Thời trang Champa cổ xưa: Những kiểu tóc

20/05/2012 17:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tôi dành vài ngày vẽ lại kiểu phục trang và tóc của các vũ nữ trên đài thờ Trà Kiệu, bảo tàng Cổ vật Chàm, giả thiết đó là những gì mà phụ nữ Champa thể hiện hơn nghìn năm trước đây. Các kiểu thức làm đẹp đó thật bất ngờ, ngay cả những cuộc trình diễn thời trang hiện đại cũng khó so sánh được.







Các kiểu búi tóc của vũ nữ đài thờ Trà Kiệu, Quảng Nam, thế kỷ 10. Trích từ sổ tay ghi chép Champa của Phan Cẩm Thượng.

1. Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng nói với tôi rằng: Cũng cần so sánh với nghệ thuật Ấn Độ, biết đâu đó chỉ là hình mẫu mà người Champa chép lại, chứ chưa chắc họ ăn vận như vậy.

Năm 1901, Đài thờ Trà Kiệu được phát hiện tại làng Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 1929, nhà nghiên cứu Jean Pzyluski căn cứ vào một bia ký hoàng gia cho rằng Đài thờ này nói về đức vua sáng lập vương quốc Phù Nam. Nhà nghiên cứu George Coedès không nhất trí như vậy. Vì tại sao truyền thuyết về vương quốc Phù Nam lại đặt tại kinh đô Champa. Cùng với Coedès, nhiều nhà nghiên cứu khác xác định chạm khắc hoạt cảnh đài thờ minh họa của tác phẩm văn học Ramayana của Ấn Độ, song không hoàn toàn như vậy.

Căn cứ vào một tấm bia chữ Phạn phát hiện năm 1927/28, Trần Kỳ Phương cho rằng Đài thờ Trà Kiệu dựa vào truyền thuyết đám cưới Sita để thể hiện nhà vua Prakasadharma tôn vinh phụ thân minh kết hôn với thân mẫu là công chúa Khmer.

Tấm bia này đã được dịch như sau: Kẻ thù mùa thu đã được dẹp xong, đức vua Prakasadharma, người tiêu diệt mọi kẻ thù xâm lược, người có thiên khiếu về khoa học, đầy quyền năng, đức nhẫn nại, phú quý tột bực, vinh quang và ý chí kiên định, người được cả thế gian yêu quý… người đã hoàn thành thiện nguyện, tôn xưng nơi này của nhà thơ đầu tiên,… đền thờ ngài đã được trùng tu như mới…. ( theo các tài liệu đã công bố của Trần Phương Kỳ, Ngô An, Hồ Xuân Tịnh, Hồ Tấn Tuấn )

Như vậy dần dà các nhà nghiên cứu thiên về giải thích Đài thờ Trà Kiệu dựa vào một truyền thuyết Ấn Độ để thế hiện một đám cưới hoàng gia Champa, đó càng cho chúng ta tin tưởng rằng nó thể hiện phục trang đương thời của Champa. Hiện tôi mới tạm so sánh những di tích nghệ thuật Ấn Độ cùng thời và trước đó, tức là trước thế kỷ 10, mà người Champa có thể lấy làm mẫu, thì lối phục trang có khác. Tuy nhiên điều này chưa dám khẳng định hoàn toàn, cần có sự nghiên cứu kỹ hơn.

2. Các cô gái trên Đài thờ Trà Kiệu chủ yếu có ba kiểu bới tóc:

Kiểu 1: Đầu chải kỹ lưỡng rồi, búi một búi lớn ra phía sau, hoặc chính giữa gáy, hoặc lệch sang một bên. Trong búi tóc lớn phía sau có đặt một cái độn lớn, có thể bằng vải, hoặc bằng chính tóc, để làm tăng độ lớn của búi tóc.

Để giữ tóc không xô lệch, các cô đeo một vòng trang sức kết trên viền tràn và nối với một tràng trang sức lớn giữ chặt búi tóc với đầu phía gáy. Hai vòng trang sức này có nhiều kiểu khác nhau, chắc được làm bằng vàng, có chạm khắc hoa văn tinh xảo. Có người không độn tóc mà tết tóc thành một vầng phía sau.

Kiểu 2: Đầu chải kỹ lưỡng rồi bới lên cao thành ba tầng, thẳng chính giữa đầu, bên trong tóc có độn. Một vòng trang sức cài dọc theo đầu từ chân tóc lên đỉnh. Tóc được chải và uốn thành nếp xuống hai bên sau tai và kết sau gáy.

Kiểu 3: Đầu chải kỹ lưỡng  rồi tết tóc như tết tam giác, rồi vấn hình con rắn cao lên phía đỉnh đầu, bên trong có con độn.

Ba kiểu tóc này được biến thiên cho từng vũ công khác nhau, tùy theo từng vẻ đẹp của khuôn mặt họ, nhưng khá thống nhất cách trang điểm. Phối hợp với kiểu tóc, châm cài, vòng trang sức trên tóc, là hoa tai kéo rất dài chạm vào ngực. Các cô đều mình trần, đeo trang sức kết từ cổ xuống ngực rồi vòng qua eo xuống lưng, nhưng để tôn bộ ngực căng tròn chứ không che đậy. Bắp tay và cổ tay đều có vòng trang sức như vậy. Lối chạm khắc cho thấy các trang sức đều phối hợp giữa gắn đá quý và các kim loại quý vàng bạc kết với nhau thành từng chuỗi  to nhỏ, dài ngắn phụ thuộc vào cơ thể.

                    (Còn nữa)

                Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm