Nhà khảo cứu Đào Trinh Nhất & bức tranh nước Nam nửa đầu TK 20

21/04/2012 10:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hơn nửa thế kỷ qua, tên tuổi nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Đào Trinh Nhất (1900-1951) đã được ghi nhận khá rộng rãi trên văn đàn và các bộ từ điển văn hóa, văn học, danh nhân và nhân vật lịch sử. Trong những năm gần đây, tiếp nối một số tập sách phác thảo chân dung và giới thiệu tác phẩm, công trình sưu tầm, biên soạn Đào Trinh Nhất – Tuyển tập tác phẩm thực sự có ý nghĩa tổng kết một chặng đường nghiên cứu, tiếp nhận văn phẩm họ Đào.

Là con trai của Đình Nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (1861-1908), từng làm thư ký cho nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926); Đào Trinh Nhất quê gốc ở Thái Bình nhưng sinh ở kinh thành Huế, có nhiều năm làm báo ở Hà Nội, từng sang Pháp học nghề báo, cuối đời hoạt động báo chí và mất tại Sài Gòn. Trên tất cả, đó là hình ảnh con người “một chốn bốn quê”, “tám tuổi đã mất cha”, “một cốt cách Nho phong, một tâm hồn phóng khoáng” và suốt đời say mê gắn bó với “nghề báo, nghiệp văn” …



Phần thứ nhất – Tác phẩm chọn lọc, giới thiệu 11 trong số hơn hai chục tác phẩm của Đào Trinh Nhất. Tiêu biểu là: Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (1924) là thiên khảo cứu công phu của nhà nghiên cứu 24 tuổi với những luận giải sáng rõ về mối quan hệ địa – kinh tế, dân số và phát triển, dân tộc và thời đại… Sách Việt Nam Tây thuộc sử (1937) mới chỉ in được một tập, chia thành ba đoạn: Tìm dấu bàn chân da trắng – Tây Nam đắc bằng – Cấm đạo và đuổi sứ, qua đó Đào Trinh Nhất đi đến xác định bản chất con đường thực dân: “Chính vì muốn phát triển thế lực chính trị và kinh tế, hơn là vì bảo hộ tôn giáo, mà nước Pháp phải chinh phục nước Nam làm thuộc địa vậy” (tr.385)… Tiếp đến hai công trình Phan Đình Phùng – Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1866-1895) ở Nghệ Tĩnh và Đông Kinh nghĩa thục (1937) đều bị chính quyền đương thời tịch thu và cấm lưu hành… Đào Trinh Nhất (với bút danh Phạm Vân Anh) còn có tác phẩm du ký Sang Tây – Mười tháng ở Pháp in không đều kỳ trên báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), khởi đầu ngay từ số 1, ra ngày 2-5-1929

Đào Trinh Nhất còn rất nhiều tác phẩm in sách, in báo mà các soạn giả đã biết, đã chỉ ra nhưng chưa đưa vào công trình tuyển tập này. Hy vọng trong thời gian không xa, bạn đọc sẽ được tiếp cận với phần tác phẩm còn lại, từ đó có thể hình dung đầy đủ diện mạo tác gia họ Đào cũng như góp phần khôi phục di sản văn hóa – văn học của dân tộc giai đoạn giao thời nửa đầu thế kỷ XX.

Sách do Chương Thâu – Đào Duy Mẫn sưu tầm và biên soạn (NXB Lao Động, H., 2011, 1192 trang)

La Sơn(Viện Văn học)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm