Họa sĩ Mạc Hoàng Thượng: Tìm định mệnh qua nét bút chì

05/06/2012 13:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH)- Như đã đưa tin, triển lãm hình họa của Mạc Hoàng Thượng sẽ khai mạc lúc 18h ngày 7/6 tại phòng tranh Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Bình Thạnh, TP.HCM) với 22 tác phẩm khổ lớn, thể hiện cách đi vừa căn bản vừa hẹp lối của họa sĩ này. Gần cũng là triển lãm cá nhân hiếm hoi trong thời gian gần đây ở Việt Nam, mà ở đó chỉ có hình họa với hình họa.

Mạc Hoàng Thượng từng trải qua nhiều vật liệu và chất liệu hội họa, nhưng có lẽ bút chì chính là sở trường của anh. Thông thường, các họa sĩ vẽ chì trên giấy khổ nhỏ, Mạc Hoàng Thượng lại vẽ khổ rất lớn, về mặt kỹ thuật và thị giác, hai kích cỡ này hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, vẽ khổ lớn thì khó để “ăn gian nét”, nên nó đòi hỏi công phu và độ chính xác rất cao. “Vẽ chân dung, đầu tiên là vẽ giống hình khối, đặc điểm, giới tính, tuổi tác… tiếp đến là giống tính cách, xuất thân, nghề nghiệp… sau nữa có lẽ là giống với thân phận và cuộc đời của người được vẽ. Khi nhìn những chân dung của Mạc Hoàng Thượng, người xem sẽ nhận thấy sự quan tâm mà tác giả dành cho vấn đề định mệnh của con người, của những nhân vật anh vẽ”, họa sĩ Lương Lưu Biên nhận định.


Mạc Hoàng Thượng, chân dung chì tự họa

Căn bản mà xa xỉ

Trong các trường nghệ thuật tạo hình, hình họa (anatomy) là môn học căn bản và chiếm nhiều thời giờ của sinh viên, vì nó không chỉ rèn luyện kỹ thuật nắm bắt hình khối trong không gian, mà còn thể hiện kỹ năng tạo hình thẩm mỹ. Đây cũng là kỹ thuật giúp ta phân biệt hội họa hiện đại (ảnh hưởng từ phương Tây) với hội họa truyền thống Việt Nam (ảnh hưởng từ Trung Hoa), bởi hình họa dựa trên luật viễn/ cận và giải phẫu tạo hình, nhằm tái tạo sự vật thông qua không gian có tính chất đa chiều.

Kỹ thuật hình họa cũng giúp phân biệt họa sĩ có nghề bài bản với họa sĩ nghiệp dư. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, phần lớn họa sĩ hàn lâm đều cố tình “quên” hoặc “giấu” chất trường lớp này đi, để làm sao tạo ra một tác phẩm như không cố ý tạo hình. Nói nôm na, “vẽ như phá”, đúng hơn, vẽ như chơi. Ngay cả vẽ chân dung hay tranh trừu tượng cũng thế, từ sự nắm vững và bung phá kỹ thuật hình họa, chỉ bằng vài nét rất đơn giản, người có nghề đã phác họa được cá tính, bản sắc của đối tượng; đã diễn đạt được ý đồ của mình.

Cũng chính hình họa là cơ sở để đánh giá sức bung phá và đẳng cấp của một họa sĩ nào đó. Vẽ bung phá trên cơ sở hình họa vững chắc rất khác với vẽ phá phách, tùy tiện, thiếu căn bản về giải phẫu hình thể.

Với triển lãm Gần, Mạc Hoàng Thượng dường như trở lại điều căn bản nhất, chỉ với chì và toan trắng, anh nhẫn nại và bung phá với các nét của mình. Bằng nét chì mỏng manh, anh cố nắm bắt thân phận và định mệnh của nhân vật. Nói như Lương Lưu Biên: “Hầu như ai cũng đã từng cầm bút chì nguệch ngoạc trên giấy vài lần trong đời, giới họa sĩ thì làm việc này rất thường xuyên, gần như hằng ngày, nhưng việc làm một triển lãm toàn những tác phẩm vẽ chì thì thật hiếm thấy”.


Tác phẩm Thiên lương, chì trên giấy, 150 x 120 cm, 2010

“Quên” thị trường

Khi hỏi vài người trong giới mỹ thuật, tại sao hình họa căn bản, máu thịt như vậy mà ít có họa sĩ theo đuổi sáng tác, có hai câu trả lời phổ biến. Thứ nhất, với những người xuất thân từ trường lớp, đã nhiều năm học hình họa nên đã “quá ớn”, chỉ còn mượn đây là kỹ thuật bàn đạp để sáng tác. Thứ hai, đầu ra cho tác phẩm hình họa rất hẹp, ngay cả các triển lãm cũng hiếm khi được tổ chức, nên nhiều người không biết vẽ để làm gì.

Thực tế thị trường cũng cho thấy rằng, khách hàng chính của hội họa Việt Nam đến từ phương Tây và các nước ở xa Việt Nam. Chính vì vậy mà những tác phẩm có tính hương xa (exotic), phảng phất đôi nét về văn hóa và hình ảnh Việt Nam thì được khách hàng ưa chuộng. Không phải ngẫu nhiên mà một thời các tác phẩm vẽ phố cổ hay phong cảnh lòe loẹt lại được bán khá chạy. Đa số khách hàng phổ thông của hội họa Việt Nam thích tranh trang trí, trong khi tính trang trí của tranh hình họa thì không có nhiều.

Với bối cảnh như trên, tác phẩm hình họa trở thành cái gì đó “quá thật”, quá căn bản… nên ít có người muốn mua. Đó là chưa nói, đây là kỹ thuật do người phương Tây phát kiến, khách hàng phương Tây bình thường hay nghĩ: cái này của mình, mua làm gì. Ngay cả giới sưu tập cũng thế, nếu mua hình họa thì đó phải là của các tên tuổi thành danh hoặc đã chết - mua như một dữ liệu nghệ thuật. Đa phần họa sĩ Việt Nam chỉ xem hình họa là kỹ thuật nền nên ít khi chú tâm tạo ra các tác phẩm độc lập, chỉn chu. Trên thế giới, chỉ vài nơi như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Bắc Âu… - vốn có truyền thống về nghiên cứu nhân chủng học và nhân loại học - thích hình họa, nhưng số nhà sưu tập chuyên lĩnh vực này cũng khá ít.

Chính vì vậy, dù kỹ thuật hình họa của Mạc Hoàng Thượng có thể chưa đạt đến đỉnh; triển lãm Gần có thể chưa đủ sự táo bạo và đa dạng về cách nhìn, nhưng con đường mà họa sĩ này chọn là đáng khích lệ và đáng khâm phục.

Văn Bảy



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm