Bài 1: Khi đạo diễn... bó tay

02/05/2012 10:37 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý văn hóa đưa ra các công văn, chỉ thị nhằm chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đang ngày càng có những biểu hiện lệch lạc, gây bức xúc trong dư luận như hiện nay. Tuy vậy, liệu chỉ một văn bản có làm nên chuyện?

Tháng 4/2012 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký Chỉ thị 65 về chấn chỉnh tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong đó nêu rõ những hành vi bị cấm hiện nay như: biểu diễn nhằm mục đích kinh doanh mà không trả tiền tác quyền, hát nhép, người biểu diễn tự ý thêm bớt lời ca, động tác biểu diễn và trang phục phản cảm không phù hợp thuần phong mỹ tục… Để chấn chỉnh nghiêm túc và kịp thời những tiêu cực đó, Bộ còn yêu cầu các cơ quan chức năng thẩm định kỹ hồ sơ và kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, hình thức chương trình; đồng thời có thể không cấp phép biểu diễn với đơn vị, ca sĩ đã từng vi phạm.

Đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý văn hóa “tuýt còi” trước những biểu hiện lệch lạc trong biểu diễn nghệ thuật. Cục Nghệ thuật Biểu diễn từng ra một số văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức biểu diễn hoặc thậm chí còn nêu dự định về việc “treo giò” nghệ sĩ vi phạm, cấm xuất hiện trên sân khấu, truyền thông trong một thời gian nhất định.

“Chỉnh” ai?

Tuy nhiên, ở thì hiện tại, không ít “sao” lại xem việc mặc trang phục phản cảm (vẫn “bị” công luận gọi là “hở hang” hay “khoe thân”) là con đường duy nhất để nổi tiếng.

Trong đêm thời trang mới đây tại Hà Nội, một người mẫu teen từng được dự đoán sẽ là ứng viên “nặng ký” cho ngôi vị Hoa hậu Việt Nam, không ngần ngại… quên mặc nội y khi trình diễn. Đạo diễn chương trình giật mình, còn nhà thiết kế thì… ngã ngửa vì tất cả các trang phục do chị thiết kế đều yêu cầu người mẫu mặc nội y hoặc dùng miếng dán ngực. 29 người mẫu còn lại đều tuân thủ yêu cầu của nhà thiết kế, trừ người mẫu ưa… nổi loạn kia. Và đúng như “kịch bản”, sáng hôm sau, một số trang mạng đã đăng tải chùm ảnh với cái title “giật gân”: Người mẫu X. hớ hênh quên áo lót. Cái title gây tò mò kia lập tức lọt vào top được đọc nhiều nhất. Điều đó có thể lý giải vì sao các “sao” cứ liên tục (cố tình) hớ hênh!

Minh Hằng “vô can” trong vụ Đêm mỹ nhân

“Ông bầu” - NSND Trần Bình, một người có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức biểu diễn, cho rằng, nếu “trị” thì phải “trị” người chịu trách nhiệm tổ chức biểu diễn hay đạo diễn chương trình. Tuy nhiên, có ở hậu trường mới thấy, đạo diễn hoặc người chỉ đạo nghệ thuật đôi khi cũng… bó tay. Đơn giản như, đạo diễn yêu cầu người mẫu khi đi tới điểm chót của chữ T thì không được dừng lại tạo dáng. Lúc tập tành thì tất cả đều răm rắp. Nhưng ra sân khấu, một vài chân dài mới muốn… khác người. Phức tạp hơn, với áo có khóa kéo (chỉ để trang trí), nhà thiết kế có nằm mơ cũng chưa bao giờ hình dung người mẫu sẽ mở chiếc khóa kia. Thế mà lúc… ngẫu hứng (?), người mẫu sẵn sàng kéo tuột nó ra để thu hút các ống kính máy ảnh phía trước mặt. Kết cục, nhẹ thì… gợi cảm, mà quá tay một chút có thể… “hở ngực” ngay trên sàn diễn.

Một đạo diễn chương trình nổi tiếng khắt khe cũng từng rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi làm việc với một ca sĩ ưa thích sự… gợi cảm. Theo đúng quy định, trong buổi tổng duyệt, ca sĩ phải mặc trang phục như biểu diễn thật. Tuy nhiên, ca sĩ nọ chỉ gửi mẫu thiết kế qua e – mail. Đến sát giờ diễn, ca sĩ xuất hiện với phục trang không giống như thiết kế mà hở trên một chút, hở dưới một chút. Trong khi tiết mục thì không thể bỏ, nên đạo diễn nọ chỉ có thể cầu trời, khấn phật sao cho những chi tiết mong manh của bộ cánh kia nằm nguyên trên người cô ca sĩ…

Khi nhà quản lý cũng… lúng túng

Thực tế, cho đến nay, việc xử phạt hành chính như quy định hiện hành dường như chưa đủ mạnh. Đơn cử như vụ việc liên quan tới “chiếc quần ren trứ danh” của Minh Hằng trong chương trình ca nhạc “Đêm Mỹ nhân” diễn ra năm ngoái tại Quảng Bình. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – NSƯT Vương Duy Biên – đã đích thân ký công văn gửi đến Sở VH&TT-DL Quảng Bình, yêu cầu Sở làm việc với công ty tổ chức sự kiện và ca sĩ để rõ thêm về hành vi vi phạm Nghị định 103; đồng thời phối hợp với cơ quan cấp phép và quản lý ca sĩ xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm này. Sau đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình cũng một lần nữa khẳng định trang phục Đêm mỹ nhân là phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục…

Tuy nhiên, nửa năm sau, tại cuộc hội nghị tổng kết và triển khai công tác ngành, chính NSƯT Vương Duy Biên đã phải ngán ngẩm lắc đầu mà rằng, những vụ việc kiểu như vậy rất phức tạp trong xử lý vi phạm. Đơn giản vì Cục không có thẩm quyền xử phạt, mà vụ việc “chiếc quần ren” lại liên quan tới quá nhiều cơ quan. Sở VH-TT&DL Quảng Bình chỉ có thể phạt công ty tổ chức biểu diễn khi vi phạm tại địa bàn tỉnh này. Còn ca sĩ Minh Hằng có hộ khẩu thường trú tại TP. HCM thì chỉ Sở VH-TT&DL TP. HCM mới xử lý được. Mà thanh tra Sở VH-TT&DL TP. HCM thì lại không “bắt tận tay” trường hợp này.

Rốt cuộc thì ồn ào xung quanh “chiếc quần ren” cũng rơi vào… thinh không!

Đọc tiếp bài 2: Kinh nghiệm quản lý biểu diễn của Hàn Quốc

Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm