09/04/2012 14:30 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Workshop “Hầu như tất cả mọi điều về tài trợ,nhiệm trú nghệ thuật và gây quỹ cho nghệ thuật” khai mạc lúc 10h ngày 7/4 và kéo dài trong hai ngày 8 và 9/4 tại Ga 0 (cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM). Người trình bày là Malcom Smith, một giám tuyển đến từ Australia, hiện đang làm việc tại tỉnh Yogyakarta (Indonesia), nổi tiếng với workshop về đề tài này.
Workshop nói trên muốn giúp các nghệ sĩ trẻ Việt Nam tìm kiếm tài trợ và cơ hội làm việc trong bối cảnh nghệ thuật mang tính toàn cầu hóa. Để hiểu hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ Như Huy, giám đốc và là giám tuyển của Ga 0, đơn vị tổ chức.
Từ thực tế nhiều nghệ sĩ bị cho ra rìa
Như Huy tại Tokyo, 3/2012
* Thưa anh, xuất phát từ kinh nghiệm nào mà Ga 0 đi đến quyết định tổ chức workshop này?
- Theo quan sát của tôi lâu nay, dường như đối với công chúng Việt Nam và có thể nói là với phần lớn nghệ sĩ Việt Nam, cái gọi là thế giới nghệ thuật vẫn chỉ bao quanh một mô hình của mối quan hệ giữa tác phẩm, nhà phê bình và công chúng. Dường như mọi xung đột, thương thỏa, tranh luận hay các thảo luận đều chỉ xoay quanh trục này. Dĩ nhiên cái quan niệm về thế giới nghệ thuật kiểu này là rất hạn chế.
Thế giới nghệ thuật trong thời buổi toàn cầu hóa là vô cùng khác với những gì chúng ta vẫn hình dung, bởi nó chính là một hệ thống quan hệ phức tạp của rất nhiều dạng thực hành và do đó, rất nhiều dạng quyền lực.
Là một nghệ sĩ độc lập, chỉ có cách duy nhất là trở nên minh mẫn và năng động trong cái thế giới ấy, theo nghĩa, biết mọi đường đi nước bước của nó, để sao cho có thể duy trì nghề nghiệp của mình, học hỏi được nhiều, nhất là có được cơ hội để đi ra thế giới rộng lớn hơn một cách độc lập, không bị phụ thuộc vào bất cứ một trạm trung chuyển nào.
* Có phải từ quan niệm hơi bị sáo mòn và lệch chuẩn đó, hệ lụy của nó là các nghệ sĩ trẻ Việt Nam luôn gặp nhiều vướng mắc và trở ngại trong việc tìm kiếm tài trợ?
- Tôi cũng cho rằng điều kiện của nghệ thuật thế giới hiện tại thực sự đang tạo cơ hội cho mọi nghệ sĩ và dĩ nhiên là cả nghệ sĩ Việt Nam. Theo thông tin từ Malcom Smith, người điều hành workshop này, hiện thế giới có hơn 1.000 quỹ nghệ thuật có thể tài trợ cho các nghệ sĩ, từ cung cấp tài trợ di chuyển cho đến tài trợ làm việc từ 6 tháng tới 1 năm. Trong đó có khoảng 50-100 quỹ có thể tài trợ cho các nghệ sĩ toàn cầu.
Dĩ nhiên là để có sự tài trợ thì phải được tham dự vào các chương trình nhiệm trú nghệ thuật (art residency), và các nghệ sĩ phải chứng minh được sự cam kết với nghề nghiệp, tài năng, hay sự sẵn sàng của mình. Và các sự chứng minh này không phải chỉ bằng “ý chí”, mà phải được thông qua một quy trình thực hành kỹ năng nghiêm ngặt và thông minh của cái gọi là sự nộp đơn (application). Thực tế là nghệ sĩ Việt Nam hiện tại rất ít người có kinh nghiệm về mặt này, trừ những người đã học hành và lớn lên ở nước ngoài.
Và đây cũng là lý do lâu nay, chỉ có một nhóm rất nhỏ nghệ sĩ Việt Nam xuất hiện liên tục ở quốc tế. Không kể các nghệ sĩ thực sự tài năng, nhiều khi vấn đề và bí quyết của việc trở thành một nghệ sĩ quốc tế lại đơn giản chỉ nằm ở việc được trang bị kỹ năng nộp đơn và nhất là khả năng tiếng Anh.
Malcom Smith đang làm việc tại Ga 0
Nghệ thuật đã thay đổi
* Theo anh, để viết một lá đơn “xin” này có khó không? Có thể học trong vài buổi được không?
- Theo tôi, đơn xin tài trợ này vừa khó vừa dễ.
Với nghệ sĩ Việt Nam như đã nói ở trên, chúng ta hầu như hoàn toàn xa lạ với dạng thực hành kiểu này. Chúng ta chưa hề được học về nó ở trong trường. Khi ra ngoài đời chúng ta lại không có nhiều cơ hội thực hành vì quả là có không nhiều các quỹ nghệ thuật ở Việt Nam, so với quốc tế. Khả năng ngoại ngữ của chúng ta cũng khó có thể nói là tốt, nếu so sánh với các nghệ sĩ trong khu vực. Thật ra 3 buổi làm việc này rất căng thẳng chứ không phải chỉ là việc đến cưỡi ngựa xem hoa. Mỗi ngày chúng tôi làm việc 4 tiếng, riêng ngày cuối cùng sẽ có những hướng dẫn rất cụ thể cho từng cá nhân tham dự. Ngoài ra, các nghệ sĩ tham dự workshop cũng sẽ có cơ hội gặp Malcom để được tư vấn riêng.
Còn về tính hiệu quả, tôi nghĩ cái ấy không nằm ở riêng chúng tôi - những người tổ chức workshop, hay ở Malcom - người điều hành, mà còn nằm ở chính các nghệ sĩ. Liệu họ đã sẵn sàng chưa? Họ có đủ sức vượt qua sức ì chung để trở nên minh mẫn hơn và năng động hơn khi phải “chiến đấu độc lập” trong một thế giới nghệ thuật đã vô cùng khác trước?
* Tham vọng mà Ga 0 muốn đạt đến sau workshop này là gì?
- Chúng tôi chả có tham vọng gì. Workshop chỉ là một trong những thực hành lâu nay của Ga 0, theo tiêu chí: “làm thế nào chuyển hóa từ diễn thành đời”. Hiểu một cách đơn giản, nó có nghĩa là làm thế nào chuyển hóa tư duy về nghệ thuật từ việc như các ảo tưởng xa xôi và tự huyễn hoặc, thành những gì có ích cho thực tế cuộc sống hiện nay.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất