Họa sĩ Lý Trực Dũng: Sau 40 năm, biếm họa lại... xuống đường

28/03/2012 08:47 GMT+7 | Biếm Họa


(TT&VH) - Một thông tin thú vị: Triển lãm Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III do TT&VH tổ chức vào hôm nay (28/3) là lần “xuống đường” thứ hai của thể loại mỹ thuật - báo chí này tại Việt Nam, sau lần đầu tiên vào 40 năm trước.

Họa sĩ Lý Trực Dũng

Cung cấp câu chuyện trên, họa sĩ Lý Trực Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo của cuộc thi đã chia sẻ cùng TT&VH những suy nghĩ về chất lượng các tác phẩm dự thi của mình. Ông nói:

- Nghiên cứu về lịch sử biếm họa Việt Nam, tôi được biết lần “xuống đường” đầu tiên diễn ra ngay sau đợt ném bom thảm sát của Mỹ tại khu phố Khâm Thiên vào những ngày cuối năm 1972. Họa sĩ Nguyễn Bích, Chánh văn phòng Hội Mỹ thuật Việt Nam, là người đề xuất ý tưởng trên. Chỉ trong một buổi sáng, các cán bộ của Hội Mỹ thuật đã chia nhau tới vận động hầu hết những họa sĩ tại Hà Nội khi đó như Phan Kế An, Võ An Lai. Rất nhiều bức tranh được vẽ vội bên ánh sáng của những chiếc đèn dầu đặt trong hầm trú bom. Và chỉ 2 ngày sau, hàng chục bức tranh biếm họa về máy bay và Tổng thống Mỹ đã được treo trên những chiếc dây căng vội tại khu vực nhà Khai Trí. Nhân dân Hà Nội hào hứng xem tranh, chật cứng một góc bờ Hồ...

Mãi tới 40 năm sau, biếm họa Việt Nam mới có lần “xuống đường” thứ hai trong cuộc thi do báo TT&VH tổ chức. Tất nhiên, đây là cuộc triển lãm quy mô và được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với lần đầu tiên. Nhưng, không thể phủ nhận, việc đưa biếm họa “xuống đường” là một ý tưởng hay, vì khi đặt giữa không gian rộng cùng cộng đồng người xem, biếm họa càng phát huy được sở trường của mình: phản ứng nhanh, mạnh, chính xác với những vấn đề thời sự.

* Quan điểm của ông về khoảng cách giữa các họa sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư trong giải năm nay?

- Nếu hiểu khái niệm “nghiệp dư” theo nghĩa rộng thì có khá nhiều tác giả chưa vẽ thể loại này bao giờ. Tuy nhiên, một lượng lớn trong số họ lại từng làm trong các lĩnh vực mỹ thuật và có tay nghề khá về đường nét, bố cục tạo hình, phối màu... Chỉ cần có ý tưởng tốt, giàu tính sáng tạo thì tác phẩm của họ sẽ mang tính thuyết phục cao. Chẳng hạn, một tác giả làm trong lĩnh vực đồ họa đã lần đầu tiên đến với tranh biếm họa qua cuộc thi này và giành giải cao.

Nhìn chung, với thách thức từ thời gian, những họa sĩ có thâm niên về biếm họa như chúng tôi cũng nên bắt đầu nghĩ tới một cuộc chuyển giao thế hệ. Tôi khá mừng khi nhìn thấy một lực lượng mới, có năng lực và hào hứng với thể loại biếm họa qua cuộc thi này.

* Còn chất lượng của các tranh dự thi lần này, điều gì khiến ông quan tâm nhất?

- Thực ra, nếu để so sánh, môi trường ít nhiều khó gợi cảm hứng hơn so với giao thông - chủ đề của cuộc thi biếm họa lần trước. Sự khác biệt này đến từ một thói quen tâm lý của người Việt Nam: chủ yếu vẫn quan tâm và hào hứng với những câu chuyện dễ nhìn thấy, dễ ảnh hưởng trực tiếp tới mình. Như anh em giám khảo chúng tôi so sánh vui thì người ta dễ nói nhiều về kiểu chết “giãy đành đạch” của tai nạn giao thông hơn là những cái chết “từ từ” mà nạn xâm hại môi trường mang lại.

Chính bởi vậy, tôi rất vui khi thấy khá đông tác giả, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dự, tham dự cuộc thi này. Cá biệt, có những tác giả gửi lượng tranh dự thi khá lớn. Trước mắt, họ đã cho thấy một thông điệp: Chúng tôi vẫn là những người công dân và có ý thức công dân.

Về mặt chất lượng, một số bức tranh được vẽ khá công phu với ý tưởng độc đáo, khiến tôi nhớ tới lời thoại trong một bộ phim tài liệu về môi trường: “Phải tới khi cái cây cuối cùng bị chặt, con cá cuối cùng bị đánh bắt, dòng sông cuối cùng bị đầu độc thì người ta mới có thể nhận thấy tiền không thể dùng làm thức ăn”.

Tranh dự thi của Hồ Hữu Phúc

* Ông nghĩ sao, trước một số ý kiến cho rằng các cuộc thi biếm họa của TT&VH nên được tổ chức theo tính chất tự do, không nên bó vào từng chủ đề nhất định mỗi năm?

- Điều này rất khó phân định. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 70, 80 cuộc thi quốc tế về tranh biếm họa, trong đó có những cuộc thi không hạn chế về đề tài và những cuộc thi có chủ đề riêng từ rộng tới hẹp như tranh biếm họa chính trị, biếm họa về thể thao hay thậm chí biếm họa về câu cá. Tôi nghĩ, chuyện lựa chọn sẽ phụ thuộc vào thời điểm và hoàn cảnh riêng của từng cuộc thi. Có lẽ, nếu chọn một đề tài có tính thời sự cao, như giáo dục chẳng hạn, thì vẫn có thể thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm