Ra mắt Quỹ văn học Việt – Nga: Nối lại “mối tình” văn chương

27/05/2012 14:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hơn 20 năm qua, không có nhiều tác phẩm dịch qua lại giữa hai nước, nhất là những tác phẩm gây tiếng vang. Mới đây, Quỹ Hỗ trợ Quảng bá văn học Việt Nam - Nga do dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn làm chủ tịch, được thành lập như một nỗ lực bù đắp khoảng trống đó.

Tối 25/5, Quỹ tổ chức buổi gặp mặt ra mắt tại Trung tâm Văn hóa Đông Tây, Hà Nội. Nhiều dịch giả, nhà văn, nhà thơ và độc giả yêu văn học Nga đã đến dự.



Dịch giả Thúy Toàn với cuốn Marian Tkachev - người bạn tài hoa và chí tình do ông biên soạn cùng PGS Phạm Vĩnh Cư. Ảnh: Mi Ly

Khoảng lặng 20 năm

“Khoảng lặng” là chữ dùng của dịch giả Thụy Anh. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, văn học Nga được phổ biến sâu rộng ở Việt Nam với tác phẩm của các tác giả lớn như Lev Tolstoi, Puskin, Tsekhov, Dostoievski… Có dịch giả Nga nặng tình với Việt Nam như Marian Tkachev, có đóng góp lớn trong việc phổ biến văn học Việt Nam ra thế giới.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, mối liên hệ vốn thân tình giữa văn học Việt Nam và Nga bị ảnh hưởng. Vào những năm đó, theo lời kể của dịch giả Thúy Toàn, các nhà xuất bản Việt Nam tỏ ra không mặn mà với những bản thảo dịch đề tên tác giả “ốp, ép” nào đó (những cái tên Nga). Giới xuất bản quay lưng với văn học Nga, mở cửa chào đón các nền văn học phương Tây như Pháp, Mỹ, Anh…

Cuối những năm 1990 đến nay, văn học Nga mới dần dần trở lại Việt Nam với một số tác phẩm tái bản và bản dịch mới, tuy không rầm rộ lắm. Nổi bật gần đây nhất có bản dịch thơ Olga Berggoltz của tôi của Thụy Anh, hay bản dịch Lolita của Dương Tường cũng góp phần giới thiệu nhà văn lớn Nga - Nabokov, dù bản gốc tác phẩm là tiếng Anh.

Nhưng dịch giả Thúy Toàn tin vào giá trị lâu bền của văn học Nga. “Độc giả sẽ quay lại với những giá trị văn học đích thực. Và Nga là một nền văn hóa có nhiều tác phẩm đích thực”.

Còn văn học Việt Nam cũng dần biến mất ở nước Nga từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong hơn 20 năm nay, có rất ít tác phẩm Việt Nam được dịch ở Nga, và nếu có cũng không gây tiếng vang, kể cả bản dịch tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. “Những dịch giả Nga say mê Việt Nam đã không còn nữa. Lớp kế cận thì không có ai. Người Nga vẫn học tiếng Việt nhưng không phải để dịch văn học. Họ còn phải kiếm sống”, dịch giả Thúy Toàn tâm sự.

Văn học đương đại Nga cũng không có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống văn học ở Việt Nam. Ngay cả một người quan tâm đến văn học Nga như dịch giả Thúy Toàn mà cũng chỉ đọc được rất ít tác phẩm Nga đương đại.

Dịch giả bỏ tiền in, nhận nhuận bút bằng sách

Giờ đây, khi mối quan hệ giữa hai nước đã có nhiều đổi khác, nhưng tình cảm của những người Việt Nam từng học ở Nga đối với nước Nga vẫn rất sâu nặng. Trong số họ, có nhiều người “chịu ơn nước Nga” theo lời của nhà giáo Vũ Thế Khôi nói về bản thân mình.

Trong bối cảnh đó, Quỹ Hỗ trợ Quảng bá văn học Việt Nam - Nga ra đời sau 2 năm lên ý tưởng và xây dựng kế hoạch, đội ngũ. Người khởi xướng là dịch giả Thúy Toàn, người dịch Tôi yêu em của Puskin năm nào. Ông cũng là Chủ tịch của Quỹ, cùng hai Phó Chủ tịch là Lê Đức Mẫn và Thụy Anh. Ngoài ra, Quỹ còn có một nhóm cố vấn gồm các dịch giả Phạm Vĩnh Cư, Bằng Việt, Đoàn Tử Huyến, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan. Nhóm cố vấn này có vai trò thẩm định cả đầu vào và đầu ra của bản dịch.

Quỹ trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng theo lời ông Vũ Thế Khôi, Hội chưa có điều kiện “cấp cho Quỹ xu nào”. “Nếu chỉ trông chờ và các tổ chức chính thức thì còn lâu lắm. Mỗi cá nhân quan tâm đến văn học Nga hãy tự mình đóng góp”, ông nói, và khẳng định: “Từ nay tôi sẽ trích 10% nhuận bút dịch tác phẩm tiếng Nga của mình để đóng góp cho Quỹ”.

Cuốn sách Marian Tkachev - người bạn tài hoa và chí tình của hai dịch giả lão làng Thúy Toàn và Phạm Vĩnh Cư cũng ra mắt nhân dịp này. Marian Tkachev là dịch giả lớn người Nga, từng dịch văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài và nhiều nhà văn lớn của Việt Nam ra tiếng Nga. Nhiều bản dịch của Tkachev đã đóng vai trò trung gian, giúp tác phẩm có thể dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Chẳng hạn, từ bản tiếng Nga, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác, trong đó có 15 nước thuộc Liên Xô cũ.

Ông Thúy Toàn kể, sách về Marian Tkachev của ông và PGS Phạm Vĩnh Cư hoàn thành được là nhờ đóng góp của nhiều bạn bè, trong đó dịch giả Từ Thị Loan đã tài trợ tiền cho bản thảo. “Chúng tôi nhận nhuận bút bằng sách và nhận thêm vài cuốn mang về bán giúp để trả tiền in cho nhà xuất bản”, ông chia sẻ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về chuyên môn và tiền bạc, những người thực hiện hướng đến mục tiêu hoạt động lâu dài. Dịch giả Thụy Anh, Phó Chủ tịch Quỹ, cho biết: “Quỹ không thể chỉ in vài cuốn sách, tồn tại trong vài năm. Chúng tôi sẽ cố gắng để trở thành tổ chức được các dịch giả đặt niềm tin và đóng góp sức mình”.

Khuyến khích các dịch giả trẻ

“Chúng ta còn thiếu nhiều người trẻ, tôi năm nay 75 tuổi, anh Toàn cũng thế, những người còn lại cũng chỉ ít tuổi hơn một chút” - dịch giả Vũ Thế Khôi chia sẻ.

Nếu không có những người trẻ, Quỹ không thể hoạt động lâu dài và có sự tiếp nối giữa các thế hệ, đó là điều chắc chắn. Dịch giả Thụy Anh cho biết, nhiều dịch giả trẻ đã liên hệ với chị để trở thành thành viên của Quỹ, danh sách vẫn đang hoàn thiện.

Việc lựa chọn tác phẩm dịch cũng là vấn đề quan trọng. Trong buổi ra mắt Quỹ ở Trung tâm Văn hóa Đông Tây tối 25/5, có ý kiến cho rằng muốn hoạt động lâu dài thì nên hướng đến thị trường, dịch những tác phẩm ăn khách, có thể sống được trong thị trường.

Trong khi đó, PGS Phạm Vĩnh Cư lại đề nghị phải dịch những tác phẩm giá trị, làm tuyển tập, tổng tập của những tác gia lớn. Chẳng hạn, ông đang làm tổng tập các di sản của Dostoievski.

Vào tháng 7 năm nay, Quỹ sẽ cho ra đời bản dịch tiếng Nga của Nhật ký Đặng Thùy Trâm do các dịch giả hai nước thực hiện. Tiếp theo là dịch các tiểu thuyết Việt Nam như Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Mưa mùa Hạ của Ma Văn Kháng và Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng.


Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm