Lam & Linh

16/06/2012 08:13 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) -Cầm tay mùa hè 2012 trong hai đêm cuối tuần qua (9-10/6), chắc là một trong số rất ít những đêm nhạc “đẳng cấp” của chúng ta hiện nay. Sân khấu đơn giản, ánh sáng đơn giản, nhưng âm thanh tuyệt vời, và âm nhạc thì đã trả lại cho Nhà hát lớn vị trí “thánh đường” của nó. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, Thanh Lam và Mỹ Linh cùng với Phương Đông và Anh Em lần lượt hát chung, hát riêng các ca khúc nổi tiếng của của Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Dương Thụ, Thanh Tùng, ... Sự kết hợp của hai “divas” số 1, hai nhạc sĩ “thủ lĩnh”, và hai ban nhạc hàng đầu sau ngần ấy năm, như thể mời mọc chúng ta quan sát so sánh những cá tính âm nhạc này, và đôi khi cũng có thể có những phát hiện thú vị.

Nghe

Lam và Linh chắc đã từng hát cùng nhau đâu đó, nhưng sự hòa giọng lần này được coi là chính thức và được công chúng mong đợi. Từ Bài hát ru cho anh mở màn, cho đến Đố tình kết thúc chương trình, hai giọng “divas” cùng hòa quyện tung hứng, thấy rõ ràng hai “chất” nhạc khác nhau. Lam dữ dội phá phách, Linh dịu dàng nồng nàn. Lam âm sắc alto trầm đục dầy dặn, Linh mezzo-soprano trung cao trong sáng bay bổng. Lam đóng mở từng âm tiết rõ ràng như “tây”, Linh tự nhiên hát nói như “ta”. Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý có cái ngọt ngào ới ơ của Lam, có cái thủ thỉ ơi à của Linh, có lẽ là bài song ca hay nhất và làm khán giả vừa ngạc nhiên vừa thích thú nhất ở chương trình này. Tuy cả hai đều thoải mái hòa giọng, dường như Lam vẫn có đôi phần lấn át, như thể cái dữ dội của chị phần nào át đi cái dịu dàng của Linh.

Nhân thể so sánh, cũng phải khách quan đánh giá, Linh hát Ngày không mưa, Lam hát Sao không về với anh của Quốc Trung không bằng được Hồng Nhung. Hai chị hát chẳng có gì mới mẻ, cũng không làm hay thêm cho hai bài này, Ngày không mưa của Linh nhạt nhòa như… karaoke, Sao không về với anh của Lam “kịch” một cách không cần thiết. Trong tổng thể những bài hát đỉnh, các ca khúc này tự nhiên trở thành điểm dở nhất chương trình. Duy chỉ  Tình yêu ở lại, Linh hát đơn giản, nhưng có cái gì đó chân thành thật thà, có lẽ là sự đồng cảm của Mỹ Linh với bài hát, cùng với những đoạn hát bè rất đắt của Anh Quân, thật sự lay động người nghe.


Mùa xuân qua, một bài “lạ” của Quốc Trung, nhưng thực ra lại là một bài đã có trong album cassette đầu tiên của Thanh Lam ngay sau khi chị được Giải thưởng lớn cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991, ngày ấy chúng tôi chưa cảm được, đến giờ nghe lại cũng vẫn chưa thấy hay mấy. Mặc dù giới thiệu là jazz và được phối khí lại cho ra chất jazz, e rằng nó vẫn chỉ là một bài pop, vì không thấy có mầu gì “ngẫu hứng” hay “lãng đãng” jazz cả. Khác với Con bướm vô tình của Anh Em, lời hát khó đọng lại gì, nhưng nhạc thì “tây” thật, lại được Lam hát, xem ra đáng nghe hơn. Chỉ tiếc Lam không giới thiệu bài nào mới, mặc dù năm ngoái cũng trong chương trình này, chị giới thiệu một bài hát mới thu xong trong album làm với Quốc Trung. Công chúng và người hâm mộ chắc vẫn phải chờ đợi.

Không chỉ có Lam đã hát đến độ “chín”, chữ của nhạc sĩ Dương Thụ, mà Linh cũng “chín” tới rồi. Nghe album mới đây nhất, Tóc ngắn Một ngày, cũng như nghe đêm nhạc Và em sẽ hát gần đây của cô, Linh hát đằm thắm mặn mà hơn hẳn Linh ngày xưa. Khách quan mà nói, khi đem những đĩa nhạc cũ ra nghe lại, thậm chí kể từ các bản thu nhạc Trịnh Công Sơn mà Linh không coi là chính thức, cô quả thực chưa có được cái ngọt ngào tinh tế bây giờ, nhưng lại có cái sự vẹn nguyên, cái trực cảm hồn nhiên, trong trẻo của tuổi trẻ. “Tuổi nào nhạc nấy”, lại chữ của nhạc sĩ Dương Thụ. Nhưng quan trọng là cái “chất”, cái “hồn” hát của Linh vẫn thế, không có gì khác, vẫn dịu dàng nồng nàn và chân thành. Cái “chất” ấy hợp với Tình yêu ở lại, cũng như hợp với Chuyện tình của Anh Quân và Hát thầm của Huy Tuấn, hợp với “chất” nhạc của Anh Em.

Bài hát Lam hát xúc cảm nhất đêm diễn có lẽ là Em và đêm, như thể chị hát về nỗi cô đơn của mình, hát về tình yêu của mình (ở đêm diễn đầu tiên, có lẽ cũng vì quá chìm đắm trong xúc cảm với bài này mà Lam đã gặp sự cố trên sân khấu với thùng loa). “Mắt em hoang dã”, Lam nức nở, cái khát khao yêu thương của chị nó “dữ dội” quá, nó “thật” quá, nó “chạm” được vào những trái tim cô đơn cũng khát khao yêu thương của khán giả. Giọng hát “điên loạn” của Lam làm cho phần phối của dàn nhạc như “hiền” quá, không theo được với cái lửa cuộn cháy bỏng trong chị. Cái “chất” của Lam có lẽ là ở đấy, dường như lẩn khuất đâu đó từ ngày chị còn là cô bé hát Đàn sếu, và sáng bừng khi chị hát Chia tay hoàng hôn và Giọt nắng bên thềm ở cuộc thi năm nào, và tới Em và đêm cái “chất” ấy thỏa sức bung phá.



Và thử nghĩ

 “Phong cách”, “con đường âm nhạc”, những thuật ngữ mà người ta thường sính dùng, có lẽ chỉ là bộ áo khoác ngoài, người ta có thể tùy gu mà thích hay không tùy thời điểm, cái “chất” nhạc của ca sĩ dường như mới là thứ sẽ còn đọng lại lâu bền trong lòng công chúng. Câu chuyện Mỹ Linh hát nhạc Anh Em lại được nhắc đến trong chương trình như một điểm nhấn. Linh đi cùng/hay có thể nói là đi theo Anh Em từ 2000-2001. Nay đã hơn 10 năm rồi, xem ra cô cũng chưa có ca khúc nào thực sự vượt được Hương ngọc lan, Chuyện tình, Trưa vắng, Hát thầm, Tóc ngắn ngày ấy (album Tóc ngắn 1 và 2). Đó là chưa kể đến cái “chất” Việt, “chất” ta của Linh khi cô hát Chị tôi hay Trên đỉnh Phù Vân góp phần không nhỏ trong việc “ta” hóa những cái “tây” trong nhạc Anh Em để đến được gần hơn với công chúng. Gần đây mặc dù cũng biết Mỹ Linh đã hát trong một vài đĩa nhạc Phạm Duy, nhưng chỉ đến khi nghe cô hát Tiếng sáo thiên thai mới thấy hay đến ngỡ ngàng, thấy cái “chất” Việt của Linh sao mà hợp với cái chất “âm lịch” của tác giả đến thế. Lại có tiếng flute của Huy Tuấn, tiếng guitar của Anh Quân, một sự kết hợp tuyệt vời. Một album Linh hát nhạc Phạm Duy có thể là một ý tưởng hay chứ, thực sự mới hẳn đi thì chưa chắc, nhưng chỉ cần chân thành như Tình yêu ở lại là cũng đủ chinh phục khán giả rồi.

Cuối chương trình đêm cuối nhạc sĩ Dương Thụ lên tặng hoa và hồn nhiên chia sẻ với khán giả. Diện một cái áo “chim cò” rất thanh niên, con người ông trẻ trung hơn nhiều so với cái tuổi 70 ông tự nhận. Người ta chợt thấy sự ảnh hưởng ghê gớm của Dương Thụ đối với những người được gọi là “thủ lĩnh” nhạc trẻ hiện nay, bởi nhiều bài trong chương trình là của ông viết, hoặc làm lời và biên tập. Thanh Lam sau một thời gian thỏa sức với Lê Minh Sơn có lẽ cũng chưa thực sự tìm được một đối tác mới hợp “chất” nhạc với mình. Nhưng quay lại với Bài hát ru ngày nắng có khi cũng không phải một gợi ý tồi. Chẳng phải chị đã từng say đắm Bài hát ru cho anh, hay khắc khoải Gọi anh biết bao lần sao. Bởi công chúng và những người hâm mộ chúng tôi vẫn chờ đợi.

Bảo Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm