27/03/2012 10:30 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Tối qua (26/3), phường rối đầu gỗ hầu thánh (hay còn gọi là trò Ổi lỗi) chùa Đại Bi Tự, xã Nam Giang, Nam Trực, Nam Định đã có buổi trình diễn tại Chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội. Đây là lần thứ hai phường rối cạn độc nhất vô nhị này rời khỏi “thánh đường” là Đại Bi Tự ở Nam Giang đi biểu diễn tại Hà Nội.
Lần đầu tiên trò Ổi lỗi đến Hà Nội biểu diễn “hầu người” là tại Hội thảo “Để di sản sống trong đời sống đương đại” do báo TT&VH tổ chức hồi tháng 9/2009.
1. Cũng giống như lần đầu tiên biểu diễn trong Hội thảo cách đây 3 năm, 25 nghệ nhân của phường rối chỉ dám thỉnh xin Thánh Từ Đạo Hạnh cho mang đi 8 thánh tượng (cả thảy trò Ổi lỗi có 12 thánh tượng) và cả 8 chỉ là những thánh tượng thường được các nghệ nhân dùng để tập hàng ngày ở quê.
Trước khi đến chùa Thầy, 25 nghệ nhân trong phường rối đều phải ăn kiêng, tắm rửa sạch sẽ, áo the, khăn xếp tinh tươm, gọn gẽ tập trung đến chùa Đại Bi Tự nhờ Đại đức Thích Thanh Quyết sắm lễ tại ba cung: dâng hương xin ở cung Đức Ông trước, sau là khiến tấu lên Đức Thánh Tổ, cuối cùng mới đến cung của Thập nhị Thánh tượng.
Buổi trình diễn của Phường rối đầu gỗ hầu thánh chùa Đại Bi Tự
Việc xuất Thánh tượng ra khỏi “không gian thiêng” của tượng được nhiều người cho là “trọng tội với tổ tiên” vì tương truyền, Thánh Từ Đạo Hạnh dạy cho dân làng ba thôn là Vân Tràng, Giáp Ba, Giáp Tư là chỉ để phục vụ bà con của ba thôn này, không được đưa thánh tượng ra khỏi Đại Bi Tự biểu diễn ở nơi khác.
“Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng bậc tiền nhân sáng tác ra kinh thánh là để răn dạy cho toàn dân nên mặc dù bị nhiều người phản đối nhưng chúng tôi đã mạnh dạn phân tích cho họ hiểu để được phép xin thánh tượng đi truyền bá khắp nơi nếu được mời và điều kiện cho phép...” - trưởng phường rối đầu gỗ Đại Bi Tự cho biết.
2. Lần mang thánh tượng đến chùa Thầy biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu, 25 nghệ nhân phường rối đầu gỗ tỏ ra rất háo hức khi có rất đông người dân đổ đến xem. Trong vòng khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, các nghệ nhân chỉ “hầu” ba trích đoạn là Giáo trống, Dâng cách và Đứng cái cấp một, cấp hai nhưng hết màn Giáo trống, ngó xuống phía dưới, khán giả chỉ còn vài người.
Thương các cụ nghệ nhân, có người ới vọng lên sân khấu bảo các cụ nghỉ nhưng cả 25 nghệ nhân vẫn không rời vị trí, trống phách vẫn giòn giã, thánh tượng vẫn hầu nghiêm cẩn và trang trọng, ngay cả khi hệ thống điện bị chập, đèn điện vụt tắt.
Sau khi hồi cất thánh tượng vào hòm, chuẩn bị lên đường về quê ngay trong đêm, cụ Sòng thủng thẳng bảo: “Nên nhớ, trò Ổi lỗi thường chỉ để hầu thánh chứ không hầu người. Đây là lần thứ hai các thánh tượng hầu người và các bài kinh thánh không phải nghe một lần là hiểu. Chúng tôi không buồn vì điều đó. Nếu buồn vì chẳng có ai xem, không có ai hiểu, hẳn những người già cả như chúng tôi chẳng thể giữ được trò độc đáo này. Cần phải kiên nhẫn khi mang phổ biến đến công chúng!”.
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất