Hiếu tử ...hay… đao phủ?

28/03/2012 10:01 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Con vượn lông lá dướn mình đứng trên hai chi sau, bộ não phát triển để nhận biết tự nhiên, môi trường xung quanh - người mẹ trực tiếp ban cho “Hắn” sự sống. Hắn kính sợ và yêu say đắm mẹ môi trường tự nhiên hoang dã, thậm chí thái quá: kính sợ từ hòn đá đến cái cây và nhất là các con vật to khỏe, hung dữ từ rắn đến voi, gấu và tê giác, cá sấu và sư tử... Bộ tộc của Hắn tôn thờ một phần tự nhiên nhỏ bé làm cha mẹ. Rồi tự nhiên mà Hắn cảm nhận cứ rộng, sâu và cao mãi ra: trái đất và bầu trời, mặt trời và tinh tú, những dòng sông và ngọn thác, những trái núi và sa mạc...

Mẹ tự nhiên lớn lao quá và phong phú quá. Chắc chắn có cả một “bộ tộc thần” cai quản bởi một vị thần tối cao: thần Dớt, thần Mặt trời, thần sông Nil, thần Lửa, thần Sấm, thần Mưa... Kính tín “đơn thần siêu nhiên” là bước tiếp theo trong ứng xử của con người với mẹ vĩ đại. Đến đây Hắn vẫn là đứa con bé bỏng trong lòng mẹ.

Rồi khoảng 500 năm trước đây, xác tín con người được thượng đế sinh ra theo hình hài của Ngài biến Hắn thành thượng đế của trần gian, có sứ mạng và quyền hạn khám phá, khai thác tự nhiên môi trường, muôn loài để mưu cầu hạnh phúc, thịnh vượng cho riêng mình. Và chỉ trong một “tích tắc” (300 năm) của hàng chục vạn năm tiến hóa tham vọng và trí tuệ con người đã phát triển khoa học, kĩ thuật, công nghệ... với sức mạnh đủ để hủy diệt mình cùng toàn bộ trái đất!

Không đáy - tranh dự thi của Lê Phương

Bước nhỏ tiếp theo dẫn Hắn thẳng tới bờ vực diệt vong. Sách đỏ kết án Hắn đã và đang diệt chủng ngàn vạn loài chủng hữu sinh, hữu linh anh chị em của mình. Khoa học kết án Hắn gây thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu khiến trái đất thành nơi không đáng sống của muôn loài. Ứng xử con người - tự nhiên từ hơn 1/2 thế kỷ lại đây đã là mâu thuẫn - cao trào - thắt nút của mọi bi kịch kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng... của bất kỳ cộng đồng, dân tộc quốc gia nào.

Đó là vở bi kịch của lựa chọn làm đứa hiếu tử (của tự nhiên môi trường) hay làm tên đao phủ (giết mẹ đẻ)!

Nước chậm tiến cất cánh tăng trưởng tất phải tận lực mà tận thu, tận diệt, tận khai thác, tận xuất khẩu... mọi tài nguyên môi trường. Hơn 20 năm thoát được cảnh đói nghèo ngoảnh lại mới hốt hoảng: Nước mình sẽ là 1 trong 10 nước bị “ăn đòn” nặng nhất của biến đổi khí hậu và đang là 1 trong 10 quốc gia có chất lượng không khí và môi trường bẩn nhất thế giới. Môi trường thành bi kịch của quốc gia và của mỗi nhà: hàng ngàn buôn, bản tiêu điều vì phá rừng, hàng trăm làng xã liêu xiêu vì thủy điện, hàng vạn hộ kiện Vedan giết sông Thị Vải và biết bao người dân kiện vì khói bụi gây bệnh tật ở mọi đô thị... Cái giá cho tăng trưởng quá lớn và không chỉ các thế hệ sau mà chính chúng ta phải trả tức thì!

Đạo đức môi trường ngày nay quan thiết, trực tiếp hệt như các quan hệ đạo đức cốt lõi nhất phu - phụ - tử!

Biếm họa tất nhiên để cười nhưng không chỉ để cười. Nó có thể là chính luận hùng hồn hay một bi hài kịch cười ra nước mắt. Dường như toàn cuộc thi và mỗi tác phẩm lần này đều bắt ta phải trả lời câu hỏi: Với tự nhiên môi trường chúng ta làm hiếu tử hay đao phủ đây!

Nguyễn Quân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm