29/03/2012 19:11 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Online) - Tối 26/3/2012, để kỉ niệm 50 năm thành lập Ngày sân khấu thế giới (27/3/1962), đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi trẻ đã một lần nữa biểu diễn vở kịch Nguyễn Du với Kiều tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trước đó, trong dịp ra mắt vào đầu tháng 3/2012, những sáng tạo trong vở diễn này đã nhận được một số phản hồi khác nhau từ dư luận và giới sân khấu.
Để góp thêm một cái nhìn về Nguyễn Du với Kiều,TT&VH xin trích giới thiệu bài viết của TS. Phan Tử Phùng (Phó chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam)
Một cảnh trong vở diễn Nguyễn Du với Kiều. Ảnh Thế Toàn
Vở Nguyễn Du với Kiều của nghệ sĩ Lan Hương sáng tác và đạo diễn được trình diễn theo một hình thức mới và một phong cách hoàn toàn khác hẳn. Câu chuyện không diễn đạt bằng lời mà bằng hình thể của các diễn viên với các động tác giàu tính ước lệ, thể hiện các hoạt động và các tính cách khác nhau của các nhân vật tuỳ theo diễn biến của câu chuyện. Vẫn bám sát chủ đề của cốt truyện nhưng vở kịch không diễn xuất theo thời gian tuyến tính mà được dàn dựng trong không gian, thời gian tâm lý mang đậm tính triết lý và đậm màu sắc tâm linh.
2. Có lẽ, NSND Lan Hương muốn diễn đạt nội dung triết lý của Truyện Kiều hơn là để chuyển tải nội dung câu chuyện của tác phẩm. Bởi vậy, mở màn vở diễn là hai cảnh không có trong nguyên tác: Cuộc đối thoại giữa nữ sĩ Hồ Xuân Hương với Nguyễn Du về chủ đề của tác phẩm và nỗi đau khi sinh đẻ của người phụ nữ (sinh, lão, bệnh, tử) lúc Vương Bà sinh hạ ra Thuý Kiều. Tiếp đó, từng lớp, từng lớp là các cảnh đời đau khổ của 15 năm lưu lạc, trầm luân lưu lạc của Thuý Kiều cho đến khi tai qua nạn khỏi. Tới khi “lửa lòng tưới tắt mọi đường nhân duyên”, Thuý Kiều trở về với cửa Phật, được Phật Bà ngàn mắt, ngàn tay cứu vớt để nhận ra rằng: mọi giá trị của cuộc đời đều do sức mạnh của cái tâm quyết định. Và trước khi hạ màn, tác giả đã để Nguyễn Du cao giọng nhắc đi nhắc lại: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!”.
Với cách diễn xuất chủ yếu bằng hình thể, tính ước lệ là đặc thù dễ nhận thấy trong vở diễn. Chẳng hạn, những ngón tay mềm mại và những cánh tay đẹp tuyệt vời của các nghệ sĩ khắc họa những con chim én ngày xuân trong tiếng chim ríu rít vờn theo Kim Trọng khi gặp gỡ hai chị em Thuý Kiều và Vương Quan. Tính ước lệ cũng được diễn xuất khéo léo khi cùng một diễn viên trong cùng một cảnh ở cùng một màn kịch trên sân khấu song vẫn diễn xuất tốt những vai diễn của những nhân vật khác nhau: một nấm mồ tượng trưng để Đạm Tiên khi ẩn khi hiện, một cây đàn hai mảnh tượng trưng cho khúc đàn bạc mệnh của Thuý Kiều, một khung kiệu đơn sơ để Mã Giám Sinh đi rước dâu rồi đem Thuý Kiều về lầu xanh cho Tú Bà, một con ngựa để Sở Khanh đưa Thuý Kiều đi trốn với những bước nhảy ngựa theo điệu múa ba lê hiện đại của đàn thiên nga, song bốn chân ngập ngừng và lạc điệu trước sau thể hiện cho hai tâm trạng của hai tâm hồn khác nhau.
Trang phục của Nguyễn Du với Kiều có màu sắc tươi sáng phù hợp với tính cách của các nhân vật, xiêm y lộng lẫy nhưng vẫn giữ được những nét của trang phục người Việt với áo ngắn và áo dài truyền thống. Đơn cử, cảnh ba chị em đi chơi xuân thật rực rỡ và trẻ trung với màu áo dài vàng tươi của Vương Quan, màu áo thanh thiên của Thuý Vân và xiêm y trắng tinh của Thuý Kiều. Vũ đạo đẹp, nhiều nét lãng mạn vừa dân tộc vừa hiện đại. Nếu vở diễn có nhược điểm, thì điều đó nằm ở việc âm nhạc của vở nhiều chỗ chưa ăn nhịp với diễn xuất, thiếu những nền nhạc đệm để đỡ cho những khoảng lặng khá lâu trên sàn diễn. Khói mù trong vở diễn hơi bị lạm dụng quá mức “lãng đãng” của sương khói. Bậc thang cao chót vót với tượng Phật ngàn mắt ngàn tay trong nghệ thuật sắp đặt dễ làm cho khán giả hiểu lầm Thuý Kiều biến thành Phật Bà khi nàng trở về cửa Phật...
3. Nhìn chung Nguyễn Du với Kiều là một vở diễn nhiều sáng tạo. Ở đó, cảm xúc người đọc Truyện Kiều được nhân lên gấp bội, được lan toả không giới hạn, vượt qua cõi hữu thức vào tận cõi vô thức, từ truyền cảm nghệ thuật thuần tuý vươn đến truyền cảm của tâm linh, của tín ngưỡng. Hy vọng sau đợt công diễn lần đầu này, nghệ thuật diễn xuất bằng hình thể giàu tính ước lệ và giàu sáng tạo của vở Nguyễn Du với Kiều sẽ được hoàn chỉnh hơn để đưa đến cho khán giả những truyền cảm vừa nghệ thuật vừa tâm linh như chính tác phẩm Truyện Kiều.
Đạo diễn NSND Lan Hương bộc bạch về Nguyễn Du với Kiều. Chọn cái tên Nguyễn Du với Kiều, tôi muốn thông qua câu chuyện về Kiều, thông qua những vần thơ mà Nguyễn Du viết để cố gắng tìm hiểu về tâm hồn và những tình cảm cao quý của đại thi hào này. Bởi thế, nỗi lo vở diễn không chuyển tải được ước nguyện của mình luôn ám ảnh tôi trong suốt quá trình dàn dựng. So với những gì mà Nguyễn Du đã để lại trong nhiều thế kỷ qua, sự hiểu biết của tôi sẽ không bao giờ là đủ đầy... Một buổi tối trước khi dựng vở, tôi về Nghi Xuân thăm mộ đại thi hào Nguyễn Du vào một buổi tối. Trời mưa lâm thâm nên khí tiết lúc đó có cảm giác rất linh thiêng. Tôi đứng bên cạnh mộ của ông, kể cho ông về ý đồ dựng Kiều, rồi mong sao ông phù hộ cho tinh thần của cháu sáng suốt hơn. Sau khi khấn xong, tôi thấy trong lòng khá thanh thản, nhẹ nhõm và rất nhều ý đồ dạt dào đã hình thành trong tâm mình. Đọc Truyện Kiều, tôi thấy những vần thơ của Nguyễn Du gần gũi với những triết lý của đạo Phật, tác phẩm của ông mang tính chất tâm linh dân tộc, lời thơ của ông vừa dân gian mà lại vừa bác học. Vì gần gũi với đạo Phật tôi đã mạnh dạn đưa vị Bồ tát “Nghìn mắt nghìn tay” lên sân khấu với ánh sáng được soi rọi xuyên suốt vở diễn. Sở dĩ tôi chọn hình ảnh này vì theo truyền thuyết, Phật Bà cũng đã hi sinh đôi bàn tay và đôi mắt để cứu cha. Trong các tích truyện Trung Quốc, thì việc hi sinh để cứu chuộc, báo hiếu cha mẹ có rất nhiều, nhưng phải chăng Nguyễn Du cảm tác Kim Vân Kiều truyện theo một cách nghĩ sâu sắc hơn? Theo cảm nhận của một người làm nghề đạo diễn, bốn người đàn ông trong cuộc đời Thúy Kiều (Kim Trọng, Thúc Sinh, Sở Khanh, Từ Hải) khá giống với bốn con đường khổ ải trần gian mà con người phải trải qua: tình ái, tiền tài, giả dối và danh vọng. Từ đầu thế kỷ trước, khi một số đoàn cải lương dựng Truyện Kiều, thì họ cũng đã thay đổi tích truyện với kết thúc là Kiều về nơi cửa Phật. Tôi cũng không muốn thay đổi cái kết mới đó. Truyện Kiều là câu chuyện hư cấu từ Trung Quốc rồi đến Việt Nam nhưng tài năng và lòng nhân đạo của Nguyễn Du thì lại có thật và lớn vô cùng. Ý tưởng đưa Kiều vào vòng tay bao bọc của vị Bồ tát “nghìn tay nghìn mắt” cũng là một mong muốn vinh danh tâm hồn và tài hoa của Nguyễn Du. Tôi liên tưởng đến cuộc sống hiện nay, ta cần phải luôn sống "tu nhân tích đức" vì lúc nào cũng có Phật bà nghìn mắt nghìn tay ở trên cao dõi theo. Ngoài đời, tôi rất ngưỡng mộ với những giáo lý của đạo Thiên Chúa cũng như yêu những triết lý của đạo Phật, bởi tất cả đều khuyên răn con người sống hướng thiện. (Tôi có một kịch bản sân khấu về sự tích Lễ Vu Lan do NSƯT Lê Chức viết, và dự định sẽ đưa những triết lý nhân – quả, những giá trị hướng thiện, lòng hiếu kính với cha mẹ của đạo Phật thể hiện trong tác phẩm. Những chi tiết đó cũng đã được đưa vào phần đầu vở diễn Nguyễn Du với Kiều nhưng có lẽ chưa được nhấn mạnh đủ để gây ấn tượng rõ nét với người xem.) Về cái kết của vở diễn, tôi tin rằng đã làm hợp lý. Thứ nhất, cái kết ấy đem lại vẻ lung linh cho sân khấu và cảnh sắc hấp dẫn cho khán giả thưởng thức. Thứ hai,điểm nhấn này đã đẩy cao thông điệp mà tôi mong muốn từ vở diễn: "Thiện căn ở tại lòng ta - Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" - câu thơ tôi tâm đắc nhất trong Truyện Kiều. Thứ ba, nghệ thuật có muôn màu sắc, đôi khi cũng cần có những ẩn dụ, không thể luôn trần tục như cuộc đời thực. Khán giả hiện nay cần được trải nghiệm sự tưởng tượng thăng hoa và hấp dẫn bằng nhiều thủ pháp. Họ đã không còn muốn đến với sân khấu chính kịch và tôi cũng mong muốn qua vở diễn mang đầy tính nghệ thuật này, khán giả sẽ tranh luận và tìm đọc lại Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đọc những nghiên cứu của giới Kiều học,tôi cũng vỡ thêm được nhiều điều và sẽ chỉnh sửa, trao đổi cùng diễn để họ hiểu nhân vật của mình hơn. Trước mắt, những lời động viên từ TS Phan Tử Phùng của Hội Kiều học là điều để tôi trân trọng và cám ơn rất nhiều. P.V |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất