của vở. Lý do: xung đột dữ dội trong gia đình chị vì tội “vạch áo cho người xem lưng”.



Cảnh trong vở Tôi ơi đừng tuyệt vọng.

Tôi ơi đừng tuyệt vọng là vở kịch hình thể tương tác do NH Tuổi trẻ phối hợp dàn dựng cùng CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên). Qua những đợt khảo sát cộng đồng, CSAGA đã lựa chọn và thuyết phục được chín phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình để tham gia vở diễn. Cộng cùng họ là năm thành viên nam, từng có hành vi bạo lực gia đình và nay đã… giác ngộ.

“Ngoài đời, các chị đều là “chủ lực kinh tế” trong gia đình, đều làm những công việc như đi bán hoa quả hay giúp việc nhà”- Như Lai nói - “Và, tôi thật sự xúc động khi thấy họ dám chấp nhận sức ép của gia đình để bước lên sân khấu như những chứng nhân của nạn bạo hành. Một tháng tập vở, tôi liên tiếp bị… mất diễn viên, bởi những phản ứng tiêu cực từ phía gia đình các chị”.

Tôi ơi đừng tuyệt vọng gồm 2 phần. 15 phút đầu của vở diễn là những động tác hình thể và vũ đạo về nỗi đau và sự tủi hờn của những người phụ nữ đang hứng cảnh “nay đấm mai đạp” từ người bạn đời của mình. 15 phút sau, bằng những tiểu phẩm kịch nói, câu chuyện được đẩy lên xa hơn để hướng tới nạn… “bạo hành tâm lý” mà 3 người phụ nữ đang gánh chịu: một có chồng đam mê cờ bạc, một có chồng bạo dâm về sinh lý, một có chồng luôn trầm cảm, ghen tuông và nghi ngờ…

Sự thực, câu chuyện đặt ra trong Tôi ơi đừng tuyệt vọng không mới, và vở diễn cũng chưa thật hoàn hảo nếu chiếu theo những tiêu chí khắt khe về sân khấu chuyên nghiệp. Nhưng, trong đêm công diễn, những tràng pháo tay luôn tràn ngập khán phòng NH Tuổi trẻ - khi người xem cổ vũ những phụ nữ dũng cảm, sẵn sàng công khai chia sẻ sự bất hạnh của mình trên sân khấu.

 Ngô Thị Tình (Yên Thường, Gia Lâm), “diễn viên” trong tiểu phẩm về sự cam chịu trước người chồng mê cờ bạc, kể khá chân thành: “Dù là diễn kịch, nhưng những gì xảy ra trên sân khấu chính là câu chuyện của tôi. Thậm chí, ở ngoài đời, những đau đớn về tinh thần tôi phải gánh chịu còn lớn hơn khá nhiều. Được CSAGA mời tham gia, tôi cũng rất lo lắng về những gì sẽ xảy ra từ phía chồng mình. Nhưng, việc được chia sẻ và lên tiếng về nạn bạo hành là điều khiến tôi sẵn sàng chấp nhận…”.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm