08/06/2012 07:08 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Dịp Quốc tế Thiếu nhi vừa qua, phóng viên TT&VH cùng nhiều phụ huynh đưa con tới Công viên 23/9 (TP.HCM) xem chương trình hợp tác giữa Liên đoàn xiếc Việt Nam và Đoàn Xiếc Côn Minh (Trung Quốc) và ra về…luống những ngậm ngùi. Từ thiết kế áp phích, poster, tờ rơi cho đến in vé, rõ ràng chủ đích là để giới thiệu đại diện đến từ Trung Quốc. Dù xiếc thú chỉ tham gia có tính cách phụ họa, nhưng trên tổng thể của chương trình, mấy tiết mục đại diện của Việt Nam thể hiện rõ sự nghèo nàn, cả về kinh phí, công phu và ý tưởng.
1. Đừng nói riêng khu vực châu Á, mà ngay cả trên thế giới cũng thế, khen xiếc Trung Quốc hay/ giỏi chẳng khác nào khen hoàng thượng tốt áo. Đại diện của Trung Quốc lần này chưa phải là giỏi nhất của xứ sở có truyền thống mấy ngàn năm về võ thuật và xiếc, nhưng cũng đủ làm “lóa mắt” người xem. Với lịch sử gần 60 năm, Đoàn Xiếc Côn Minh đã lưu diễn khắp thế giới, giành được nhiều huy chương danh giá tại các liên hoan xiếc quốc tế. Nghĩa là, họ chuyên nghiệp hoàn toàn, đáng lý phía Việt Nam cũng phải chọn lựa những tiết mục đặc sắc để hòa cùng, có thể chưa đủ sức so đo, nhưng nó cho thấy thái độ hướng đến chuyên nghiệp của chúng ta. Mấy tiết mục xiếc thú chưa thể hiện được điều này.
|
Trong hơn một tháng lưu diễn xuyên Việt từ ngày 25/5 đến 30/6, Đoàn Xiếc Côn Minh giới thiệu luân phiên 23 tiết mục, mà phần lớn đã thành đặc sản của xiếc Trung Quốc như múa sư tử, nhào lộn chui vòng, quay đĩa, quay dây xuyên kim, thang đưa đá bát, đu vòng, uốn dẻo đội đèn, quay bát nước, quay thảm bằng chân, lắc vòng, tung mũ… Điểm thu hút của những tiết mục quen thuộc này là ở độ khó mà các nhà biên đạo và nghệ sĩ muốn đạt đến, trên nền nhạc được hòa âm phối khí riêng, rất phù hợp và giàu bản sắc. Không chỉ trẻ đẹp và yêu nghề, mà về nghệ thuật biểu diễn, đại diện Trung Quốc cũng thuộc bậc thầy, nhất là trong các tiết mục nhóm, các nghệ sĩ đã tiết chế cảm xúc để tâm trạng cả đội như một, khi vui cùng vui, khi tập trung cùng tập trung…
Trong khi ấy, mấy tiết mục biểu diễn của khỉ, gấu và trăn không phải là đại diện tiêu biểu cho xiếc Việt Nam, nên việc đứng chung sân khấu với xiếc Trung Quốc là sai sách ! Nó không chỉ lép vế về mặt nghề nghiệp, mà vô tình tạo ra một so sánh khập khiễng trong mắt người xem, ngay cả với khán giả nhí. Khi ra cửa, một em nhỏ đã bình luận rất hồn nhiên: Tiết mục xiếc trăn buồn cười ghê, chú ấy chỉ kéo con trăn ra khỏi lồng, quấn lên người, cho nó bò dưới đất và hôn nó… thế là hết. Tiết mục biểu diễn vớI gấu và khỉ cũng chẳng khá hơn, chỉ vài tình huống đơn giản như giữ thăng bằng, chơi bóng, đi xe đạp, xe máy… Các tiết mục cũng chưa có được âm nhạc riêng, mà phải dùng lại, ví dụ xiếc khỉ thì dùng nhạc trong phim Tây du ký.
2. Ai cũng biết để luyện tập một con thú làm xiếc được, không phải là chuyện dễ dàng, nhiều khi còn mất thời gian hơn việc đào tạo một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cho nên, công sức, sự kiên trì mà các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam bỏ ra để huấn luyện các con vật rất đáng để người xem ghi nhận. Tuy nhiên không thể bỏ qua sự đơn điệu và thiếu ý tưởng mới lạ trong việc dàn dựng tiết mục, do vậy các tiết mục xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam lần này đều kém hấp dẫn khán giả, đặc biệt là khán giả nhí - đối tượng chính của bộ môn này. Đơn cử tiết mục xiếc trăn chẳng hạn, dường như người huấn luyện chỉ làm mỗi việc là để con trăn bò tự do trên sàn, khi nào đến vành đai gần khán giả thì chạy ra kéo vào ! Do diễn xen kẽ nên thấy rất rõ: với tiết mục của Đoàn Xiếc Côn Minh, khán giả nhí vỗ tay rất hào hứng, trong khi xiếc thú, tiếng vỗ tay dè dặt, thậm chí bọn trẻ còn ồ lên vì những kết thúc đột ngột.
Đó là chưa nói, xu thế gần đây, tại nhiều nước phát triển, người ta tẩy chay xiếc thú rất nhiều và vu cho cái tội “bóc lột sức lao động; đánh đập và hành hạ đời sống hoang dã của loài vật”. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam chỉ có Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Ðoàn Xiếc TP.HCM và đoàn xiếc tư nhân ở Hải Dương là có đăng ký tiết mục xiếc thú. Riêng ở Liên đoàn xiếc Việt Nam có khoảng 70 con thú. Nếu ước tính trên cả nước, với cả các gánh xiếc rong thì số lượng thú làm xiếc phải lên đến vài trăm con, mà nhiều nhất là ngựa, chó, khỉ, gấu, tinh tinh... Vượt qua chuyện bóc lột sức lao động hay bất bình đẳng về nghề nghiệp, xiếc thú cũng có nhiều hệ lụy. Khỉ cắn đứt gân tay trẻ em; gấu cào rách mặt khán giả; ngựa đá; voi làm chết người quản tượng… đã vài lần xảy ra ở các đoàn xiếc. Gần đây nhất, ngày 16/10/2011 tại Lào Cai, voi Na của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã làm chết bé gái 11 tuổi; trước đó, ngày 10/4/2011 tại Biên Hòa, voi của Đoàn Sao Mai (Hải Dương) quật chết một học sinh 13 tuổi. Xem xiếc thú mà trong lòng nhói lên những cảm giác bất an khó tả.
3. Nếu không có hai khách mời là Đoàn Xiếc Côn Minh và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mấy suất diễn cuối tuần qua tại Công viên 23/9, dù hướng đến ngày thiếu nhi 1/6, chưa chắc đã bán được 30% số ghế. Giá vé cũng còn khá cao, từ 150 đến 250 ngàn đồng, nên mỗi suất khán giả chỉ lấp đầy nửa rạp.
Xiếc Việt Nam đơn điệu với trăn và khỉ như bao lâu nay
Rạp xiếc tại Công viên 23/9 của Đoàn Xiếc TP.HCM cũng sắp giải thể để sáp nhập, nên hoạt động cầm chừng, èo uột và mất khách dần dần. Đề án sáp nhập Nhà hát nghệ thuật phương Nam với 3-4 đơn vị trực thuộc đã có từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa rõ thời điểm tiến hành. Đành rằng, đây là chủ trương chung, các đoàn phải tuân thủ, nhưng về mặt chuyên môn rất bất ổn. Bởi xiếc mà “sống chung” với múa rối, vốn là hai loại hình và kiểu sân khấu khác nhau, đúng là… rối.
NSƯT Phạm Văn Xuyên, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhận định: “Tất cả mọi sự lắp ghép đều khập khiễng. Sân khấu của rối không thể diễn xiếc, ngược lại, nghệ sĩ xiếc không thể diễn trên sân khấu rối. Người ta đến rạp xiếc, không chỉ thưởng thức tài nghệ điêu luyện, mà còn cả âm thanh, ánh sáng... Sân khấu múa rối có những đặc trưng riêng, rối cạn, văn hóa cổ truyền... thế thì làm sao thành công được trên sân khấu xiếc. Việc sáp nhập, se duyên này thuộc các nhà quản lý, tôi không phải là cấp quản lý, nhưng tôi khẳng định mọi sự cố gượng ép là khập khiễng và không bao giờ thành công”.
Nhà biên kịch Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, phân tích: “Mỗi một đơn vị đều có một khuynh hướng nghệ thuật khác nhau, muốn sáp nhập không phải chuyện đơn giản, cần phải hết sức cẩn trọng. Chẳng nói đâu xa, ngay như sân khấu xã hội hóa, từ Kịch 5B Võ Văn Tần nở nồi ra Kịch IDECAF, Kịch Phú Nhuận… dễ dàng. Nhưng nếu bây giờ sáp nhập các đơn vị này lại thành nhà hát sân khấu xã hội hóa thì không thể nào thực hiện được”.
Trong bối cảnh “dạ bất an” như vậy, cho nên, vui lòng đừng khen xiếc Trung Quốc, mà tội nghiệp… xiếc Việt Nam.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất